Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Góc nhìn Vài nét về đô thị TP.HCM sau 35 năm

Vài nét về đô thị TP.HCM sau 35 năm

Viết email In

Nhớ lại những ngày sau giải phóng, ai cũng bảo TP.HCM hiện nay rộng lớn hơn, hiện đại hơn bởi nhiều tòa nhà cao tầng mọc lên, dân cư đông lên rất nhiều lần. Trước kia, Q.1 là trung tâm, là niềm tự hào của người Sài Gòn nhưng nay các quận: 3, 4, 5 và 10 dần thay da đổi thịt, trở thành mảnh đất vàng mang lại  giá trị kinh tế - xã hội cho TP. Còn Q.7 với KĐT Phú Mỹ Hưng tạo nên hình mẫu hiện đại cho cả nước…


Sài Gòn thời Pháp thuộc với xe ngựa và những cột Morris đặc trưng Pháp (nguồn : Wikipedia)

Thay đổi dễ nhận thấy

KTS Khương Văn Mười - Chủ tịch Hội KTS TP.HCM hồi tưởng: “Từ năm 1993, sau khi đất nước chuyển đổi nền kinh tế, TP.HCM bước vào thời kỳ bùng nổ xây dựng. Nhiều khu dân cư, KCN, KCX… được ra đời, nhà cửa thi nhau thay đổi diện mạo, nhất là với trung tâm TP. Năm 1998, Chính phủ phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung 18 quận huyện, cùng rất nhiều đồ án quy hoạch chi tiết được phê duyệt, kết quả có hàng nghìn khu dân cư, tuyến đường mới hình thành. Gần nhất có thể thấy ngay Q.1 không còn nhiều căn nhà phố mà thay vào đó là những tòa nhà cao tầng, trong đó chứa đựng trung tâm thương mại, căn hộ, văn phòng cao cấp với những kiến trúc đa dạng tạo nên sự hiện đại nhiều màu sắc. Q.4 trước được nối với trung tâm TP bởi 1 cây cầu nhỏ và được mệnh danh là vùng “đất dữ”. Giờ, ngoài cầu Khánh Hội vừa được xây mới, đường Nguyễn Tất Thành được mở rộng còn có nhiều cây cầu mới nối các tuyến đường giữa Q.1 và Q.4, tạo nên những khu phố nhà nhà san sát nhau. Đặc biệt, công tác quy hoạch đô thị giai đoạn này (1997) đã để lại dấu ấn sâu sắc, KĐT Nam Sài Gòn với diện tích 2.600ha đến nay đã thực hiện xong khu A - KĐT Phú Mỹ Hưng đã được công nhận là KĐT kiểu mẫu”.

Một điều dễ nhận thấy nữa là giao thông tại các cửa ngõ TP đều được nâng cấp thành quốc lộ, giao thông nội thành cũng được nâng cấp, mở rộng. Gần đây, nhiều công trình giao thông có quy mô lớn đã hoàn thiện tạo hành lang thông suốt như Đại lộ Đông - Tây, cầu Phú Mỹ, cầu Thủ Thiêm… góp phần giảm lượng giao thông qua TP và thuận lợi trong giao thương, tạo thêm sức hút đầu tư thương mại. Tuy vậy, tại các tuyến đường dẫn vào trung tâm vẫn chưa đủ để đáp ứng lưu lượng giao thông hiện nay, đây là một trong những trăn trở của giới chuyên môn có tâm huyết.


Các khu đô thị vệ tinh của TPHCM (nguồn: SGTT)

Kiến trúc đô thị TP.HCM hiện nay đang là bài toán khó đối với tất cả những ai quan tâm. Sau biến cố lịch sử, sau nhu cầu tăng cao của cư dân sống tại TP thì hiện nay các nhà chuyên môn, giới KTS đều nhận thấy vấn đề này còn nhiều bất cập, kiến trúc manh mún, lộn xộn thiếu đặc thù và tư duy học thuật. Nhiều người tiếc cho những dãy nhà phố bị mất đi, nhưng theo KTS Mười: “Nhu cầu nhà ở ngày càng cao, mật độ dân số cao hơn các nước trên thế giới, nên cần nhà cao tầng là tất yếu nhưng quan trọng nên quy hoạch sao để có bố cục tổng thể hài hòa và vẫn giữ được nét đẹp đặc trưng của vùng miền”. Một mặt tích cực của TP mang tên Bác là vấn đề nhà ở, cũng từ việc quy hoạch đô thị nên nhiều người sống bên kênh rạch đã có nhà ở đàng hoàng hơn, người thu nhập thấp dần có nơi sống ổn định, giảm bớt sự nhếch nhác đô thị, các kênh rạch được nạo vét và xây kè đem lại không gian cho TP.

Trong 35 năm qua hạ tầng kỹ thuật cũng là vấn đề được chính quyền TP quan tâm và đầu tư. Ông Lê Hoàng Minh - Phó giám đốc Trung tâm điều hành Chương trình chống ngập nước TP.HCM cho biết: “Hiện TP mới xây dựng khoảng 1.550km cống thoát nước, như vậy sẽ không đủ cho trên 8 triệu dân, sự quá tải đó gây nên tình trạng ngập úng, ô nhiễm môi trường nước. Hiện có 3 nhà máy xử lý nước thải với công suất từ 400 - 1.400m3/ngày trong khi đó tổng lượng nước thải sinh hoạt cần xử lý gần 4 triệu m3/ngày (các nhà máy chỉ xử lý được khoảng 5%). Vấn đề xử lý rác thải cũng làm đau đầu nhà quản lý và ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân".

  • Ảnh bên : Trung tâm TP Hồ Chí Minh (ảnh : Ashui.com) 

Giá trị của bảo tồn trong sự hiện đại hóa

Đó là những trăn trở của các thế hệ KTS yêu TP.HCM khi TP đang trong quá trình hiện đại hóa. KTS Nguyễn Văn Tất cho rằng: "Giai đoạn 1975 - 1990 kiến trúc TP.HCM đóng băng, không có sự đầu tư lớn, nhiều công trình kiến trúc bị lụi tàn bởi không có sự chăm sóc đúng mức. Đành rằng TP phải phát triển, phải bắt nhịp được với thời cuộc nhưng vẫn cần lắm những giá trị truyền thống, những tòa nhà cao tầng nằm tại vị trí vàng sẽ đem lại giá trị kinh tế là cần thiết nhưng vẫn cần phải giữ lại không gian cho TP thở. Những công trình kiến trúc có phong cách thiết kế, thi công và hoàn thiện ở trình độ “thượng thừa” như: Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín; quần thể trung tâm văn hóa Pháp; Thư viện Tổng hợp TP; Dinh Thống Nhất… là những minh chứng lịch sử và khẳng định trình độ của giới KTS Việt Nam. Một số công trình công cộng nhất thiết phải được giữ lại như những công viên, hiện nay sự biến dạng của không gian xanh trong lòng TP là sự nhức nhối của người dân”.

Nhiều KTS đồng ý với việc đô thị hóa là điều tất yếu của công cuộc hiện đại hóa đất nước nhưng không phải vì vậy mà để mất bản sắc văn hóa kiến trúc của TP. Họ cũng cho rằng đừng nên phá vỡ cảnh quan kiến trúc hài hòa giữa cái cũ và cái mới. Bởi mỗi một tác phẩm kiến trúc là chứa đựng trong đó những yếu tố tâm linh, văn hóa xã hội, thông điệp của thế hệ trước. Kiến trúc truyền thống của TP.HCM mang sắc thái của các cộng đồng sinh sống tại đó, mang đậm văn hóa qua từng thời đại. Sở QH-KT cho biết: “Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch chung xây dựng TP đến năm 2025, các quận, huyện sẽ tập trung phủ kín quy hoạch chi tiết 1/2000. Cùng đó, TP cũng tiến hành thẩm định quy hoạch ngành, KĐTM và khu có chức năng đặc biệt như đô thị”. Do vậy giữ gìn và phát huy các giá trị kiến trúc cổ, di sản đặc trưng của “Hòn ngọc Viễn đông” là cần thiết đối với TP.HCM...

Mai Thanh - Dương Thảo

>> Sài Gòn xưa và nay 

>> Không gian đô thị TP.HCM tầm nhìn 2025 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo