Nhà không có bàn ghế; khách đến ngồi bệt dưới đất; chỗ ngủ nhà tắm dồn vào một nơi; thậm chí có căn chỉ độc mỗi toilet và chỗ nằm... là cảnh sống của nhiều người cố bám trụ lại Sài Gòn ở những tuyến đường mới mở.
Tuyến đường Lê Quang Định giao với vành đai ngoài Tân Sơn Nhất (quận Gò Vấp, TP HCM) được mở cách đây khoảng 1 năm. Những hộ bị giải tỏa trắng đã dọn đi từ lâu, ổn định nơi ăn chốn ở. Song một số căn nhà bị giải tỏa một phần, dù chỉ còn lại chóp đuôi của mảnh đất, người dân vẫn xoay sở sửa chữa, cải tạo nhà, lên gác, đúc lầu, tận dụng phần đất ít ỏi để làm chốn đi về, bán buôn.
- Ảnh bên : Những căn nhà này hầu hết đều có khối hình tam giác, mặt tiền phình ra nhưng chiều sâu không có. Khó ai ngờ rằng diện tích đất nhỏ nhất của một trong những căn nhà này là 5,4 m2
Kiến trúc đô thị trên tuyến đường mới mở vì thế sớm lộ những căn nhà diện tích dưới 15 m2, thậm chí có căn siêu mỏng, hình thù kỳ dị, diện tích 4-5 m2.
Vợ chồng chị Yến, ngụ hộ 606E, có diện tích 14,8 m2 gồm một trệt, một lầu, một gác lửng nằm ở góc đường Lê Quang Định, Gò Vấp. Tổ ấm nhỏ của gia đình chị được sửa chữa, cải tạo từ phần đuôi của ngôi nhà hơn 100 m2 bị giải tỏa. Từ một đại gia đình, nhà chị Yến đã chia năm xẻ bảy. Bố mẹ về Hà Tây, các anh chị em nhận tiền bố mẹ chia cho khi giải tỏa rồi tứ tán. Riêng vợ chồng chị không nhận tiền, đổi lại được chia khoảnh đất chưa đầy 15 m2 còn sót lại của căn nhà cũ, để bán buôn làm kế sinh nhai.
- Ảnh bên : Căn nhà số 606E Lê Quang Định có hình thang nhọn, toàn bộ diện tích tầng trệt của căn nhà được dùng cho 4 mục đích: bán buôn, phòng khách, nhà bếp và nơi để xe - Ảnh chụp từ cầu thang xoắn ốc nhìn xuống.
"Ban đầu tôi lo lắm, đất bé thế này, biết có được nâng tầng hay không, lại còn chưa kể đến việc sắp xếp nhà cửa đau cả đầu vì quá chật chội. Nhưng có chỗ để bán buôn vẫn an ủi lắm rồi", chị Yến bộc bạch.
Người phụ nữ này kể, ở tầng trệt, gia đình chị dùng làm nơi kinh doanh giò chả Hà Nội, vừa đủ một chỗ để xe gắn máy và quầy hàng nhỏ, bếp nấu nướng và vòi nước ép sát vách tường. Tầng trệt cũng là phòng khách của gia đình với phong cách ngồi bệt. Từ chủ nhà đến khách đều ngồi bệt xuống nền nhà để dùng cơm, uống cốc trà hay trò chuyện. "Cũng đôi lần khách ăn mặc lịch sự đến thăm phải ngồi đất, tôi đâm xấu hổ vì nhà mình không có nổi bộ bàn ghế ra hồn, nếu có thì chẳng còn chỗ mà để", chị Yến kể.
Tầng ở trên chứa tủ thờ, máy cấp đông giò chả, máy giặt, tấm phản để ngủ, ti vi, và cả toilet. Gian gác suốt trên cùng được dùng để chứa đồ cũ lỉnh kỉnh.
- Ảnh bên : Tủ thờ, tủ cấp đông, giường ngủ, nhà vệ sinh, máy giặt, toilet dồn chung vào tầng để chừa lối đi rộng chưa đầy 30 cm.
"Lối đi trong nhà tôi chỉ rộng 26 cm, tủ thờ phải đặt cạnh giường ngủ của vợ chồng con cái. Mai này khi bọn trẻ lớn lên, chắc chắn không đủ chỗ ở", chồng chị Yến nói.
Được gần 15 m2 đất như nhà của chị Yến vẫn còn "đỏ vận", bởi lẽ có không ít xác nhà chỉ còn sót lại tầm 5-6 m2 sau khi giải toả xong vẫn tiếp tục góp mặt trên tuyến đường Lê Quang Định. Cuộc sống của người dân ở đây hầu như giản tiện mọi thứ.
Đó là trường hợp của chị Chi, chủ hộ 585/5 Lê Quang Định, phường 1, quận Gò Vấp. Phần đất của căn nhà tí hon mà chị đang sử dụng chỉ vỏn vẹn 5,4 m2 với chiều dài 3 m, chiều rộng 1,8 m. Chủ nhà cho hay, đây là phần sàn bếp và toilet của căn nhà cũ đã giải tỏa xong và được giữ lại. "Tôi đã xin sửa chữa và nâng tầng nhưng không được chấp thuận vì diện tích quá nhỏ, cuối cùng tôi cải tạo thêm một gác suốt hình tam giác như bây giờ", chủ nhà chỉ lên gian gác giải thích.
- Ảnh bên : Căn nhà 585/5 Lê Quang Định chỉ vỏn vẹn một cái toilet và phần diện tích rất nhỏ đủ chỗ nằm cho 1 người trên mảnh đất dài 3 m, rộng 1,8 m.
Chị Chi chia sẻ, trước khi bị giải tỏa, nhà chị rộng 56 m2, ngăn ra cho anh chị em ở cùng. Khi giải tỏa xong thì diện tích căn nhà còn bấy nhiêu. Thế nhưng mọi người trong gia đình vẫn đi đi về về. Dù đã mua nhà mới ở quận 12 nhưng công việc của anh chị em và việc học hành của con cháu đều ở Gò Vấp, vì thế, chị vẫn dùng căn nhà nhỏ này để làm chỗ nấu nướng, lo cơm nước cho mọi người trong gia đình vào buổi trưa và xế chiều. "Đây là trạm dừng chân, nghỉ trưa, ăn uống, giao dịch làm ăn của cả gia đình tôi, chỉ buồn một nỗi không ngủ lại được vì quá chật", chị nói.
Cách đó không xa là hộ 491/24 chỉ rộng hơn 5 m2, có hình tam giác, xây 3 tấm (một trệt hai lầu), trương mặt tiền hình vòng nguyệt phình to nhưng cửa đóng then cài. Người hàng xóm trong khu này cho biết, căn nhà chỉ là chỗ nghỉ ngơi tạm, vì ít khi thấy có người về đây sinh sống. "Chẳng hiểu vì sao diện tích nhỏ như thế mà họ vẫn xây được 3 tầng", người hàng xóm thắc mắc.
Đi dọc tuyến Bình Lợi - Tân Sơn Nhất - Vành đai ngoài đoạn cắt Lê Quang Định, nhà có hình thù kỳ dị và siêu mỏng, siêu nhỏ mọc lên nhan nhản. Theo nhiều gia chủ sống trong những căn nhà này, một trong những lý do khiến người dân chấp nhận sống chật hẹp và thiếu không gian để trụ lại đây là vì họ kỳ vọng tuyến đường mới phóng này sẽ mang lại cơ hội kinh doanh béo bở.
"Chúng tôi có bao nhiêu người quen, họ hàng, mối làm ăn ở khu này, công việc cũng chỉ quanh quẩn ở đây, con cái học hành thuận tiện, nếu đi về Củ Chi, Hóc Môn, quận 12 thì biết làm gì ở đó? Chỉ còn cách bám trụ để chờ cơ hội", chủ một căn nhà siêu mỏng trên tuyến đường Lê Quang Định nói.
Bài và ảnh : Vũ Lê
- Cần thẩm định kết quả trưng cầu ý dân về Quy hoạch Thủ đô
- Nhiêu Lộc: ngày ấy và bây giờ
- Vài nét về đô thị TP.HCM sau 35 năm
- Mùa mưa 2010: Hà Nội có chìm trong biển nước?
- Cơ cực những căn "nhà chồ" giữa lòng thành phố
- Làng văn hóa - du lịch các dân tộc VN: Làm sao giữ được bản sắc?
- Đi tìm mô hình "Làng đại gia" ở Việt Nam
- Mã gen của một thành phố
- Nhìn lại kiến trúc "mới" của VN: Phiên bản mờ nhạt của kiến trúc thế giới!
- Làng gốm cổ Phước Tích