Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, 70% đơn thư khiếu nại, tố cáo của dân năm 2009 tập trung vào lĩnh vực đất đai, và chủ yếu nhằm đến cán bộ có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng trong quản lý đất đai, tài chính…
Trong khi đó, một kết quả của nhóm nghiên cứu gồm Đại sứ quán Thụy Điển, Đan Mạch và Ngân hàng Thế giới (WB) công bố hôm qua tại hội nghị bàn tròn “Tăng cường minh bạch trong quản lý đất đai ở VN”, do Đại sứ quán Thụy Điển tại VN tổ chức với sự hỗ trợ của Tổ chức Minh bạch quốc tế và Tổ chức Hướng tới minh bạch, UNDP, WB cho biết dù có đến 90% tranh chấp, khiếu kiện, tố cáo ở tòa liên quan đến đất đai, nhưng chỉ 1% người khởi kiện thỏa mãn với kết quả giải quyết.
Ảnh: Lê Hồng Thái / SGTT
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, nhìn nhận: “Cơ chế đất đai đang tạo nên nguy cơ tham nhũng rất cao”.
Ở cấp độ vĩ mô là tình trạng quan chức quận, tỉnh tùy tiện sửa chữa, bổ sung quy hoạch, mỗi nhiệm kỳ là một lần quy hoạch mới, một tuyến đường mới làm giá đất tăng vọt. Dư luận xã hội và cơ quan chức năng phanh phui ra được vụ lãnh đạo một số quận, huyện TP.HCM móc ngoặc doanh nghiệp bất động sản, đút túi hàng tỉ đồng nhờ bản quy hoạch “tùy hứng”. Nhưng đây mới chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Bởi ràng buộc trong luật quá thấp, ít ai phải chịu trách nhiệm về những bản quy hoạch làm theo tư duy nhiệm kỳ, hay việc định giá đất sai lệch hàng chục lần.
Còn người dân, để nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhanh chóng, hay những thủ tục nhỏ hơn, không ít người phải lót tay, hối lộ bôi trơn bộ máy ưa vòi vĩnh, làm luật của cán bộ địa chính từ cấp xã, phường đến cấp tỉnh, thành phố.
Chính sách quản lý đất đai hiện nay có tạo cơ hội tiềm năng cho tham nhũng? Câu trả lời là có. Người dân bị nhũng nhiễu, o ép, ngân sách nhà nước thất thu và hối lộ tồn tại như một thông lệ trong bất kỳ thủ tục hành chính nào liên quan đến đất đai.
Nhưng thay đổi tình trạng này lại không hề dễ dàng. Theo đánh giá, hệ thống quản lý đất đai đã có nhiều tiến bộ và hoàn thiện, nhưng quá nhiều kẽ hở vẫn còn tồn tại. UBND các cấp vẫn được quyết tất, từ ra quyết định sử dụng đất đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thậm chí xác định giá đất đền bù... Đất đai là sở hữu toàn dân, nhưng người dân không hề có tiếng nói trong quy hoạch, phân phối, sử dụng đất.
Người dân phải được giám sát việc thu hồi và sử dụng đất; quyền “tự quyết” của các quan chức xã, phường, tỉnh phải giảm bớt; tăng tính độc lập trong việc xác định giá trị đất, giá trị đền bù và phân đất… là những khuyến nghị được các chuyên gia trong và ngoài nước đưa ra trong hội nghị bàn tròn nêu trên. Vấn đề là những đề xuất này sẽ được những nhà làm luật, những người có thẩm quyền cân nhắc và thực hiện ra sao!
Mai Hà
>>
- Ngôi chùa gần 1000 năm tuổi kêu cứu
- Loạn sàn giao dịch bất động sản: 'Béo cò', đau đầu quản lý
- Đất và lòng người
- Một Hà Nội "chọc trời" trong mắt người nước ngoài
- Trăn trở việc bảo tồn di sản của Thăng Long - Hà Nội
- Bãi biển Nha Trang bị xếp hạng “tồi nhất”: Thêm cơ hội để nhìn lại mình
- Quảng Châu: Nghĩ từ phố đi bộ...
- Người dân tham gia vào quy hoạch đô thị… chỉ là hình thức
- Bất động sản "giáng" cú đòn vào đồng nội tệ?
- Chính quyền thiếu kiên quyết, dân thi nhau lấn chiếm đất