Các pho cổng cổ, trùm xòa cây dại, phủ bóng thời gian đầy quyến rũ ở thành cổ Sơn Tây,
tòa thành cổ còn nguyên vẹn nhất Việt Nam hiện nay (ảnh chụp tháng 11 năm 2008).
Không phải thế. Vấn đề là người ta ngụy trang, người ta đã ngụy biện để cố tình làm cái việc mà ai cũng biết là chẳng giống ai và “bất nhân” với những giá trị muôn một của cha anh. Giặc giã, chiến tranh, thời tiết khắc nghiệt làm mai một di tích, đã là đau lòng lắm. Dẫu vẫn biết chuyện đó bất khả kháng (chưa kể, đôi lúc sự khắc nghiệt của thời tiết nhiệt đới ẩm còn làm các di tích có vẻ đẹp rêu phong “tợn” hơn ở miền nắng gió khác). Nhưng, trần trụi lắm, cái việc biết làm mới di tích là tàn tệ, là bất nhẫn với cha anh và mai hậu mà người ta vẫn lồi lồi làm bằng được còn đau lòng gấp… vạn lần. Không ai dám phá di tích, vì đã có luật pháp chở che cho các giá trị quý hóa đó. Nhưng người ta lại vẫn “phá” di tích một cách hợp pháp, bằng cái gọi là dự án trùng tu đầy bất cập.
Tôi đặc biệt ám ảnh trong cái vụ báo chí cực lực lên tiếng trong dự án trùng tu Di tích Lam Kinh ở Thanh Hóa, có tờ báo phản đối đến… 10 bài. Thế mà đâu vẫn đóng đó. Tôi từng mất ăn mất ngủ viết nhiều bài cho cuộc trường chinh phản đối dự án trùng tu Thành cổ Sơn Tây, ngôi thành Vơ-ban đang còn nguyên vẹn nhất, đẹp đệ nhất Việt Nam. Họ bỏ gần 50 tỷ ra với mục đích dựng lại toàn bộ ngôi thành giống như cái hồi nó mới được xây dựng lần gần đây nhất, cách nay 200 năm! Chu vi bốn kilomet tường thành, 3 pho cổng, hào nước sâu dài hơn 4km, các vọng gác cao, cột cờ, các nhà lộng lẫy cho vua… ngự khi tuần du qua Sơn Tây (kiến trúc giống hệt Thành cổ Hà Nội) sẽ được phục dựng y như trong bức ảnh nào đó mà người ta còn giữ được (người Pháp chụp). Đặc biệt quyến hồn người ta là các pho cổng cổ, cây si cây đa cây đề cổ thụ phủ trùm lên nóc cổng, biến cái cổng thành những kỳ quan thiên nhiên, thành những cái cổng thành đẹp nhất Việt Nam. Hàng triệu tấm ảnh, hàng nghìn thước phim đã được “bấm” ở đó, nhiều thế hệ người Hà Nội đã trải lòng mình với di tích đó. Nay người ta phá, xây mới. Lý do: thành cũ khi mới khánh thành, dĩ nhiên chỉ có đá gạch, không có cây dại, cây cổ thụ là thứ… ngoại lai do với di tích. Phải phun hóa chất cho chết, phải phá thành ra xây mới để… phục dựng 100%. Lời của anh kỹ sư tên là Ba ấy được báo chí đăng tải, làn sóng vận động cứu thành cổ Sơn Tây ầm ĩ cả nước. Cuối cùng dự án phá cổng, phá thành phải dừng lại ở nhiều hạng mục. Các đống đá ong mới chít xi măng có mọc lên, nhưng ở mức độ chưa tang thương lắm. Tôi, với tư cách nhà báo, từng lý luận với những người vượt hào sâu nhảy vào “phá thành” ở Sơn Tây, rằng sao các vị không phá Văn Miếu mà xây mới cho nói giống cái hồi năm 1070 (quãng ấy) nhà Lý đã xây dựng? Sao các vị không phá Hoàng Thành Huế mà “phục dựng mới toe” nhưng hồi nhà Nguyễn mới xây? Sao các vị không đi cạo rêu, cạo sứt sẹo ở tất tật hàng vạn vạn di tích ở Việt Nam này, chỉ bởi rêu thì chưa hề mọc khi di tích mới được xây dựng, cần phải “hạ gục nhanh, tiêu diệt gọn”?
Tuy nhiên, những cái cổng trên còn lại cho mai hậu, là nó đã phải trải qua rất nhiều vật lộn,
qua rất nhiều sự "chiến đấu" vệ thành của báo chí và các bậc trí giả. Năm 2006, lại thêm
một lần cơ quan trùng tu di tích đã lên kế hoạch, đã đầu tư tiền để phá nốt các cái cổng
trên mà... xây mới. Xin hãy nhìn nỗi đau phá thành trong thời bình, bằng cách xem bức ảnh
chụp một cái cổng đẹp nhất của Thành cổ Sơn Tây sau khi bị bàn tay "nhơ âẩn" của người
trùng tu tôn tạo đụng vào. Pho cổng cổ lừng danh, giờ chỉ còn là khối bê tông mốc thếch,
chết cứng.
Tôi kỳ lạ, làm làm sao phong trào xây mới, tô tượng, đẽo rêu phong cũ càng ở các di tích cứ tiếp tục, dẫu quá nhiều bậc trí giả, quá nhiều người tâm huyết đã xả thân cảnh báo? Có người giải thích: nếu cứ để đình chùa miếu mạo phủ trong khói nhang và rêu phong cổ kính, thì làm gì có tiền tỷ đổ vào di tích để người ta thi nhau “hái khế ngọt” (Bên A là chùm khế ngọt, bên B cũng là … chùm khế ngọt, hai bên cùng trèo hái mỗi ngày!). Và người ta phải nghĩ ra dự án. Lúc đầu, một số người ở thôn ổ ấu trĩ cho rằng, tự dưng người ta đem cả chục tỷ đồng cho quê mình, tội gì không nhận. Sau, nhiều người tỉnh ngộ, chính các cụ râu dài tóc bạc lại lớn tiếng đòi… không được đổ tiền vào di tích quê tôi, vì nó còn quá vững bền để tín ngưỡng và thưởng ngoạn. Mặc, các cụ nói thì cứ nói, người ta vẫn phá di tích bằng mọi giá. Lúc ấy, cái đuôi Hồ Ly Tinh của không ít dự án xây mới di tích mới lòi ra.
Quái đản.
Hoạ sĩ Thành Chương là một người say mê làng Việt cổ Đường Lâm. Nghe nói, quá tiếc nuối những viên đá ong hàng trăm năm tuổi ở di tích đình làng Mông Phụ bị vứt bỏ, có lần anh đã hỏi cánh thợ xin... mua lại cho đỡ buốt lòng.
Trên Báo Thanh Niên (tuần san) số ra ngày 20.4.2007, khi được hỏi, "anh cho vài ví dụ" về việc đầu tư tiền vào di tích "còn tệ hại hơn là phá" (lời Thành Chương), hoạ sĩ nói: "Ví như Đình Mông Phụ bị phá tan tành để làm một ngôi đình mới, chùa Dâu (được tu sửa khiến cho) y như hình ảnh quán ăn Ngon. Tại sao lại có thể bảo tồn theo cách ấy?".
Khổ pho cổng quý của người dân xứ Đoài đã từng tự hào từ hàng thế kỷ qua. Nó bị phá,
rồi không một ai thèm bén mảng đến cái nơi "tàn tích" của sự ấu trĩ trong trùng tu di tích
ấy nữa. Cổng thành trở thành một cái... cầu thang bê tông bỏ hoang. Chỉ có những lao công
quét rác lợi dụng cổng thành để cất giữ... đồ nghề. Nhục nhằn thay, tê tái thay.
"Các di tích chưa được xếp hạng thì việc trùng tu hoàn toàn là tự phát, các dấu tích có giá trị lịch sử và nghệ thuật cao sẽ càng có nhiều nguy cơ bị mai một. Tình trạng mai một kiến trúc cổ của ta, không phải chỉ vì những lý do khách quan như chiến tranh, thời tiết... Ngày xưa, là không có tiền để tu sửa, bây giờ thì nhiều khi lại vì có tiền mà thiếu hiểu biết nên được/bị tu sửa theo kiểu "hiện đại hoá".
(Trích phát biểu của nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Kiên - một trong những người chủ trì dự án "Điều tra cơ bản về di tích kiến trúc cổ truyền của người Việt ở châu thổ Bắc Bộ - Việt Nam").
(Mở ngoặc: có một sự thật là, có nhiều hạng mục di tích bằng gỗ, bằng tranh tre, bằng các vật liệu bị thời gian gặm mòn khác đang xuống cấp trầm trọng. Lúc ấy, việc đầu tư, tôn tạo một cách có văn hóa, có bài bản là cần thiết, là sống còn. Việc ra đời cái gọi là phong trào tôn tạo di tích, là dĩ nhiên. Song, ở quá nhiều nơi, người ta đã lợi dụng điều này để làm điều tà tâm (kiếm tiền). Tiền họ bỏ túi họ là một nhẽ, cái đáng sợ hơn, cung cách để vét tiền vào túi tham của họ là… phải giết chết di tích bằng cách xây mới, tống xi măng vôi cát, sắt thép và màu mè vào những giá trị muôn một đến từ hàng trăm hàng nghìn năm cũ. Một thủ phạm giết di tích nữa là chính bà con ở nơi thôn cùng ngõ vắng, họ nghĩ rằng làm mới di tích, tô vẽ tượng thờ là cách để thể hiện lòng lành với Thánh, Phật, Nhân Thần, Thành Hoàng…). |
Tin mới hơn:
- Nhà ở xã hội phải theo cơ chế thị trường
- Làng cổ Đường Lâm - địa danh cần bảo tồn
- Văn hoá của cải trước câu hỏi: thừa hay thiếu?
- Nhà ở và tư duy bao cấp
- Nguy cơ tái hiện các đô thị với thành luỹ vây quanh
Tin cũ hơn:
- Những câu chuyện "quái đản" trong bảo tồn di tích hiện nay! - Phần 1
- Thênh thang đường lên hiện đại
- Xưa, nay trong kiến trúc
- Tìm giải pháp cho nông dân bị thu hồi đất
- Chân dung đô thị và nỗi buồn của tôi