Thủ đô như một chàng trai đang lớn mà chiếc áo thì nhỏ, chiếc quần chẽn ống, nội lực bùng nổ nhưng sức níu kéo lại nhiều. Những hiểm nguy của bệnh "đầu to" đô thị xuất hiện: thiếu nhà ở, ùn tắc giao thông, thiếu nước sạch, ứ đọng nước thải.
Bộ mặt kiến trúc xập xệ, manh mún, đường phố khấp khểnh, nhà chia lô với thẩm mỹ giả cổ tầm thường, sao chép y nguyên các hình thức xưa cũ, gán ghép hỗn tạp chủ yếu từ phong cách thời Pháp thuộc, kể cả sao chép từ các đình chùa với bê tông giả gỗ, tràn lan gờ, chỉ. Không bắt nguồn từ công năng, nạn giả cổ ta, giả cổ Tây, giả cả kiến trúc hiện đại thế giới, lạm dụng kính chẳng kể gì yếu tố nhiệt đới, ô cửa lệch nghiêng, bức tường uốn cong... lan tràn.
Hội Kiến trúc sư hằng năm có tổ chức hội thảo phạm vi cả nước, khu vực, phê phán những vụng về, trì trệ, chạy theo lợi nhuận nhưng chuyển biến rất chậm chạp, có lúc còn tệ hơn.
Kể từ năm 1988, khi quy hoạch xây dựng Hà Nội đến năm 2020 được phê duyệt tới nay, nó đã qua nhiều kỳ điều chỉnh cục bộ - thường lệ cứ 3 đến 5 năm một lần cho sát với đòi hỏi của xã hội. Ấy là tính từ ngày thống nhất. Nếu kể từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, quy hoạch xây dựng do người Pháp lập thì đã mở rộng, điều chỉnh nhiều lần...
Thế rồi một quyết định mạnh dạn, "động trời": "Mở rộng địa giới Thủ đô" ra đời. HĐND thành phố, Quốc hội sôi động, báo viết, báo nói, báo hình dồn dập bình luận. Mở rộng thì đã là đương nhiên nhưng mở rộng đến không thể gọi là "điều chỉnh" được nữa thì "khiếp" thật! Hà Nội năm 1954 chỉ 20 vạn dân, nay là 3.457.000 người (và 2.000.000 lưu trú) trên diện tích 92.170 ha. Hà Nội mở rộng tới 334.000 ha, 6.233.000 người, ôm gọn cả tỉnh Hà Tây, 1 huyện của Vĩnh Phúc, 4 xã của Hòa Bình, ngang với những thủ đô lớn hàng đầu thế giới.
Tầm vóc ấy hứa hẹn một đô thị thủ đô: trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa, kinh tế, tài chính, quốc tế... của cả nước. Chẳng có quy định tỷ lệ độ lớn của Thủ đô so với cả nước nhưng những dự đoán cho thấy tầm vóc của nó sẽ tương ứng trong thời gian dài. Định hướng, ý chí thể hiện qua những tiêu chí để các chuyên gia xác lập bản đồ quy hoạch xây dựng chung. Trên cơ sở đó, người làm quy hoạch cả trong và ngoài nước có thể vững lòng suy ngẫm về sự hiện đại, chẳng lo vi phạm điều này luật nọ, chẳng lo "đổ".
Đô thị hôm nay tuy có yếu này kém nọ nhưng đã nhiều chấm phá hiện đại, thoáng rộng và cởi mở hơn. Đường mới mở thênh thang với dải cây ngăn cách xanh mát đẹp như vườn hoa. Chỗ giao cắt lập thể, đường xe cao ngang mái nhà, chui dưới lòng đất, cầu vượt cho người đi bộ như dải lụa thanh mảnh vắt ngang hàng cây bên đường. Những phương án phân luồng xe, trạm xử lý nước thải, kênh nước bẩn lộ thiên được che phủ thành nơi có thể giải trí. Những phương án thoát nước, ngầm hóa các loại cáp. Nạn nhà chia lô, siêu mỏng, siêu méo hay cao tầng ngạo nghễ được điều chỉnh hay chấm dứt, những khu nhà ở cũ được dựng lại... Đó là những cố gắng rất tích cực.
Việc giải tỏa nội thành xưa bằng những khu nhà kiểu căn hộ cao tầng, với những quy định chặt chẽ mang lại không gian tốt lành cho con người: vườn cây, bể bơi, sân chơi... Bấm nút thang máy để sống giữa lưng trời đã là chuyện quen thuộc hàng ngày. Nhà ở bao giờ cũng là vấn đề xã hội hàng đầu. Chẳng thiếu những người chưa có nhà, nhưng với đề án tới 2010 và định hướng tới 2020, người lao động thu nhập thấp, người mới trưởng thành đã có thể hy vọng về một mái ấm.
Với những cố gắng không mệt mỏi, Hội Kiến trúc sư đã có những thành công bước đầu đấu tranh cho kiến trúc Việt Nam đương đại nhưng không tách rời văn hóa dân tộc. Những yếu tố lệch lạc đã dần dần vắng bóng. Người Hà Nội đã làm quen với những khối hình hoành tráng, mảng khối chắc và khỏe, màu sắc trang nhã, khai thác đặc trưng hình học, kỹ thuật, vật liệu, thẩm mỹ phương Tây mà điển hình là Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Trung tâm Báo chí quốc tế và Bảo tàng Hà Nội (đang thi công). Tuy chưa đủ để hình thành xu hướng, trường phái nhưng đáng mừng là chủ nghĩa hình thức, cái mốt, kiểu cách gờ, chỉ đã bị loại dần. Nhà siêu mỏng, siêu méo đang bị xử lý. Diện tích nhỏ hơn 25m2 không được cấp phép xây dựng. Đã có phương án mở đường kèm theo mở cả dãy phố hiện đại hai bên. Sở Qui hoạch Kiến trúc Hà Nội và Hội KTS đang thiết kế nâng cấp một số tuyến phố. Đã có những hướng dẫn để những khu nhà ở mới cao tầng giảm nét khô cứng, hợp với đất nước nắng lắm, mưa nhiều. Không gian sinh thái, kết cấu chống động đất đang được bàn luận nhiều trong các phòng thiết kế. Quản lý đô thị đã luật hóa. Nhiều cơ sở dịch vụ, hành chính, sản xuất nhỏ... được đưa dần đến các khu đô thị mới để giảm tải thành phố cũ. Địa giới Thủ đô mới, rộng mở cho qui hoạch không chỉ hôm nay, ngày mai mà còn ở tầm nhìn xa hơn, nhiều đời sau.
Gia nhập WTO, Hà Nội rộng mở đón các nhà khoa học kiến trúc, qui hoạch đô thị vào cộng tác cùng đồng nghiệp Việt Nam. Cái mới, cái đương đại sẽ hòa quyện với bản sắc truyền thống để có một bộ mặt kiến trúc Thủ đô thật hài hòa. Lời khuyên của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi phê chuẩn thiết kế Nhà Quốc hội có thể coi là kim chỉ nam: "Hãy đưa cái mái dốc nghiêng Việt Nam vào". Với người cầm cân nảy mực như thế, bền vững bản sắc Việt Nam sẽ là tất yếu.
- Văn hoá của cải trước câu hỏi: thừa hay thiếu?
- Nhà ở và tư duy bao cấp
- Nguy cơ tái hiện các đô thị với thành luỹ vây quanh
- Những câu chuyện "quái đản" trong bảo tồn di tích hiện nay! - Phần 2
- Những câu chuyện "quái đản" trong bảo tồn di tích hiện nay! - Phần 1
- Xưa, nay trong kiến trúc
- Tìm giải pháp cho nông dân bị thu hồi đất
- Chân dung đô thị và nỗi buồn của tôi
- Kiến trúc sư và xã hội toàn cầu hóa
- Quảng cáo đô thị từ góc nhìn văn hóa