Ashui.com

Wednesday
Nov 27th
Home Tương tác Góc nhìn Nhà ở và tư duy bao cấp

Nhà ở và tư duy bao cấp

Viết email In
Bằng việc đưa ra “chương trình nhà ở xã hội”, Bộ Xây dựng có lẽ là cơ quan sớm nhất tìm được lý do để “xin” 2.500 tỉ trong “gói kích cầu”. Bộ hy vọng là trong vòng bảy năm (2009 – 2015) có thể xây dựng 200.000 căn hộ với nguồn vốn đầu tư vào khoảng 49.000 tỉ đồng.

Theo báo cáo Bộ Xây dựng gửi Thủ tướng hôm 12.12.2008, Nhà nước sẽ chuẩn bị mặt bằng, xây dựng hạ tầng, thiết kế mẫu… rồi giao cho “các thành phần kinh tế” thực hiện các dự án nhà ở; UBND các tỉnh, thành sẽ xem xét để đảm bảo cho những người được giao dự án một khoản “lãi định mức không quá 10%” giá trị công trình. Những người được giao các dự án này còn được: miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; miễn thuế sử dụng đất trong ba năm; được khấu trừ đầu vào khi chịu thuế VAT; được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong bốn năm và giảm 50% trong chín năm kế tiếp. Chính bộ Xây dựng, tác giả của chương trình này, cũng đang “xin phép Thủ tướng được trực tiếp đảm nhận đầu tư xây dựng một số dự án”.

Cần chính sách tín dụng nhà ở

Nếu như Chính phủ đồng ý, nếu như 49.000 tỉ đồng được tung ra, chắc chắn sẽ xây được hàng trăm ngàn căn hộ. Nhưng, ngoài khoản “10% lãi” cho các nhà xây dựng là được đề án này đảm bảo, thật khó hình dung ai sẽ là chủ nhân thực sự của những căn hộ này. Nghĩ tới nhà ở cho những người thu nhập thấp là cần thiết. Tuy nhiên, thay vì bao cấp cho những người được giao dự án, tại sao lại không đề ra chính sách hướng trực tiếp tới người mua nhà.

Một chính sách như thế cũng không nên chỉ nhắm tới “số hộ gặp khó khăn về nhà ở tại các khu vực đô thị”. Nếu như, các đôi lứa nông thôn được tạo điều kiện để có nhà ở quê thì làn sóng bỏ ra thành thị có thể sẽ giảm đi. Chính sách về nhà ở cho nông thôn sẽ cũng không tốn kém như khi thực hiện ở các thành phố lớn. Thay vì miễn thu tiền sử dụng đất và miễn thuế cho các doanh nghiệp thực hiện dự án, Chính phủ nên cho phép các địa phương dùng các khoản thu liên quan đến nhà, đất đầu tư trở lại cho các chương trình nhà.

Những khoản đầu tư này sẽ được thực hiện thông qua một chính sách tín dụng nhà ở, nếu tiền ít thì chỉ dành cho những người có thu nhập thấp, nếu nhiều tiền hơn thì nên bao gồm cả những thanh niên đã lập gia đình đang muốn mua nhà. Nhà nước, thay vì nhúng tay trực tiếp vào các dự án xây dựng, sử dụng 25.600 tỉ đồng mà bộ Xây dựng đề nghị ấy, lập quỹ tín dụng nhà ở, cho các hộ gặp khó khăn vay tiền mua nhà với lãi suất ưu đãi hoặc không lãi suất, với thời hạn cho vay có thể lên tới 30 năm.

Bộ Xây dựng lại càng không nên xin xỏ Thủ tướng trực tiếp xây nhà. Công việc của bộ là, tập trung thời gian, ban hành các chính sách, mang lại lợi ích cho toàn xã hội chứ không chỉ mang lại những công trình cụ thể cho những người của mình. 
Định mức cho vay sẽ tuỳ thuộc vào từng địa phương, Ví dụ, ở nông thôn, một cặp vợ chồng trẻ khi có ý định ra ở riêng, được gia đình đôi bên cho đất, quỹ này sẽ cho vay 40 – 50 triệu để xây một căn nhà vừa đủ. Ở đô thị, nếu một cặp vợ chồng đã tiết kiệm được một đến hai trăm triệu, quỹ sẽ cho vay bốn đến năm trăm triệu đủ để mua một căn hộ nhỏ ở ngoại thành.

Không nhà nước đang phát triển nào có thể lo được nhà ở cho mọi người dân. Dự án của bộ Xây dựng cũng chỉ tham vọng giải quyết được 30% số hộ cần nhà ở đô thị. Do đó, quỹ này chỉ có thể thực hiện trong trường hợp các gia đình cũng tích luỹ được một phần vốn.

Những khoản tín dụng này sẽ được thế chấp bằng chính căn nhà vừa mua. Nếu sau một thời gian, chủ nhà không thể trả nợ thì có thể phát mãi, ngân hàng thu lại phần nợ chưa trả. Giá trị tăng lên của ngôi nhà thuộc về chủ nhà. Tất nhiên, nếu khoản vay 500 triệu để mua một căn hộ dành cho người thu nhập thấp mà không thể trả góp trong 30 năm thì chính sách tiền lương rõ ràng là điều đầu tiên phải sửa.

Đồng vốn “đòn bẩy”

Với 25.600 tỉ đồng, nếu được Nhà nước đầu tư nhằm để trả lãi và bảo hiểm cho các khoản “tín dụng nhà ở” thì khoản vốn mà “xã hội” có thể tham gia, chắc chắn, sẽ nhiều hơn con số 49.000 tỉ đồng mà bộ đang dự toán. Khi có nhiều khách hàng được vay “ 500 triệu” để mua nhà, các nhà kinh doanh địa ốc sẽ lập tức tung ra các dòng sản phẩm tương đương để bán. Như vậy, thay vì chỉ một số công ty được chọn khiến cho tham nhũng chạy chọt rất dễ phát sinh, lập một chương trình tín dụng mang cơ hội đến cho mọi người dân, thì “kích cầu” sẽ được tiến hành một cách toàn diện. Thị trường địa ốc, nhờ thế, cũng phát triển lành mạnh vì sẽ không có đồng thời những sản phẩm được bao cấp như dự án mà bộ đang trình.

Kinh nghiệm từ những chung cư phục vụ chương trình giải toả kênh Nhiêu Lộc, Thị Nghè cho thấy, vì chênh lệch giá, những cư dân Nhiêu Lộc thực sự thường phải bán đi căn hộ xây cho họ. Về mặt xã hội, Nhà nước không “tái định cư” được họ, về mặt kinh tế, những khu đất gần trung tâm như Miếu Nổi, đầu đường Nguyễn Đình Chiểu, thay vì có thể xây những căn hộ cao cấp, thu lợi cao, bồi thường thoả đáng hơn cho người dân, thì lại mọc lên những “căn hộ ổ chuột” như ta vẫn thấy.

Tất nhiên, nếu muốn “tín dụng nhà ở” trở thành một chương trình xã hội thì nó không thể ra đời đơn lẻ. Phải bổ sung các thiết chế về tiền tệ, tài khoản cá nhân, lý lịch tín dụng của các cá nhân… Nhưng, trước hết phải bắt đầu chương trình nhà ở xã hội như là một chính sách thay vì như là một dự án. Bộ Xây dựng lại càng không nên xin xỏ Thủ tướng trực tiếp xây nhà. Công việc của bộ là, tập trung thời gian, ban hành các chính sách, mang lại lợi ích cho toàn xã hội chứ không chỉ mang lại những công trình cụ thể cho những người của mình.
 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...