Đã từ nhiều năm nay, việc chăng dây trên các cây cột điện, cây cổ thụ phát triển một cách tự phát không chỉ ở hai thành phố lớn nhất nước mà ở bất cứ đô thị nào của Việt Nam. Dân sự chăng dây, quân sự cũng chăng dây. Điện lực chăng dây, bưu điện chăng dây, truyền hình cáp cũng chăng dây... Mạnh ai nấy chăng, không quy hoạch, không tiêu chuẩn, không quản lý. Và giờ đây, có lẽ mọi sự chịu đựng đều có giới hạn nên Bộ Thông tin Truyền thông có ý tưởng thực hiện thí điểm “thành phố không dây” ở hai địa phương trên và đã được Thủ tường Chính phủ đồng ý về mặt chủ trương.
“Khoảng cách đáng sợ nhất không phải là khoảng cách từ trái đất đến mặt trời, mà là khoảng cách từ miệng đến cánh tay”, câu phương ngôn ấy là lời cảnh báo khi tổ chức thực hiện chủ trương quá tốt đẹp và cần thiết này. Một căn bệnh được tích cóp từ mấy chục năm nay mà định xử lý trong hơn một năm liệu có khả thi? Thực hiện ở các khu đô thị mới thì không khó nhưng ở những phố phường lúc nào người qua lại như nêm cối thì liệu có “hạ thổ” được những mớ dây lùng nhùng kia một cách ổn thoả trong thời gian ngắn?
Rồi một phức tạp nữa là tính “đa sở hữu” của các mạng dây chồng chất lên nhau, nơi chủ có tiền thì đồng ý “hạ thổ”, nơi không có tiền thì cứ “thượng thiên”, vậy có điều gì bắt buộc?...
Việc cải tạo hạ tầng của các đô thị cũ luôn luôn là vấn đề nan giải. Dự án thoát nước ở TP.HCM hiện nay đang là bài học lớn cho những ý tưởng táo bạo trong lĩnh vực này. Khắp thành phố là những “lô cốt” của các đơn vị thi công dựng nên. Tắc đường, bụi bậm, bẩn thỉu... đang trở thành thảm hoạ cho những người dân sống quanh khu vực. Nhiều hạng mục công trình kéo dài hơn dự kiến 2 - 3 năm trời. Thế mà việc thực hiện “thành phố không dây” giờ đây mới chỉ ở bước chủ trương, thời gian lại chỉ còn 1 năm 8 tháng nữa...
Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa là thấy việc cần thiết mà không làm. Chỉ xin mong rằng việc thực thi chủ trương này phải tính toán kỹ lưỡng và thật bài bản để đến ngày kỷ niệm 1000 năm Thăng Long tới đây, hai thành phố thân yêu của chúng ta không còn là một công trường của những dự án vĩ đại nhưng dang dở.
Tin mới hơn:
- Những mảnh đất cuối cùng…
- Tản mạn về những "cái chết" không nhìn thấy
- 15 năm Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 1994-2008
- Bất lực trong việc bảo vệ bãi đá cổ Sa Pa?
- Người ít tiền sẽ được ở nhà xịn?
Tin cũ hơn:
- Hồn làng
- "Bức tử" đền Và
- Từ "phố hoa", nghĩ về không gian tổ chức sự kiện
- Tương lai nào cho kiến trúc Hồ Gươm?
- Nhà ở xã hội phải theo cơ chế thị trường