Ashui.com

Thursday
Mar 28th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Giải cứu Detroit!

Giải cứu Detroit!

Viết email In

Vào cuối tháng 3/2011, một phóng viên trên tờ Los Angeles Times đã nêu giả thiết: Chúng ta hãy hình dung đến một ngày nào đó, tất cả cư dân hiện đang sống tại San Jose, bang California, cộng với khoảng 150.000 người nữa, bỗng dưng rời bỏ thành phố này trong nháy mắt. Chuyện gì đã xảy ra? Họ đã biến mất vào cõi hư không, để lại sau lưng mình những dãy phố, những tòa nhà văn phòng và những nhà máy xí nghiệp, xưởng sản xuất, trống vắng. Và đây chính là thực tế đang diễn ra tại Detroit.

Thành phố của ngành công nghiệp xe hơi thuộc loại có tiếng lâu nay của nước Mỹ hiện đang vắng người. Song, người ta đã dửng dưng với điều đó, mà nay vấn đề đang cần đến một sự thay đổi tận gốc, từ trong thiết kế và quy hoạch cho một tương lai mới cho Detroit.

 

Cô liêu 

Căn cứ vào số liệu điều tra dân số học của năm 2010 và mới được đăng tải gần đây, Detroit, một thành phố từng tự hào có được 1,8 triệu dân vào năm 1950 và sẽ là đầu tàu kinh tế của cả nước Mỹ rộng lớn vào thế kỷ XX vừa qua, nay chỉ còn lại 714.000 người, không hơn không kém! Có nghĩa là, Detroit đã “đánh mất” đi khoảng 1,1 triệu người. Chỉ tính trong thập niên vừa qua, dân số Detroit đã giảm 25%.

Trên khắp nước Mỹ, không có một khu đô thị lớn nào lại bị “chảy máu dân cư” nghiêm trọng như tại Detroit. Tại đây, hiện tượng di dân đã đạt đến một tỉ lệ không thể tin được. Thành phố này đã mất đi 60% dân số của mình so với thời kỳ hoàng kim. Và hậu quả nhãn tiền là đa dạng và phức tạp, gây ảnh hưởng lớn đến chính bản thân thành phố Detroit và cả Hoa Kỳ nói chung. Bởi, hiện tượng này đã vượt khỏi tầm dự đoán của chính quyền địa phương lẫn liên bang Mỹ. Các tính toán và dự báo cho năm ngoái có thể đã không đúng thực tế, dẫn đến việc thiết lập những số liệu tham chiếu sai khiến chính quyền thành phố đang tỏ rõ thái độ nghi ngờ về các thống kê nói trên. Thị trưởng Detroit, ông David Bing, đã thông báo dự định của mình là “kiếm thêm” 40.000 nhân khẩu nữa để Detroit có được tổng dân số là 750.000 người, đạt ngưỡng tối thiểu để có thể đệ trình các dự án đề nghị hỗ trợ nhiều mặt từ chính phủ liên bang. Quả là một việc làm đáng buồn, và đáng chán!

Thực tế hiện tượng di dân ra khỏi Detroit đã gây ra các hệ lụy lớn tình trên bình diện quốc gia. Cũng theo tờ Los Angeles Times, đầu tiên, “phải chăng chúng ta đã phải đối mặt để giải quyết hậu quả từ một Detroit vinh quang của quá khứ công nghiệp của toàn nước Mỹ và đang đứng trước một điềm báo xui rủi rằng, đâu là tương lai đô thị của thành phố này? Tiếp đến, chúng ta phải hành động ra sao đây? Mà này, hiện tượng này không chỉ liên quan đến Detroit không thôi. Nếu như một đợt di dân như thế đã diễn ra tại San Francisco, San Diego, Denver hay Dallas, thì dân chúng Mỹ sẽ bất bình, sẽ kêu gọi mọi người hãy hành động, hãy có những can thiệp chứ? Thế mà, chúng ta nhìn và xử lý vấn đề Detroit như thể đây chỉ là một “chuyện qua đường”. Chúng ta có hoảng hốt đấy, nhưng dửng dưng, rồi sau đó quên bẵng nó đi”.

Nguyên nhân sâu xa dẫn đến hiện tượng hoang hóa thành phố Detroit hiện nay xuất phát từ những chiến lược phát triển sai lầm của ba “ông lớn” của ngành sản xuất xe hơi tại Mỹ, đó là General Motors, Ford và Chrysler. Trong thập niên 1950, bộ ba nói trên, còn được gọi là The Big Three, đã quyết tâm tiến hành chiến lược kinh doanh lan tỏa, phân bố hoạt động sản xuất lắp ráp của mình ra khắp đất nước Mỹ rộng lớn để tiếp cận các thị trường địa phương. Chính sách này cũng đã giúp các hãng xe hơi trên giảm được giá nhân công khi họ đầu tư vào các khu vực có nghiệp đoàn công nhân hoạt động yếu hơn là tại thủ phủ công nghiệp của bang Michigan là Detroit. Khởi đầu của các hãng xe như thế đã được tăng tốc mạnh mẽ sau khi chính quyền liên bang Mỹ ra các chính sách mới, đặc biệt là trong thập niên 1970 và 1980, thúc ép các chính quyền địa phương và các bang phải tạo ra tính cạnh tranh hơn để tạo thêm công ăn việc làm qua việc áp dụng mức thuế khóa nhẹ và nhiều chính sách ưu đãi khác nhằm giữ chân và thu hút thêm nguồn đầu tư. Các doanh nghiệp từ đó đã ăn nên làm ra, các hãng xe hơi cũng vậy, trên khắp đất nước, họ đầu tư dàn trải nhưng lại gây thiệt hại cho công cuộc phát triển của bản thân thành phố Detroit.

Thêm nữa, nạn phân biệt đối xử cũng đã đóng một vai trò quan trọng. Hiện tượng người da trắng bỏ xứ ra đi khỏi Detroit đã bùng nổ vào những thập niên 1950 và 1960 sau khi tòa án tại đây vô hiệu hóa các biện pháp của chính quyền địa phương lẫn liên bang, kéo theo hiện tượng chia tách riêng lẻ các khu căn hộ. Thế rồi, đến lượt các tầng lớp trung lưu người da trắng lẫn da đen đã bỏ đi trước tình hình tội phạm ngày càng gia tăng. Bọn tội phạm khi đó đã bắt đầu hoạt động mạnh tại nhiều khu dân cứ nghèo, nơi mà tỉ lệ người thất nghiệp cao, đó chính là những gì diễn ra tại phần còn lại của thành phố Detroit, bên cạnh những khu vực tăng trưởng mạnh nhờ công nghiệp xe hơi.

Một điểm đáng chú ý nữa, là tại các khu ngoại ô, số lượng người da đen tăng cao, các gia đình trẻ lo ngại cho an ninh của chính mình, họ đi tìm một nơi có cuộc sống ổn định hơn và có trường học tốt hơn cho con cái học hành. Và một khi càng có nhiều người rời bỏ thành phố, thì những vấn đề về kinh tế - xã hội đã trở nên ngày càng phức tạp, đến nỗi về sau này, chính quyền địa phương đã không còn khả năng giải quyết được nữa.

Detroit đã trưng ra cho mọi người thấy một hình ảnh hoàn toàn trái ngược với những gì mà một thành phố hiện đại của Hoa Kỳ đáng lẽ ra phải có. Nếu như đa số các khu vực trung tâm đô thị tại Detroit phải luôn “chịu khổ” vì sự quấy nhiễu của các khu phố “xấu”, thì song song đó, chính bản thân Detroit cũng không có được cho mình nhiều khu phố “tốt”. Mà đáng buồn thay, các khu phố “tốt” hiện hữu kia cũng dần dần bị thoái hóa, biến chất trước việc tầng lớp trung lưu ồ ạt bỏ đi nơi khác sống. Người dân trong độ tuổi lao động phải đang đối mặt từng ngày trước nguy cơ thất nghiệp triền miên và một nền kinh tế công nghiệp đang hấp hối. Thành phố này đã trải qua nhiều thập niên xung đột sắc tộc và phải hứng chịu hậu quả từ sự thất bại của chính quyền sở tại khi họ không giải quyết được các vấn đề nổi cộm trong nhiều lĩnh vực chủ chốt, từ giáo dục cho đến đấu tranh bài trừ tội phạm.

1/3 dân cư tại đây sống dưới mức nghèo khổ vào năm 2007, tức trước khi có cuộc khủng hoảng kinh tế và trước khi có việc triển khai các kế hoạch “giải cứu” để kéo các nhà sản xuất xe hơi ra khỏi vũng lầy khi họ đang trên đường làm ăn khánh kiệt. Chính tình hình này đã biến Detroit trở thành “thành phố nghèo nhất trong số các khu vực thành phố lớn của Hoa Kỳ”. Thu nhập bình quân đầu người tại đây đã là 15.310 USD trong năm 2009, so với 27.041 USD trên bình diện toàn quốc, trong đó thu nhập đầu người tại Los Angeles là 27.070 USD. Khi đó, dân chúng đã truyền khẩu nhau câu nói đại ý cho rằng, để có thể cho một đứa trẻ đi học, người ta phải huy động tài lực của cả một ngôi làng! Nhưng, hiện nay, dư luận khuyến cáo rằng, cả nước cần phải được huy động để cứu lấy một thành phố. “Phải cứu Detroit!”. Thế nhưng, bài báo trên tờ Los Angeles Times cắc cớ: “Chúng ta sẽ phải làm gì đây cho thành phố Detroit?”.

 

Canh nông 

Đặc phái viên của báo L’Express đã mô tả: Những nhà máy bị bỏ hoang, những khu phố vắng người. Kinh đô của ngành công nghiệp xe hơi Mỹ đã biến thành một ghetto (khu biệt cư) nghèo khổ. Hiện nay, thành phố này đang quay sang trồng trọt canh tác. Để đưa vào khai thác những khoảng đất hoang vắng rộng lớn của mình. Và cũng để nuôi dưỡng một mầm hi vọng mới cho tương lai.

Kỹ sư nông học Michael Score, người mà trong thời niên thiếu đã từng sang làm việc tại châu Phi, vội vã quay lại chiếc xe hơi của mình để mang ra một chiếc gậy hộ thân làm bằng gỗ mun. Ông giải thích: “Kỷ niệm đấy, nhưng mà rất có ích nếu như chúng ta chẳng may gặp phải bầy chó hoang”. Với hàm râu quai nón và chiếc quần quai đeo lỗi thời, Michael Score trông giống như một lão nông quý phái đang ung dung giữa không gian nội thị của thiên niên kỷ thứ ba này. Ông đã từng là cố vấn ngành nông nghiệp thực phẩm, nay quay về thành phố quê hương, Detroit, để tham gia điều hành một cơ sở sản xuất nông nghiệp do một thương gia địa phương, ông John Hantz, làm chủ. Đó là khu nông trang mang tên Hantz Farms (ảnh bên), một mô hình sẽ đưa ra triển khai kế hoạch trồng tỉa trên lô đất đầu tiên rộng 10 ha ngay giữa lòng thành phố Detroit đang lụn bại. Ngay khi được chính quyền thành phố cấp phép hoạt động, Hantz Farms sẽ trồng táo, xây dựng các vườn ươm cây thông Noël, các khu nhà kính trồng hoa trên những khu đất đang bị bỏ hoang, và cả dự án trồng rau xanh trên giá thể (trồng trên dung dịch dưỡng chất, không sử dụng đất) ngay bên trong khu vực các xưởng lắp ráp của hãng Packard, và Hantz Farms hi vọng đây sẽ sớm trở thành mô hình kiểu mẫu cho toàn thế giới về dạng nông nghiệp kỹ thuật cao.

Theo lời Michael Score, ở đây hoàn toàn không hề thiếu diện tích đất trống để canh tác. Bởi vì thành phố này đã từng có được tròm trèm hai triệu dân vào thời kỳ hoàng kim trong thập niên 1950. Sau khi nhiều người da trắng bỏ ra miền ngoại ô sinh sống, và sau khi quá trình công nghiệp hóa Detroit bị thất bại, và nhất là vào năm 2007, khi tai họa tín dụng bất động sản giáng xuống thành phố, hiện nay Detroit chỉ còn chưa đến 800.000 dân sinh sống. Người da đen chiếm 80%, và 40% trong số đó lại đang thất nghiệp. Gần 800.000 người chia nhau một vùng đất rộng hơn thủ đô Paris của nước Pháp đến 3,5 lần! Thật thế, Detroit đã biến thành một khu biệt cư rộng 360 km2, một diện tích ở quá… khổng lồ, nhưng 1/3 diện tích đó lại… trống không! Tại đây, hiện đang có 150.000 khu đất bị bỏ hoang cùng với nhà cửa và các hạ tầng cơ sở khác. 150.000 khu đất “ma” này có tổng diện tích bằng cả một thành phố như San Francisco!

Vậy thế nhưng, từ đâu mà ông chủ John Hantz nảy ra ý định xanh hóa "thành phố ma" Detroit này? Ông là con cháu của thế hệ những công nhân làm việc trong ngành xe hơi, và là một trong những triệu phú hiếm hoi còn bám trụ ngay tại nội thị của thành phố Detroit. Để làm gì? Để khai thác cái mà ông gọi là “no man’s land”, nhằm giúp ổn định lại giá trị bất động sản trên những khu vực vẫn còn “hơi thở của sự sống” ngay tại trung tâm thành phố, nơi mà những sòng bài mới mọc lên cũng không giúp chặn đứng quá trình thoái hóa của Detroit.

Theo John Hantz, chính nông nghiệp sẽ tô điểm cho thành phố, sẽ bảo đảm công ăn việc làm cho những lao động không có tay nghề chuyên môn và giúp đem tiền về cho ngân sách, mà trên thực tế, phải chi ra 300 triệu USD, tương tương với mức lạm chi ngân sách hàng năm của Detroit, để bảo đảm hoạt động của các dịch vụ tối thiểu cho người dân đang sinh sống trong cái thành phố ma ám này.

Ý tưởng của John Hantz không mới. Còn nhớ vào năm 2008, một hội các kiến trúc sư đã từng phác thảo ra một dự án qua đó triển khai việc tập trung dân cư vào những khu phố “siêu hiện đại”, rồi sau đó san bằng phần diện tích còn lại của Detroit, tức 60% không gian đô thị tại đây, để xây dựng các khu nông trại và vườn cây. Nhưng nay, nghe Albert Fields, một nhà quy hoạch đô thị của chính quyền thành phố, mỉa mai: “Vì nhiều lý do chính trị khác nhau, dự án kia xem như đã chết yểu rồi! Song, việc dân cư chuyển chỗ ở đến nơi thích hợp hơn sẽ diễn ra một cách tự nhiên thôi, nhưng có thể phải mất cả một thế hệ mới xong. Hiện nay, chúng tôi chỉ đang tìm cách chặn đứng thời lão suy này của thành phố Detroit, bằng tất cả các phương tiện và cách thức có thể”.

Vậy, nếu xem xét một cách thực tế nhất, Detroit có thể nào tin tưởng được vào một “tương lai xanh” của mình? Hay quá trình “quay về với thiên nhiên” này chỉ là một liều thuốc đặc trị nhất thời giúp xoa dịu phần nào nỗi thất vọng hiện tại? Chúng ta có thể nghĩ gì về tính khả thi của một nền nông nghiệp đô thị trên mảnh đất Detroit? Có nên tin tưởng vào việc tạo ra công ăn việc làm mới cho người dân và vào các khoản lợi nhuận lớn được dự đoán từ hình thức trồng trọt ngay giữa trung tâm thành phố này? Biết bao câu hỏi đang được công luận đặt ra…

Ngoại trừ dịp cuối tuần nhộn nhịp tại khu siêu thị mái vòm Eastern Market, một mô hình chợ thuộc loại sinh sau đẻ muộn nhất tại Mỹ này, các nhà sản xuất địa phương hầu như không tìm được đầu ra nào khác cho hàng hóa của mình. Detroit có 38 cửa hiệu tạp hóa cho khoảng 800.000 dân, và việc mua bán kinh doanh chủ yếu diễn ra ngay tại các trạm bơm xăng và tại các cửa hàng bán rượu. Bà nội trợ Lisa Johanon, đã than vãn: “Chúng tôi không tìm được tại đây nguồn rau tươi ngoài các hàng hóa như rượu mạnh, một ít sữa, hàng dãy đồ hộp chất đống và hàng núi khoai tây chiên”. Nỗi bức xúc này đã khiến bà Lisa quyết định đứng ra mở một cửa hiệu nhỏ bán hoa quả với giá mềm tại một góc phố, bắt đầu kinh doanh từ năm 2008.

Cửa hàng Peaches and Greens là nơi duy nhất cung cấp nguồn thức ăn sạch cho một khu phố nhỏ này, nằm chen chân giữa 26 điểm bán rượu mạnh, nhưng nơi đây cũng đã tự sắm riêng được cho mình một chiếc xe tải bán hàng lưu động khá nổi tiếng. Năm 2009, chính đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama đã ghé thăm chiếc xe bán hàng lưu động này trong chuyến đi khắp nước Mỹ tuyên truyền cho chiến dịch chống ăn quà vặt và hiện tượng béo phì ở trẻ em.

Shirley, một tay anh chị đã từng nghiện ngập xì ke ma túy, nay đang phụ trách trông coi các vườn rau của nhà thờ Peacemakers, đã nhìn nhận rằng “chất lượng thức ăn vẫn còn là điều thứ yếu đối với dân nghèo. Nhiều người đã không do dự đổi các tem phiếu thức ăn của mình để hút chích, đa số người nghèo đã không ngần ngại nướng sạch số tiền trợ cấp hàng tháng của mình chỉ trong vài ngày, rồi sau đó họ xếp hàng đợi đến lượt mình trong các khu phát suất ăn miễn phí trong thành phố. Mà ở đó, chủ yếu là rau củ mà thôi…”.

Các vườn rau của Peacemakers được Hantz Farms tài trợ, và cả Peaches and Greens nữa, đã tổ chức các khóa dạy nấu ăn căn bản trong nhiều khu phố nhỏ tại Detroit, nơi mà trẻ con chưa hề biết củ khoai tây có hình dạng như thế nào, ngoài hình dáng của những miếng khoai tây chiên mà chúng mua từ McDonald’s!

Nay thì, nhà nông học Michael Score vẫn lạc quan, ông nói chắc nịch: “Đây chỉ mới là bước khởi đầu thôi. Một khi đã yêu mến Detroit rồi, thì chúng tôi phải biết tự xoay sở để cứu lấy thành phố này”. Ông hi vọng vào ngả rẽ quan trọng cho thành phố quê hương, tin tưởng vào một tương lai tươi sáng hơn và xanh hơn cho Detroit.

Cao Điều 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo