Ashui.com

Sunday
Apr 28th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Giao thông ở Tokyo: Bài học cho đô thị Việt Nam

Giao thông ở Tokyo: Bài học cho đô thị Việt Nam

Viết email In

Tokyo, thủ đô của Nhật Bản, là một trong những thành phố có số lượng ô tô tham gia giao thông nhiều nhất thế giới nhưng tai nạn giao thông (TNGT) thuộc diện thấp nhất”. Đó là ý kiến của một đồng nghiệp Hãng thông tấn Kyodo ( Kyodo News) khi hướng dẫn chúng tôi đi quan sát thành phố này. Không giống như mùa xuân có hoa Anh Đào  nở, là mùa đẹp nhất trong năm ở Nhật Bản, nhưng mùa hè ở Tokyo ngày dài, 5 giờ sáng mặt trời đã mọc và mãi đến 8 giờ tối mặt trời mới lặn, ta có nhiều thời gian du ngoạn khắp chốn và nhất là có đủ ánh sáng để chụp ảnh.

Mùa hè ở Tokyo, trời quang mây, nắng chói chang, thỉnh thoảng có luồng gió mát từ biển thổi vào để giải nhiệt. Nước Nhật đang gặp nhiều khó khăn do thảm họa kép về động đất sóng thần gây ra tháng 3 vừa qua nhưng  du khách trong và ngoài nước vẫn đến Tokyo rất đông. Mặc dù vậy, thành phố đông dân này ít có cảnh tắc đường, kẹt xe. Tháp Tokyo cao 333 mét sơn màu đỏ cam ở gần khu phố Roppongi  cùng cầu vồng (Rainbow Bridge) dây văng hoành tráng như một dải lụa bạc khổng lồ trải dài bắc qua eo vịnh Tokyo là điểm nhấn kiến trúc làm tăng thêm nét duyên dáng cho thành phố ven biển này.

Tokyo, một trong những thành phố đông dân nhất thế giới với trên 12,5 triệu dân, diện tích 2187km2, mật độ gần 6.000 người/km2, riêng tại 23 quận trung tâm có dân số 8,45 triệu người trên dịch tích 621km2, mật độ 13.600 người/km2 (điều tra 1.10.2005) dày đặc các toà nhà chọc trời, đã và đang hứng chịu sức nặng về mật độ giao thông. Bình quân một người dân Tokyo hiện có 1,5 ô tô, tổng số ô tô các loại đang tham gia giao thông ở thành phố này khoảng gần 19 triệu chiếc. Đó là chưa kể xe ô tô vãng lai của khoảng 23 triệu dân thuôc vùng Thủ đô Tokyo ( những tỉnh, thành phố vệ tinh lân cận) và những tỉnh, thành phố khác của Nhật Bản thường xuyên đi về Tokyo. Do vậy, mật độ ô tô tham gia giao thông trên các đường phố Tokyo dày đặc. Có thể hình dung các TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, giờ cao điểm có nhiều xe máy lưu hành trên các đường phố thì ở Tokyo còn nhiều ô tô hơn thế.

Điều đầu tiên dễ nhận thấy khi đặt chân tới Tokyo là thành phố xanh- sạch- đẹp, có kết cấu hạ tầng tuyệt vời, là khẩu hiệu mà thành phố Hà Nội và các đô thị khác của Việt Nam đang phấn đấu để đạt tới tiêu chí đó. Mặt các đường giao thông ở Tokyo phẳng nhưng có độ ma sát không trơn trượt như các đường phố đô thị ở Việt Nam mỗi khi có trời mưa hoặc phun nước rửa đường. Rất ít khi gặp cảnh sát giao thông, công nhân vệ sinh môi trường quét dọn nhưng các đường phố vẫn sạch, đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT), không bụi bẩn. Những hàng cây với tán lá hình chóp dọc hai bên các đường phố xen kẻ với những thảm cây xanh uốn lượn trên các sườn đồi, điểm xuyết những ngôi nhà chọc trời tạo thành cảnh quan thành phố vừa hiện đại vừa đảm bảo môi trường trong lành, phát triển theo hướng bền vững. Nhật Bản là cường quốc sản xuất xe máy nhưng ở Tokyo rất ít xe máy, xe đạp tham gia giao thông. Hệ thống tàu điện ngầm (subways) của Tokyo và các đường sắt, bao gồm cả mạng lưới đường sắt đi trên cao (nội - ngoại ô - liên vùng) đi lại trong thành phố trở thành bận rộn nhất trên thế giới bởi vì ngày càng nhiều người di chuyển đến khu vực này. Tokyo, với vai trò là trung tâm của vùng đại đô thị, là trung tâm giao thông nội địa và quốc tế lớn nhất Nhật Bản với hệ thống giao thông đường sắt, đường bộ, đường thuỷ và đường không phát triển hiện đại. Giao thông công cộng ở Tokyo bao gồm chủ yếu là hệ thống xe buýt, tàu hỏa và tàu điện ngầm bao quát được quản lý bởi nhiều nhà điều hành, đóng vai trò quan trọng trong việc lưu chuyển tại thành phố. Tại Ota, một trong 23 khu đặc biệt của Tokyo, sân bay quốc tế Tokyo (Haneda) phục vụ những chuyến bay nội địa. Ngoài Tokyo, sân bay quốc tế Narita nằm ở tỉnh Chiba ( cách Tokyo 66 Km), là nơi đón khách quốc tế. Đường sắt là loại hình giao thông chủ yếu ở Tokyo. Tokyo có hệ thống đường sắt đô thị lớn nhất thế giới. Công ty đường sắt Đông Nhật Bản điều hành hệ thống đường sắt lớn nhất của Tokyo, bao gồm đường ray Yamanote chạy quanh khu trung tâm thương mại của Tokyo. Hai tổ chức khác điều hành hệ thống tàu điện ngầm gồm: Công ty tư nhân Tokyo Metro và Cục giao thông đô thị Tokyo thuộc Chính phủ. Những hãng vận tải tư nhân và nhà nước điều hành các tuyến xe buýt, bao gồm các dịch vụ địa phương, vùng và trong nước. Hệ thống đường cao tốc nối thủ đô tới các điểm khác trong vùng đại Tokyo, vùng Kanto và các đảo Kyushu và Shikoku. Những phương tiện giao thông khác bao gồm taxi hoạt động tại các khu đặc biệt, thành phố và nông thôn. Những bến phà đường dài cũng phục vụ tại các đảo của Tokyo và chuyên chở hành khách và hàng hóa tới các cảng trong nước và quốc tế.

Việc thu phí giao thông đối với ô tô hoàn toàn bằng thẻ tự động không phải bán vé kiểm soát thủ công gây ùn tắc giao thông như ở Việt Nam…Khái niệm đi bên phải đường ở Nhật Bản ngược hẳn với Việt Nam (đi bên phải đường tức là phía tay trái và ngược lại). Những đường phố lớn gồm 8 và 6 làn xe ô tô đều có dải phân cách ở giữa. Những đường hai chiều chỉ từ 2 đến 4 làn xe ô tô đều có vạch phân cách bằng sơn trắng; đường một chiều đều có vạch sơn và biển hướng dẫn rõ ràng. Xe ô tô chạy nườm nượp trên các đường phố Tokyo nhưng rất ít có người vi phạm các lỗi chạy quá tốc độ quy định, dừng đỗ xe, vượt ẩu, va quệt…. Tokyo cũng có tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ mỗi khi có tai nạn hoặc những giờ cao điểm, ô tô quá nhiều phải xếp hàng nối đuôi nhau chờ tín hiệu đèn xanh đi qua giao lộ hoặc rẽ sang bên trái đường. Khách bộ hành muốn qua đường hoặc qua các giao lộ mà không có cầu vượt chỉ khi có tín hiệu đèn xanh mới đi qua an toàn. Hệ thống cầu vượt dành cho ô tô, tàu hoả, người đi bộ đều hợp lý. Bạn sẽ ngạc nhiên khi lần đầu tới trung tâm Tokyo- một đại đô thị đông dân như vậy - nhưng số người đi bộ trên các hè phố chính rất ít không đông đặc như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Các bạn đồng nghiệp ở Kyodo News đã giải thích, trừ những phố thương mại có đông người lui tới, còn phần lớn người dân đều quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng bằng tàu điện ngầm có tất cả 119 tuyến đường phục vụ việc di chuyển hành khách trong vùng đô thị Tokyo. Tàu điện ngầm cứ 5 phút và tàu hoả 6 phút có một chuyến dừng tại các ga chỉ 3 phút để khách lên xuống rất thuận tiện cho mọi người đi lại. Vận tốc tàu điện ngầm, tàu hoả cao tốc hiện là 300 km/giờ. Phần lớn người dân Tokyo chọn phương tiện đi lại bằng tàu điện ngầm, tàu hoả đã làm giảm đáng kể lượng người đi lại trên các đường phố, cũng góp phần giảm TNGT. Hầu hết khách du lịch đến Tokyo đều có chung nhận xét: Kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh cùng với ý thức chấp hành nghiêm pháp luật về giao thông là những yếu tố khiến Tokyo nói riêng và Nhật Bản nói chung, TNGT đường bộ giảm thiểu đến mức tối đa, không nghiêm trọng như các đô thị ở Việt Nam.

Theo số liệu thống kê, năm 2008, Nhật Bản chỉ có 5.155 người chết do TNGT, giảm 581 người so với năm trước, là năm thứ 8, tỷ lệ người chết do TNGT ở Nhật Bản chỉ bằng 30% con số TNGT kỷ lục của Nhật Bản năm 1970 ( 16.765 người chết). Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản dự tính số người chết do TNGT giảm xuống còn 5.500 người vào năm 2010. Như vậy, năm 2008, số người chết do TNGT ở Nhật Bản đã giảm 345 người so với dự tính nêu trên, trong đó ở Tokyo, số lượng TNGT giảm 51 người chết so với năm 2007. Còn ở Việt Nam, theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, tình hình trật tự an toàn giao thông năm 2010 trên toàn quốc xẩy ra 14.442 vụ, làm chết 11.449 người, bị thương 10.633 người, tăng 1.778 vụ, giảm 47 người chết, tăng 2.544 người bị thương (cao hơn gấp nhiều lần so với Nhật Bản), trong đó: phương tiện gây ra TNGT chủ yếu là mô tô, chiếm 63,69%; ô tô chiếm 28,57%; các phương tiện khác chiếm 7,75%. Tuy nhiên, so sánh về tỉ lệ tổng số ô tô và mô tô ở Việt Nam thì số ô tô gây tai nạn cao gấp 10 lần số mô tô, hơn nữa thiệt hại về TNGT do ô tô gây ra thường nghiêm trọng hơn rất nhiều đối với các trường hợp là mô tô gây tai nạn. Nguyên nhân gây ra TNGT là các lỗi: đi không đúng phần đường chiếm 26,53%, chạy quá tốc độ chiếm 16,43%, không chú ý quan sát 14,42%, tránh vượt sai quy định chiếm 11,69%, uống bia rượu điều khiển phương tiện chiếm 2,59%...

Bên cạnh đó, việc thi để có bằng lái xe ô tô ở Nhật Bản rất nghiêm túc, không dễ dãi như ở Việt Nam. Phần thi lý thuyết trên máy vi tính nếu trả lời đúng ít nhất từ 7/10 câu hỏi thì mới được thi thực hành. Thi thực hành lái xe ô tô ở Nhật Bản rất nghiệm ngặt. Phóng viên TTXVN thường trú tại Nhật Bản đã có bằng lái xe ở Việt Nam nhưng sang TOKYO phải thi đến lần thứ 6 mới đỗ, mới được cấp bằng lái xe. Có một Việt Kiều ở tỉnh Nagoya ( Nhật Bản) đã thi 21 lần vẫn chưa đỗ. Không phải chỉ người Việt Nam mà bất cứ người nước nào dù đã có bằng lái xe của nước đó nhưng sang Nhật Bản công tác đều phải thi lại, được cấp bằng thì mới được phép lái xe. Nếu không có bằng lái xe do cơ quan chức năng của Nhật Bản cấp mà lái xe lưu thông trên đường bị phát hiện sẽ bị phạt tù. Do thi cấp bằng nghiêm túc, những người lái xe khi tham gia giao thông đều ý thức được phải chấp hành tốt pháp luật về giao thông. Đây cũng là yếu tố lý giải bổ sung vì sao ở Tokyo và Nhật Bản mật độ ô tô tham gia giao thông đậm đặc nhưng tai nạn không tăng mà tiếp tục giảm nhiều.

Vũ Xuân Bân

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo