Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tin tức Sự kiện Hợp long hầm Thủ Thiêm

Hợp long hầm Thủ Thiêm

Viết email In

Sáng nay (21/9), tại cửa hầm Thủ Thiêm phía Q.1, TP.HCM diễn ra lễ hợp long hầm vượt sông Sài Gòn thuộc dự án xây dựng đại lộ Đông Tây TP.HCM.

Đây là hạng mục quan trọng nhất của dự án xây dựng đại lộ Đông Tây TP.HCM dài 22km, trong đó hầm vượt sông Sài Gòn có tổng chiều dài 1.490m. Hầm rộng 33,3m, có 2 lối thoát hiểm và 2 hướng lưu thông, tổng cộng 6 làn xe, vận tốc thiết kế 60km/g.


Lãnh đạo TP và đại biểu thăm hầm Thủ Thiêm phía Q.1 - Ảnh: Trần Tiến Dũng

Đến dự lễ hợp long có ông Lê Thanh Hải - ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy TP.HCM và ông Lê Hoàng Quân - Chủ tịch UBND TPHCM.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Ngọc Soạn - cựu chiến binh rừng Sác năm xưa - bày tỏ niềm vui mừng trước hình ảnh công trình hầm Thủ Thiêm được xây dựng to lớn ngày hôm nay và hi vọng thế hệ trẻ tiếp bước xây dựng những công trình lớn hơn cho đất nước.

Ông Hoàng Văn An - thay mặt người dân di dời giải tỏa - bày tỏ niềm vui mừng trước thành quả của TP và tin tưởng thế hệ hôm nay sẽ xây dựng đất nước to đẹp hơn 10 lần năm xưa như lời Bác Hồ dặn.

Ông Lương Minh Phúc - trưởng Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP.HCM - cho biết, quá trình thi công hầm vượt sông Sài Gòn bắt đầu từ tháng 2-2005 với việc khởi công xây dựng 2 hầm dẫn, mẻ bê tông đầu tiên đúc 4 đốt hầm được đổ vào tháng 9-2007 tại bể đúc ở Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.


Thủ tục hợp long - Ảnh: Trần Tiến Dũng

Ngày 06/01/2010, công tác bơm nước vào khu vực bể đúc để kiểm tra cân chỉnh các đốt hầm.

Từ tháng 3/2010 đến tháng 6/2010, bốn đốt hầm dìm đã lần lượt được lai dắt từ bể đúc ở Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai vượt qua 22km đường sông về đến khu vực Thủ Thiêm, lắp đặt nối kết thành công an toàn tuyệt đối với hầm dẫn phía Thủ Thiêm Q.2.

Ngày 04/8/2010 đã đổ mẻ bê tông đầu tiên thi công đốt hợp long, nối kết đốt hầm số 4 với hầm dẫn phía Khánh Hội Q.1 và mẻ bể tông cuối cùng của đốt hợp long đã được thực hiện vào ngày 94/9/2010.

Việc lai dắt 4 đốt hầm thành công được thực hiện trong điều kiện khí tượng thủy văn vô cùng phức tạo, lòng sông có nơi chỉ sâu 10m với nhiều khúc quanh co nguy hiểm, mỗi sơ suất nhỏ trong quá trình lai dắt có thể dẫn đến những hiểm họa khôn lường. Bên cạnh đó, việc dìm và lắp đặt 4 đốt hầm, mỗi đốt có chiều dài 93m, cao 9m, nặng 27.000 tấn ở độ sau 23-27m dưới đáy sông Sài Gòn trong điều kiện dòng sông chảy xiết, không gian thao tác thi công vô cùng chật hẹp, nhất là đối với đốt hầm số 4, sai số cho phép nối kết, lắp đặt một số bộ phận của đốt hầm không được vượt quá 10mm. Thời gian xử lý nhều công đoạn phải tính bằng giây, quá trình dìm lắp đặt mỗi đốt hầm diễn ra liên tục từ 15g-20g với vô các tình huống kỹ thuật phức tạp. 

Theo ông Lương Minh Phúc - sự thành công an toàn tuyệt đối của việc lai dắt, thi công lắp đặt các đốt hầm dìm là nhờ sự lãnh đạo của TP và sự tham gia phối hợp đầy trách nhiệm của 25 cơ quan đơn vị liên quan với hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ. Bên cạnh đó, quá trình lai dắt thi công các đốt hầm còn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của chính phủ, sự động viên hỗ trợ kịp thời của các bộ ngành trung ương, của cơ quan hợp tác quốc tế JICA - Nhật Bản và sự ủng hộ chia sẻ của đồng bào TP và cả nước.


Lãnh đạo TP tặng Huy hiệu cho các cá nhân - Ảnh: Trần Tiến Dũng

Sự thành công của quá trình lắp đặt lai dắt 4 đốt hầm còn thể hiện kinh nghiệm, công nghệ và quyết tâm cao của các kỹ sư chuyên gia Nhật Bản và quốc tế. Cũng thông qua công trình xây dựng này, một đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên gia kỹ thuật Việt Nam với kiến thức, kinh nghiệm về công nghệ, biện pháp thi công hiện đại đã hình thành và ngày càng phát triển.

Từ nay, đường hầm vượt sông Sài Gòn đã hoàn toàn kết nối đôi bờ. Giấc mơ về một con đường ngắn nhất tiến về TP của thế hệ anh hùng vượt sông giành độc lâp năm xưa và giấc mơ về 1 khu đô thị mới khang trang, hiện đại phía Đông Sài Gòn của thế hệ xây dựng đất nước đang đến rất gần.

Ông Aiboshi Koichi - đại biện lâm thời - đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam bày tỏ niềm vui mừng vì hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn thuộc dự án đại lộ Đông Tây TP.HCM trong khuôn khổ viện trợ ODA của Nhật Bản đã được hợp long.

Nhờ đó, đại lộ Đông Tây TP.HCM chạy xuyên qua trung tâm TP, đô thị lớn nhất của Việt Nam sẽ kết nối với tuyến đường quốc lộ số 1. Nhờ công trình hầm Thủ Thiêm, giao thông giữa Q.2 với trung tâm TP vốn bị ngăn cách bởi sông Sài Gòn sẽ trở nên thuận lợi, qua đó giảm ùn tắc và tai nạn giao thông cho các khu vực xung quanh, góp phần to lớn cho sự phát triển kinh tế của TP.HCM sau này.

Đại lộ Đông Tây là dự án tượng trưng cho quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Nhật Bản và là dự án đang được quan tâm, xét về qui mô và hiệu quả kinh tế của dự án.

Ông Nguyễn Thành Tài - phó chủ tịch UBND TP.HCM - phát biểu - sự kiện hợp long hầm vượt sông Sài Gòn đánh dấu việc hoàn thành một công đoạn quan trọng trong công tác thi công hầm, khẳng định trí tuệ, bản lĩnh của dân tộc ta cùng bạn bè 5 châu, tạo nên 1 kỳ tích trong thời bình, đánh dấu bước phát triển vưọt bậc của 1 quốc gia nông nghiệp đang từng bước hòa nhập vào nền kinh tế thế giới. Riêng tại khu vuc Đông Nam Á, cho đến thời điểm này, hầm vượt sông Sài Gòn có quy mô lớn nhất trong khu vực, có ý nghĩa chiến lược với sự phát triển TP trong tương lai.

Để có thể đưa vào vận hành khai thác công trình, sắp tới những công việc còn phải tiếp tục thi công không hề kém phần quan trọng là việc triển khai gói thầu số 3, lắp đặt thiết bị cơ điện, hệ thống cấp nước, chiếu sáng, chống cháy, thông gió… bên trong đường hầm phải đảm bảo chất lượng kỹ thuật, an toàn, đúng tiến độ, nhanh chóng đưa công trình vào sử dụng có hiệu quả.

Lãnh đạo TP đã trao tặng hoa và Huy hiệu TP.HCM cho 35 cá nhân thuộc các cơ quan, đơn vị của Việt Nam và Nhật Bản đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong quá trình xây dựng hầm Thủ Thiêm.


Hầm đã được thông - nối đường dẫn phía Q.1 và đốt hầm số 4 - Ảnh: Trần Tiến Dũng

Vào lúc 8g45, từ cửa hầm Thủ Thiêm phía Q.1, gần 300 đại biểu bước vào đường hầm dài 385m để đến đoạn hợp long bắt tay với đoàn đại biểu đại diện nhân dân Q.2, Q.9 và Q.Thủ Đức. Các đại biểu đi theo ánh đèn lắp đặt trên tường hầm, đường vào hầm cao 9m, rất thông thoáng, giữa hầm được xây dựng một vách tường cao, chia làm hai chiều xe lưu thông, mỗi bên ba làn xe.

Đường xuống hầm càng lúc càng sâu, đoạn sâu nhất dưới đáy hầm là 27m.

Tiếp đó, đoàn các cựu chiến binh đặc công rừng Sác năm xưa đã trao tặng hoa cho những người thực hiện dự án và các đại biểu TP, thể hiện mong muốn thế hệ “vượt sông Sài Gòn” hôm nay sẽ tiếp bước xây dựng những công trình lớn cho quê hương đất nước. 

Tiếp đó, đoàn đại biểu TP đã trao tặng hoa cho đoàn đại biểu cựu chiến binh đặc công rừng Sác để bày tỏ lòng tri ân đối với thế hệ năm xưa.

Ông Lê Hoàng Quân - Chủ tịch UBND TPHCM - bày tỏ lòng biết ơn đến chính phủ Nhật Bản, cơ quan hợp tác quốc tế JICA - Nhật Bản và các cơ quan đơn vị đã tài trợ vốn, quan tâm hỗ trợ TP trong suốt quá trình thực hiện công trình.

Ông Lê Hoàng Quân nói: “Tôi cảm ơn đồng bào TP, những người đã thông cảm chia sẻ khó khăn với TP, chấp hành chính sách thực hiện di dời nhà cửa để dự án sớm được hoàn thành. Tôi đặc biệt trân trọng biết ơn các chiến sĩ bộ đội rừng Sác và tất cả những ai đã từng vượt sông Sài Gòn chiến đấu, góp phần tạo nên thế tiến công cho ngày toàn thắng, để hôm nay, các thế hệ nối tiếp có thể vượt sông Sài Gòn vì sự nghiệp xây dựng đất nước”.

Lúc 9g15, Ông Lê Hoàng Quân - Chủ tịch UBND TPHCM - bày tỏ lời cảm ơn chân thành đến các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, chính phủ, lãnh đạo các bộ ngành trung ương và các tỉnh bạn, đã dành những tình cảm tốt đẹp và sự quan tâm chỉ đạo, động viên, hỗ trợ, xây dựng đại lộ Đông Tây và hầm vượt sông Sài Gòn.

Ông Lê Hoàng Quân cũng bày tỏ lời cảm ơn chính phủ Nhật Bản, cơ quan hợp tác quốc tế JICA - Nhật Bản và các cơ quan đơn vị đã tài trợ vốn, quan tâm hỗ trợ TP trong suốt quá trình thực hiện công trình...

NGỌC ẨN

Quá trình thi công hầm Thủ Thiêm 


Sơ đồ vị trí hợp long hầm Thủ Thiêm - Đồ họa: VĨ CƯỜNG 



Hầm Thủ Thiêm có tổng chiều dài 1.490m, trong đó gồm bốn đốt hầm với tổng chiều dài 370m, đoạn hầm dẫn phía Q.1 dài 585m, đoạn hầm dẫn phía Q.2 dài 535m.

- Tháng 9-2007, đổ mẻ bêtông đầu tiên đúc bốn đốt hầm ở bể đúc Nhơn Trạch (Đồng Nai). Việc đúc bốn đốt hầm hoàn thành vào tháng 5-2008 và được chỉnh sửa kết thúc vào ngày 30-8-2010.

- Quá trình lai dắt đốt hầm Thủ Thiêm từ bể đúc Nhơn Trạch theo đường sông về TP dài hơn 20 km: ngày 7-3-2010 lai dắt đốt hầm số 1, ngày 5-4 lai dắt đốt hầm số 2, ngày 4-5 lai dắt đốt hầm số 3 và ngày 4-6 lai dắt đốt hầm số 4. Hôm nay hợp long đoạn nối đốt hầm số 4 vào bờ phía Q.1. 

 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo