Singapore giữ vững vị trí thành phố đắt đỏ nhất thế giới trong Khảo sát Chi phí sinh hoạt toàn cầu (Worldwide Cost of Living Survey) do tổ chức nghiên cứu kinh tế Economist Intelligence Unit (EIU) thực hiện.
Theo tin từ Bloomberg, đây là năm thứ 5 liên tiếp Singapore đứng đầu xếp hạng những thành phố có chi phí sinh hoạt "chát" nhất thế giới của EIU. Tuy nhiên, Paris và Hồng Kông đã nhảy lên đứng cùng vị trí số 1 với đảo quốc sư tử.
Trong top 5 còn có sự góp mặt của hai thành phố Thụy Sỹ là Zurich và Geneva. Hai thành phố Mỹ New York và Los Angeles quay trở lại top 10 của xếp hạng, đứng ở vị trí tương ứng 7 và 10, sau khi tụt xuống vị trí 13 và 14 trong xếp hạng năm ngoái do đồng USD xuống giá.
Cuộc khảo sát của EIU được thực hiện nhằm giúp các công ty tính toán mức phụ cấp sinh hoạt và lên gói thù lao phù hợp khi điều nhân viên ra nước ngoài làm việc hoặc cử nhân viên đi công tác nước ngoài. Để thực hiện xếp hạng, EIU đã tiến hành so sánh giá cả của 160 sản phẩm và dịch vụ tại 93 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
So với ở New York, chi phí sinh hoạt ở nhóm 3 thành phố đứng vị trí số 1 đắt đỏ hơn 7%.
Thành phố cảng Osaka của Nhật Bản cũng quay trở lại top 10, nhảy lên vị trí số 5 từ vị trí 11 trong xếp hạng năm ngoái. Seoul và Copenhagen cũng đứng vị trí thứ 7, trong khi Tel Aviv của Israel xếp vị trí thứ 10.
"Đồng nội tệ xuống giá đã giúp kéo 5 thành phố của Australia và 2 thành phố của New Zealand đồng loạt tụt hạng", EIU cho hay. Sydney không có mặt trong top 10 của xếp hạng năm nay, sau khi đứng ở vị trí thứ 10 của cuộc khảo sát năm ngoái.
Top thành phố có chi phí đắt đỏ nhất thế giới 2019 - Nguồn: EIU/Bloomberg.
Báo cáo của EIU cho biết chi phí sinh hoạt tại các thành phố Trung Quốc vẫn tương đối ổn định, trong khi các thành phố ở Đông Nam Á có chiều hướng đi lên trong xếp hạng.
Theo báo cáo, một lý do khiến các thành phố châu Á có sự hiện diện mạnh ở top đầu của xếp hạng là các thành phố này đều thuộc hàng những nơi có giá thực phẩm đắt đỏ nhất thế giới.
Nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều thành phố châu Á nằm ở cuối bảng xếp hạng.
"Ở châu Á, đồng tiền thường có giá trị cao nhất ở những thành phố Nam Á, nhất là ở Ấn Độ và Pakistan", EIU cho hay. "Bangalore, Chennei, New Delhi và Karachi đều nằm trong nhóm 10 thành phố có chi phí sinh hoạt rẻ nhất trong cuộc khảo sát".
Diệp Vũ
(VnEconomy)
- Australia: Thành phố Sydney bán "quyền không gian" để có tiền bảo tồn di sản
- Indonesia sẽ di dời thủ đô khỏi Jakarta do tắc nghẽn giao thông
- Canada: Đê vỡ, 5.000 dân phải đi sơ tán khi nước dâng cao
- Cháy lớn tại Nhà thờ Đức Bà Paris
- Tại sao giới siêu giàu Nhật, Đài không thích khoe của?
- Tương lai ngành không gian vũ trụ: Taxi bay, du lịch siêu thanh
- Ai Cập cứu nguy kỳ quan thế giới thời Trung cổ 2.000 năm tuổi
- Thủ đô Rome chi hơn 100 triệu USD trùng tu các di sản văn hóa nổi tiếng
- WWF tái khởi động chương trình Thành phố Xanh
- Đan Mạch muốn xây 9 đảo nhân tạo làm “Thung lũng Silicon châu Âu”