Báo cáo của Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện nay chất lượng nguồn nước mặt của lưu vực sông Đồng Nai đang bị ô nhiễm.
Theo đánh giá, vấn đề ô nhiễm của lưu vực sông Đồng Nai chủ yếu là do hoạt động công nghiệp của các nhà máy, xí nghiệp tập trung ở các tỉnh, thành nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gây ra.
Kết quả quan trắc của cơ quan này cho thấy các chỉ tiêu về môi trường trong nước mặt của hệ thống sông Đồng Nai như COD, BOD, TSS, các chỉ tiêu kim loại trong nước sông ở nhiều đoạn đã vượt nhiều lần cho phép.
Kết quả đo đối với chỉ tiêu DO trong nước của sông Đồg Nai, Sài Gòn cho thấy, giá trị DO tại 40km đầu có xu hướng giảm, và tăng nhanh ở 10km cuối phía hạ lưu. Nguyên nhân được cho là do quá trình đô thị hóa của tỉnh Bình Dương và nước thải của Thành phố Hồ Chí Minh đã làm do chất lượng nước mặt ngày càng kém.
Trong khi đó, sức ép lên môi trường nước lưu vực hệ thống sông Đồng Nai ngày càng tăng, khiến dòng sông phải oằn lưng gánh ô nhiễm. Hiện mỗi ngày, hệ thống sông Đồng Nai phải tiếp nhận một lượng nước thải công nghiệp khoảng gần 2 triệu m3, trong đó riêng hạ lưu sông chính sông Đồng Nai tiếp nhận trên 6.300m3, sông Sài Gòn khoảng 5.300 và sông Thị Vải khoảng trên 5.000m3 mỗi ngày đêm. Các nhánh sông khác càng về phía thượng lưu thì lưu lượng tiếp nhận nước thải công nghiệp đổ ra sông càng giảm.
Điều đáng nói, với lượng nước thải đổ ra mỗi ngày như vậy, mới chỉ có 30% số khu công nghiệp, khu chế xuất nằm trên lưu vực xây dựng hệ thống nước thải tập trung, số còn lại hầu như đều đổ xuống sông Đồng Nai. Đó là chưa nói, mỗi ngày các vùng đô thị, khu dân cư nằm trên lưu vực còn đổ ra khoảng gần 3 triệu m3 nước thải sinh hoạt, và hầu hết số nước thải này chưa qua xử lý.
Tại cuộc họp trên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên cho rằng, Ủy ban Bảo vệ môi trường sông Đồng Nai đã đưa ra nhiều biện pháp trong việc ngăn ngừa ô nhiễm nhằm bảo vệ sông Đồng Nai trong thời gian tới như thu gom xử lý triệt để nước thải công nghiệp trước khi xả thải ra sông; kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây ô nhiễm, có các chế tài biện pháp mạnh nếu các đơn vị doanh nghiệp nào không chấp hành…
Cũng tại phiên họp, Ủy ban bảo vệ môi trường sông Đồng Nai đánh giá chất lượng nguồn nước sông Thị Vải thời gian gần đây có nhiều chuyển biến tích cực. Sau khi Công ty Vedan ngưng xả thải và áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường thì nguồn nước mặt đã cải thiện rõ rệt. Trong khi đó, kênh Ba Bò nằm trên địa bàn tỉnh Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang được hai địa phương này có những biện pháp để từng bước khắc phục ô nhiễm./.
Sỹ Tuyên
Tin mới hơn:
- Bộ Xây dựng tập huấn Nghị định 71 và Thông tư 16 về thi hành Luật nhà ở
- Phát hiện các vết tích kiến trúc cổ ở Thành nhà Hồ
- 1,1 tỷ USD giúp giảm tắc nghẽn giao thông TP.HCM
- Đề nghị duy trì ưu đãi thuế cho dự án nhà ở xã hội
- Dùng thảo mộc phục hồi tháp Mỹ Sơn
Tin cũ hơn:
- Quy hoạch bảo tồn vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng
- Sẽ miễn phí xây dựng bắt đầu từ ngày 1/2/2011
- Họp HĐND TP Hà Nội: “Nóng” với nhà siêu mỏng, siêu méo
- Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung Thành phố Đà Lạt
- Hà Nội: Bốc thăm tái định cư cải tạo tập thể cũ Nguyễn Công Trứ