Ashui.com

Thursday
Mar 28th
Home Tin tức Việt Nam Quá nhiều vướng mắc trong việc di dời hải cảng

Quá nhiều vướng mắc trong việc di dời hải cảng

Viết email In

Mặc dù đã được Chính phủ hỗ trợ cơ chế tài chính, nhưng việc di dời các cảng ra khỏi nội thành TPHCM vẫn giẫm chân tại chỗ do những vướng mắc về giao đất và xây dựng hệ thống giao thông kết nối vào cảng mới.

Vướng từ hạ tầng đến cơ chế

Theo Quyết định 46/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, TPHCM có 5 cảng phải di dời ra khỏi nội thành trước năm 2010, nhưng đến nay mới chỉ có Tân cảng Sài Gòn về cơ bản đã di dời xong, còn những cảng khác vẫn gặp nhiều vướng mắc. Cũng theo quyết định này, nguồn kinh phí thực hiện di dời sẽ được trích ra từ việc chuyển đổi công năng tại vị trí cảng cũ; cụ thể là từ tiền chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất…tại vị trí các cảng cũ.

  • Ảnh bên : Nhà máy đóng tàu Ba Son ở quận 1, TPHCM (Ảnh: TL)

Trước mắt, Chính phủ sẽ tạm ứng vốn cho các cảng thực hiện di dời, số vốn này sẽ được hoàn trả sau. Tuy nhiên, theo đại diện của các cảng việc hỗ trợ tài chính vẫn chưa đủ để các cảng có thể di dời nhanh; ngoài hỗ trợ về tài chính các đơn vị này cần có thêm các biện pháp khác nữa.

Ông Hoàng Văn Nhượng, Phó Tổng giám đốc cảng Sài Gòn cho biết, cảng Sài Gòn được Bộ Tài chính tạm ứng gần 450 tỉ đồng để thực hiện di dời và xây dựng cơ sở hạ tầng ở cảng Hiệp Phước, nơi cảng Sài Gòn sẽ chuyển đến. Đến nay cảng Sài Gòn đã đầu tư 800 tỉ đồng xây dựng cảng Hiệp Phước; vào tháng 6 tới, 200 mét cầu cảng đầu tiên sẽ được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên nhưng đường vào cảng vẫn không đáp ứng được việc vận chuyển hàng hóa.

Ông Nhượng nhận định, cho dù cảng Hiệp Phước được đưa vào sử dụng nhưng không có đường vào cảng thì việc di dời cảng Sài Gòn vẫn chưa hoàn tất. Tại một cuộc họp mới đây với UBND TPHCM cảng Sài Gòn đã đề nghị được huy động vốn để xây dựng 2 km đường vào cảng, thành phố sẽ hoàn trả sau. Ông Nhượng cho biết, mặc dù đường vào cảng dài khoảng 2 km nhưng phải xây dựng 2 cây cầu nên cũng phải mất 2 năm mới xây dựng xong.

Cũng giống như cảng Sài Gòn, Nhà máy đóng tàu Ba Son cũng đã được Bộ Tài chính ứng 240 tỉ đồng để thực hiện việc di dời ra Phú Mỹ, huyện Tân Thành, Bà Rịa – Vũng Tàu. Số vốn trên không đủ đầu tư nên năm 2011, nhà máy phải xin cơ chế nguồn vốn theo phương thức xã hội hóa và Chính phủ đã cho phép nhà máy được sử dụng 600 tỉ đồng từ nguồn vốn của nhà đầu tư để di dời nhà máy. Sau khi thực hiện việc di dời xong, nhà máy phải hoàn trả 240 tỉ đồng mà Bộ Tài chính đã tạm ứng.

Gia hạn thêm thời gian di dời

Tại cuộc họp về tiến độ di dời các cảng ra khỏi nội thành TPHCM diễn ra vào tháng 3 vừa qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhận định, tiến độ di dời các cảng còn chậm. Hiện nay, khu đất mà cảng Sài Gòn sẽ di dời đến đang nằm trong khu công nghiệp Hiệp Phước còn 9 hộ dân chưa giao mặt bằng; theo lãnh đạo cảng Sài Gòn với những vướng mắc như vậy thì chưa xác định được khi nào cảng sẽ di dời xong.

Còn đối với nhà máy đóng tàu Ba Son, hiện nay mới hoàn thành san lấp 3,2 héc ta diện tích nhằm phục vụ di dời ụ tàu 68 để tiến hành sửa chữa tàu. Do đó, Chính phủ đã chấp thuận lùi việc di dời nhà máy đến năm 2015.

Ngoài 2 cảng nói trên, cảng Tân Thuận Đông cũng chưa được giao đất để thực hiện dự án, đồng thời chưa có quy hoạch khu hiện hữu để thực hiện chuyển đổi công năng. Còn Cảng Rau Quả đã được UBND TPHCM chấp thuận cho lùi thời điểm di dời đến sau 2020 và đang đề nghị được chuyển đổi công năng tại chỗ.

Theo quy hoạch dự kiến, khu đất nhà máy Ba Son sẽ được chuyển đổi thành khu trung tâm phức hợp Sài Gòn – Ba Son với chức năng là trung tâm tài chính, văn phòng, khách sạn cao cấp, trong đó có khu truyền thống lịch sử như xưởng đóng tàu Ba Son, nhà lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng... Còn đối với cảng Sài Gòn gần bến Nhà Rồng, sau khi di dời sẽ được chuyển thành cảng hành khách du lịch.

Tuy nhiên, cho đến nay việc quy hoạch chi tiết các vị trí sau khi các cảng rời đi vẫn chưa được thực hiện, khiến các doanh nghiệp chưa thể chuyển nhượng quyền sử dụng đất để có thêm kinh phí cho việc di dời. Dự kiến, vào tháng 6 tới, TPHCM sẽ công bố quy hoạch chi tiết khu vực bờ Tây sông Sài Gòn, trong đó có khu vực cảng Sài Gòn và nhà máy đóng tàu Ba Son. 

Anh Quân

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo