Ngày 27/4, trong khuôn khổ Festival Nghề truyền thống Huế 2013, thành phố Huế đã tổ chức lễ khai mạc "Không gian tôn vinh nghệ nhân và làng nghề" tại công viên Tứ Tượng, đường Lê Lợi.
Ông Nguyễn Đăng Thạnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Huế, Phó Trưởng ban tổ chức Festival Nghề truyền thống Huế 2013 cho biết, Ban Tổ chức đã cho dựng 20 nhà rường tại đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu bên bờ sông Hương để làm không gian trưng bày, trình diễn và tôn vinh các làng nghề.
Lễ hội đã thu hút hơn 200 nghệ nhân, phần lớn là nghệ nhân bàn tay vàng, nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ưu tú đến từ 21 làng nghề truyền thống nổi tiếng trong cả nước tham gia. Tiêu biểu có các làng nghề: Gốm sứ Bát Tràng, Bình Dương và Phước Tích; Đất nung Quảng Nam, Bàu Trúc; Sơn mài tương Bình Hiệp, thổ cẩm lanh Lùng Tiên, Hà Giang; Mây tre Chuyên Mỹ, lụa Vạn Phúc, thêu cung đình Quất Động, chạm khắc bạc Định Công, Hà Nội; Thổ cẩm Chăm, Mỹ Nghiệp, Ninh Thuận. Thành phố Huế cũng có các làng nghề tham gia như: Đan lát Bao La, thêu Đức Thành và Thuận Lộc, nón lá Phú Cam, diều Huế, nghề làm mỏ, làm hương trầm...
Tại không gian trưng bày các làng nghề, khách du lịch hết sức thích thú vì được tận mắt chứng kiến các nghệ nhân quảng diễn, thao tác các công đoạn để làm ra sản phẩm và có thể lựa chọn trong số các sản phẩm để mua về làm quà, tạo nên không gian sống động cho các làng nghề.
Tại Festival Nghề truyền thống Huế 2013, lần đầu tiên có các phòng trưng bày Dệt may "Ấn tượng độc đáo" của các nghệ nhân quốc tế đến từ Pháp và không gian các sản phẩm từ tre của nghệ nhân Ueno Masao (Nhật Bản) tham gia.
Phòng trưng bày Dệt may "Ấn tượng độc đáo" của các nghệ nhân quốc tế đến từ Pháp hội tụ 80 mẫu dệt may độc đáo từ cổ xưa đến hiện đại, cho thấy các kỹ năng dệt may được lưu truyền và phát triển nhờ vào bàn tay của những nhà tạo mẫu khắp thế giới như Patis Tesoro, Kinor Jiang, Shu SUN, Rui XU, Đặng Thị Minh Hạnh, Paula Leal, Sannata Magassa, Aboubakar Fofana... và từ Pháp như Francoixe Hoffmann, Sophia và Francis Dravigny, nhà trưng bày Bucol Heme`s, Công ty SATAB de Saint Just Malmont và Xí nghiệp quốc gia Puy en Vetay.
Tiến trình phát triển dệt may còn hội tụ 15 câu chuyện, là những kỷ niệm hết sức sinh động và lý thú của các nhân và gia đình gắn với dệt may, do những nhân vật đặc biệt của Việt Nam đang sinh sống tại Pháp tự thuật tại Trung tâm Văn hoá Pháp tại Huế.
Riêng đối với không gian các sản phẩm từ tre của nghệ nhân Ueno Masao (Nhật Bản) do các nghệ nhân của làng nghề đan lát Bao La (Thừa Thiên - Huế) thực hiện theo ý tưởng của tác giả.
Cùng ngày còn có các hoạt động khác như khai mạc phòng trưng bày về nghề thủ công truyền thống (tại Trung tâm Văn hóa Pháp, số 1 Lê Hồng Phong); Khai mạc triển lãm, biểu diễn thả diều, thao tác làn diều Huế và không gian thư pháp Huế (Công viên Thương Bạc, Huế); Khai mạc phòng trưng bày về nghệ thuật đương đại (Công ty văn hóa Phương Nam).../.
Quốc Việt
- TPHCM: Quy hoạch chi tiết Bến xe miền Đông mới gắn kết hợp lý với ga metro tương lai
- Cải tạo chung cư cũ: Dân được góp vốn bằng quyền sở hữu
- Đà Nẵng: Hơn 7 tỷ đồng xây dựng "Thành phố môi trường"
- Triển khai mô hình làng du lịch cộng đồng tại di sản Mỹ Sơn
- Vũng Tàu chính thức trở thành đô thị loại I
- Phát động Tuần lễ Nước sạch và Vệ sinh môi trường
- Việt Nam - Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng thành phố thông minh
- Hà Nội chấp thuận phương án xây cầu vượt qua Đàn Xã Tắc
- Hợp tác bảo tồn di sản hai cố đô Huế - Luangprabang
- UAI hợp tác Spatial Decisions thành lập Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng GIS