Yên bình, tĩnh tại và đẹp đến nao lòng là ấn tượng của nhiều du khách khi đặt chân đến ngôi làng cổ này. Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 10km, làng cổ Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) hiện lên với vẻ đẹp cổ xưa, mang đậm vẻ đẹp của văn hóa ven đô kinh thành.
Con đường dẫn vào làng bình yên và còn in dấu ấn của thời gian.
Đông Ngạc có tên Nôm là làng Vẽ, một ngôi làng phía Tây Bắc thành Thăng Long xưa. Nơi đây không chỉ nổi tiếng bởi những nét đẹp văn hóa kiến trúc mà còn được biết đến với truyền thống khoa bảng.
Tính từ năm Bính Tý (1396), dưới thời vua Trần Thuận Tông, có cụ Phan Phu Tiên đỗ tiến sĩ khai khoa cho làng thì đến thời nhà Nguyễn, làng Đông Ngạc có 25 người đỗ tiến sĩ trở lên. Dân gian ca ngợi làng này bằng câu ca “Đất Kẻ Giàn, quan Kẻ Vẽ” là vì thế.
Không chỉ tự hào về truyền thống hiếu học, hiện nay Đông Ngạc còn là nơi lưu giữ nhiều di sản văn hóa, di tích lịch sử có giá trị. Trong làng còn rất nhiều di tích đình, chùa và khá nhiều kiến trúc nhà cổ.
Đình Vẽ vẫn vẹn nguyên những nét đẹp kiến trúc cổ xưa. (Ảnh: TL)
Đình Vẽ là một ngôi đình lớn và nổi tiếng của làng. Đình được xây dựng từ thế kỉ XVII trên thế đất cao, đắc địa của làng. Đình thờ ba vị thần tượng trung cho cả “Thiên, Địa, Nhân”. Ngoài ra đền còn thờ tiến sĩ Phạm Quang Dung là người làng có công đứng ra trùng tu đình năm 1718 và bà Phạm Thọ Lý, người đã cung tiến đất làm đình lần đầu năm 1635.
Toàn bộ khuôn viên của đình được kiến trúc theo hình chữ Quốc, tượng trưng cho đầu rồng. Từ cổng vào qua hai tam quan đồ sộ, tm quan ngoại có nền cao ngang mặt đê sông Hồng. Hai bái đường nội và ngoại được nối liền với nhau, mỗi tòa gồm 9 gian. Trong cùng là hậu cung, mỗi tòa có ba gian. Tất cả được sắp xếp trong không gian tĩnh mịch, xung quanh là những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi.
Cổng Đình Vẽ vẫn đứng hiên ngang vững chãi.
Những bức hoành phi và câu đối sơn son thiếp vàng không hề bị phai màu theo năm tháng.
Trải qua bao sóng gió thăng trầm của lịch sử, tất cả vẫn hiên ngang thách thức cùng thời gian. Những cột gỗ to chắc khỏe, những bức hoành phi câu đối chưa phai mờ màu sơn thiếp vàng.
Trong làng còn có chùa Vẽ (tên chữ là Tự Khánh) rộng tới 59 gian, mang đậm nét đẹp kiến trúc nghệ thuật thế kỷ XVII. Chùa được xây dựng dưới thời vua Lê Thiền Tông (1653-1661), với kiểu kiến trúc nội tự chữ “Đinh”, ngoại tự chữ “Quốc”. Chùa Vẽ là ngôi chùa duy nhất ở Hà Nội được phong tặng danh hiệu “Toàn gia kháng chiến” trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
Một góc khuôn viên chùa Vẽ.
Mái chùa còn mang đậm nét kiến trúc cổ với ngói mũi hài, đỉnh mái là hình lưỡng long chầu nguyệt, đầu mái uốn cong gắn hình rồng, qua thời gian đã nhuốm màu rêu phong.
Tháp chuông chùa Vẽ.
Hiện nay nhà chùa còn giữ được quả chuông đúc đồng nặng 750kg, niên đại Gia Long 16 (năm 1817) và nhiều hiện vật có giá trị văn hóa, lịch sử.
Ngoài kiến trúc mang đậm dấu ấn văn hóa cổ xưa, làng Vẽ còn có sự pha trộn các kiến trúc Pháp cổ. Nét đẹp hiện đại cổ điển và vẻ đẹp truyền thống xưa cũ đan xen đã tạo ra bức tranh tuyệt mỹ mang hơi hướng hoài niệm.
Ngôi nhà hơn trăm năm tuổi mang hơi thở kiến trúc Pháp cổ.
Những nét đẹp hiện đại cổ điển và vẻ đẹp truyền thống xưa cũ, mộc mạc, bình yên của làng cổ Đông Ngạc kết hợp với nhau đã tạo nên bức tranh tuyệt mỹ mang hơi hướng hoài niệm.
Cát Phương
(Báo Xây dựng)
- Những ngôi chùa hơn 200 năm tuổi ở TP.HCM
- Sydney - những điều rất nhỏ
- Ibaraki - điểm đến ở Nhật Bản 4 mùa không chán
- Làng Cựu - Ngôi làng 500 tuổi ở Hà Nội
- Ngôi làng xinh như cổ tích mang tên chàng Cù Lần
- 4 homestay gần gũi thiên nhiên ở Sa Pa
- Có hay không bóng ma và sự vượt thời gian ở điện Versailles
- Kim tự tháp Cholula - Công trình vĩ đại nhất trên Trái Đất
- Yufuin, ngôi làng Nhật Bản đẹp như cổ tích châu Âu
- Những bể bơi giải nhiệt chốn đô thị tuyệt vời trên thế giới