Khu trung tâm Hòa Bình (TP Đà Lạt, Lâm Đồng) đang đô thị hóa nhanh chóng. Vẻ đẹp thơ mộng vốn có trong tâm tưởng nhiều người dần mất đi.
Ngày 15/3, UBND tỉnh Lâm Đồng công bố Quy hoạch chi tiết 1/500 và thiết kế đô thị Khu trung tâm Hòa Bình, TP Đà Lạt. Đồ án này nằm trong định hướng quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã được Thủ tướng phê duyệt.
Theo đồ án quy hoạch mới, trung tâm Hòa Bình có diện tích 30 ha, thuộc phường 1, TP Đà Lạt; phạm vi từ đường Trần Quốc Toản, Bùi Thị Xuân, Lý Tự Trọng, hẻm nhà thờ Tin Lành, Nguyễn Văn Trỗi, đến đầu đường Ba Tháng Hai, Nguyễn Chí Thanh, đường dẫn xuống Lê Đại Hành qua vòng xoay đài phun nước (Nguyễn Văn Cừ, Lê Đại Hành, Trần Quốc Toản).
Quy mô dân số, hiện trạng khoảng 5.370 người (1.064 hộ); với hệ số tăng dân số cơ học 1,2, dự báo quy mô dân số khu vực quy hoạch gần 6.900 người. Với ý tưởng chủ đạo của quy hoạch chung Đà Lạt là “thành phố trong rừng, rừng trong thành phố”, chú trọng không gian xanh.
Theo đó, rạp hát Hòa Bình sẽ bị dỡ bỏ, thay Trung tâm thương mại Hòa Bình, là khu phức hợp có tính chất giải trí có 5 tầng nổi. Công năng của rạp sẽ được xây dựng trong công trình ngầm.
Rạp Hòa Bình vốn là chợ cũ chuyển đổi thành rạp chiếu phim. Khu này từng là chợ chính của thành phố Đà Lạt, sau này được xây dựng khu chợ Mới và đập bỏ khu chợ cũ (chợ Cây). Chợ Mới Đà Lạt nằm trong khu Hòa Bình dần trở thành nơi buôn bán sầm uất nhất thành phố.
Xung quanh rạp Hòa Bình là các dãy cửa hàng nhỏ bán hàng lưu niệm, mỹ nghệ, quần áo... đến những mặt hàng điện tử.
Trong đó có nhiều tiệm, thợ sửa đồng hồ, bật lửa đã kinh doanh, hành nghề tại đây trên dưới 40 năm.
Cũng theo quy hoạch, dinh tỉnh trưởng nằm trên đồi Dinh sẽ di dời nguyên khối để xây dựng trung tâm thương mại - khách sạn. Đây là nơi có vị trí cao nhất khu vực, có thể nhìn bao quát được xung quanh, bao gồm cả hồ Xuân Hương...
Dinh đã tồn tại hơn 100 năm, là nơi ở và làm việc của tỉnh trưởng tỉnh Tuyên Đức trước đây. Tuy nhiên, thời gian qua diện tích khu vực đồi Dinh đang bị nhiều công trình, nhà ở bao vây.
Khi quy hoạch xây dựng lại trung tâm, chợ Đà Lạt là công trình còn lại được giữ nguyên vẹn. Ngôi chợ do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế có không gian hướng về hồ Xuân Hương, phía trước có khoảng không gian vòng xoay khá lớn.
Tuy nhiên, xung quanh chợ hiện có nhiều tòa nhà, khách sạn án ngữ làm khuất tầm nhìn về phía công trình nổi tiếng, thu hút khách du lịch này.
Trong bản quy hoạch, phân khu I (khu vực Chợ Đà Lạt - đường Nguyễn Thị Minh Khai) với diện tích khoảng 6,95 ha, có chức năng chợ truyền thống kết hợp với quảng trường hoa mang tính chất đặc trưng của TP Đà Lạt, khu phố đi bộ kết nối với trung tâm thương mại và khu vực đậu xe ngầm của phân khu I (được kết nối với khu đậu xe ngầm khu vực trung tâm thương mại Hòa Bình).
Hiện, nhiều khu vực trong khu trung tâm Hòa Bình, các công trình lớn, nhỏ, kiến trúc hiện đại mới được xây dựng nằm cạnh những khu dân cư khá nhếch nhác, kiến trúc nhà cửa lộn xộn.
Bên cạnh đó, nhiều con đường vào khu trung tâm lâu nay các khách sạn, nhà nghỉ, cở sở ăn uống lớn nhỏ mọc lên san sát.
Xung quanh rạp Hòa Bình, chỉ cách vài chục mét, những dãy khách sạn đã và đang tiếp tục được xây dựng.
Các khu dân cư khu trung tâm Hòa Bình dày đặc nhà cửa, trong khi hầu như các tuyến đường đều nhỏ hẹp, không được mở rộng trong thời gian qua.
Những dãy phố cổ được xây dựng vào những năm 20-30 của thế kỷ trước xung quanh khu Hòa Bình đã dần biến mất, số ít còn lại ẩn khuất giữa vô số "mạng nhện" bảng hiệu.
Duy nhất chỉ còn dãy nhà cổ phía sau rạp Hòa Bình còn tương đối về hình hài dù đã bị xuống cấp rất nhiều. Trong đó, bức tường vàng Cối xay gió của ngôi nhà cổ lâu nay trở thành điểm check-in nổi tiếng của giới trẻ, du khách tới Đà Lạt.
Theo tài liệu “Đường phố Đà Lạt”, khu Hòa Bình là khu trung tâm Đà Lạt, nằm trên ngọn đồi cao 1.494,8 m. Lúc đầu, trên vị trí rạp chiếu bóng Ba Tháng Tư ngày nay, có một ngôi chợ cất bằng cây gọi là “Chợ Cây”. Năm 1931, chợ này bị cháy. Đến năm 1934, chợ Đà Lạt được xây dựng rộng 900 m2. Quảng trường trước chợ và đường quanh chợ gọi là Place du Marché (Quảng trường Chợ). Năm 1953, Place du Marché đổi là khu Hòa Bình. Xung quanh chợ là các cửa hiệu của người Việt, Hoa, Pháp và Ấn Độ. Từ chợ tỏa ra các hướng những con đường dốc Lê Đại Hành, Thành Thái, Duy Tân, Minh Mạng, Hàm Nghi, Phan Bội Châu. Hiện, khu Hòa Bình ở trong địa phận phường 1. Đây là khu vực sầm uất, náo nhiệt nhất của thành phố. |
Lê Quân - Hoài Thanh
(Người Đô Thị)
- 5 điểm du lịch nổi tiếng bậc nhất nước Pháp
- Vẻ đẹp dòng Hương Giang xứ Huế
- Khu phố Pietermaai ở thủ đô Willemstad (Curacao)
- Kỳ lạ quần đảo nổi Uros dệt từ cỏ với nghìn người sinh sống ở Nam Mỹ
- Jewel Changi, nhà ga sân bay mà đẹp mộng mị như thiên đường
- Siêu sân vận động mới của Tottenham Hotspur
- Lễ hội mặt nạ nhiều sắc màu ở Venice
- 'Thủ đô hoa anh đào của thế giới' rực rỡ khi vào mùa
- Sắc hoa giấy phủ đỏ tuyến đường dài ở Bến Tre
- TPHCM xin Thủ tướng giảm quy mô dự án tỷ USD ở Thủ Thiêm