Thị trấn Sagamihara (Nhật Bản) bỗng chốc trở thành điểm du lịch sau khi một cửa hàng lốp xe trưng bày hàng loạt máy bán hàng tự động từ thế kỷ trước.
Thị trấn nhỏ Sagamihara không nổi bật trên bản đồ du lịch xứ Phù Tang từ trước đến nay, vì tọa lạc gần Yokohama và Tokyo, 2 điểm du lịch nổi tiếng Nhật Bản.
Gần đây, khách du lịch nườm nượp kéo đến thị trấn này vì sự xuất hiện của những máy bán hàng tự động có nguồn gốc từ thời Showa (1926-1989). Một cửa hàng lốp xe cũ ở Sagamihara đã sưu tầm những chiếc máy này, sửa chữa và đưa vào tái sử dụng. Hiện tại, các máy bán hàng tự động "lỗi thời" này còn bán cả những món ăn phổ biến trong thế kỷ trước.
Người đưa những chiếc máy bán hàng cổ vượt thời gian tới hiện tại là ông Saito, chủ một tiệm lốp xe. Ông Saito cho biết bộ sưu tập cổ điển này có tên tiếng Nhật là "natsukashii", mang ý nghĩa "hoài cổ". Những chiếc máy bán hàng được đặt dọc theo hai lối đi có mái che bên cạnh bãi đậu xe đầy bụi có từ những năm 1970-1980.
Những cỗ máy cổ xưa hút khách không chỉ vì ngoại hình cũ kỹ, mà còn nhờ những mặt hàng đồ ngọt, đồ ăn nhẹ phổ biến từ nhiều thập niên trước. Ngoài máy bán hàng tự động, bộ sưu tập của ông Saito còn có những món đồ chơi hoài cổ như phim máy ảnh, một số máy chơi game arcade, pin AA...
Chỉ từ 280 yen đến 400 yen (khoảng 46.000-90.000 đồng), khách hàng có thể thưởng thức hamburger kiểu cũ hoặc những món ăn sốt teriyaki đựng trong hộp màu vàng tươi, tô ramen nóng hổi... Tất cả được phục vụ sau khoảng 25 giây.
Các máy bán hàng tự động kiểu cũ có trang bị đồng hồ đếm ngược kỹ thuật số màu đỏ, thông báo cho khách hàng biết thời gian chờ món. Trong 2 năm đại dịch, những cỗ máy này trở thành thú vui tiêu khiển cuối tuần của những vị khách từ Tokyo và Yokohama.
Chủ bộ sưu tập những cỗ máy cổ này cho biết ông nhận ra rằng những loại máy móc từ thời thơ ấu đang dần biến mất ở Nhật Bản vì khó khăn để khôi phục hoặc bảo trì chúng. Ông Saito đã tìm mua máy bán hàng tự động cũ qua các cuộc đấu giá trực tuyến hoặc nhờ người chỉ giúp. Từ năm 2016, việc thu mua máy bán hàng tự động còn chiếm nhiều thời gian hơn việc kinh doanh cửa hàng lốp xe. Hiện Saito phải thuê người làm việc trong nhà bếp và bảo dưỡng các máy bán hàng bằng số nhân công thay lốp xe.
Để chuẩn bị đồ ăn cho những chiếc máy bán đồ ăn nóng tự động, ông Saito và nhân viên phải thường xuyên bổ sung món mỗi ngày. Luật an toàn thực phẩm yêu cầu bất kỳ ai ở Nhật sở hữu máy bán đồ ăn nóng tự động phải có giấy phép phù hợp và duy trì các tiêu chuẩn vệ sinh, tương tự như các nhà hàng.
Saito cho biết ông vẫn chưa dừng việc tìm kiếm những máy bán hàng tự động cổ để bổ sung vào bộ sưu tập. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất hệ thống bán hàng tự động Nhật Bản, thời hoàng kim của các máy bán đồ ăn tự động tại xứ mặt trời mọc là vào năm 1985, với khoảng 250.000 chiếc trên khắp đất nước. Tính đến tháng 12/2021, số lượng đã giảm xuống còn 72.800, bao gồm cả máy bán thực phẩm đông lạnh như kem và đồ ngọt. Đến nay, máy bán đồ ăn nóng tự động còn số lượng rất ít.
Mai Phương
(Zing.vn /Theo CNN)
- 8 công viên quốc gia gần Sydney, Úc
- Thị trấn Alberobello ở Ý với những ngôi nhà trullo từ thời trung cổ
- 3 Thánh đường Hồi giáo đẹp nhất Việt Nam
- Chester - Thành phố đẹp nhất xét theo "tỷ lệ vàng"
- Charleroi - Thành phố xấu nhất thế giới
- Mỹ Sơn được coi là Angkor Wat của Việt Nam
- 10 thành phố tuyệt nhất thế giới năm 2022 (Time Out)
- Qutub Minar - Cột sắt cổ đại nghìn năm không gỉ ở Ấn Độ
- Castillo de San Marcos, pháo đài "nuốt đạn đại bác" ở Mỹ
- 7 nhà thờ tráng lệ nhất thế giới