Sự hân hoan hứng khởi là điều dễ nhận thấy nhất trong giới nghiên cứu di sản những ngày này. Nó gắn liền với việc Ví dặm Nghệ tĩnh được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới trong những ngày cuối cùng của tháng 11. Nhưng nếu nói rộng ra, tâm lý ấy cũng không phải quá xa lạ, khi đều đặn trong hơn chục năm gần đây, Việt Nam mỗi năm vẫn nhận về một, hai danh hiệu ở cấp này.
Người Pháp tìm ra Mỹ Sơn, để rồi một phần quan trọng của di sản này bị phá hủy trong chiến tranh chống Mỹ. Khi được quan tâm trở lại, cụm tháp bằng gạch nung và từ cách đây vài trăm cho tới cả ngàn năm này đã bị bào mòn đi rất nhiều dưới dấu tích thời gian. Không xây bằng đá chắc chắn như thành Nhà Hồ, không có những kiến trúc cụ thể như cố đô Huế, Mỹ Sơn cũng lại không tới mức... hoàn toàn trở thành phế tích như Hoàng Thành Thăng Long. Sự trớ trêu ấy, cũng với những đứt đoạn rất dài của nền văn hóa Chiêm Thành, là lý do khiến Mỹ Sơn trở thành bài toán thật sự của giới bảo tồn. Bằng chứng là đến giờ, vẫn chưa có một kết luận chính xác cuối cùng về cách xây Mỹ Sơn với những ngôi tháp bằng gạch đất nung và tuyệt đối không dùng vôi vữa.
Có thể cực đoan, nhưng một số nhà nghiên cứu cho rằng Mỹ Sơn đẹp chính ở tình trạng dở dang ấy. Bởi, sự cũ kỹ và những gì đã mất hẳn theo thời gian đủ khiến người ta ngậm ngùi để suy nghĩ và chiêm nghiệm về sự lụi tàn của một nền văn minh cũ trong lịch sử. Chỉ có điều, để lưu giữ trong hệ thống di sản của thế giới và Việt Nam, Mỹ Sơn tất nhiên không được phép... lụi tàn thêm nữa, cho đến khi mất hẳn. Thánh địa ấy phải tồn tại, vì giá trị và chiều sâu văn hóa mang theo của nó.
Bởi thế, từ vài chục năm nay, Mỹ Sơn là câu chuyện về cuộc chạy đua với thời gian của giới bảo tồn. Và, khi mà chúng ta vẫn chưa có đủ điều kiện cũng như kinh nghiệm để gìn giữ tuyệt đối báu vật này, thì rõ ràng áp lực được đặt ra với Mỹ Sơn và với những người nhận trách nhiệm bảo tồn nó vẫn luôn tồn tại, như một phần của danh hiệu Di sản Thế giới.
Điển hình, dư luận từng nói nhiều tới tác động của lượng khách du lịch đổ về Mỹ Sơn trong vài năm qua, cũng như những sự cố trong quá trình tôn tạo và bảo tồn di sản. Gần nhất, năm 2013, việc suối Khe Thẻ gần cụm tháp B, C bị bê tông hóa, phá hỏng cảnh quan di tích cũng gây sự bức xúc với ngành bảo tồn – cho dù việc kè đê hoàn toàn được thực hiện với mục đích... cứu Mỹ Sơn khỏi bị xâm lấn từ dòng chảy đang mở rộng dần của lòng suối.
Cần nhớ, theo lý thuyết, việc "ứng cử" trước UNESCO cũng đồng nghĩa với việc... xung phong để tự nguyện bỏ tiền của và công sức ra gìn giữ các di sản tại quốc gia mình, không chỉ cho bản thân mà cho toàn nhân loại. Có nghĩa, nửa kia của danh hiệu Di sản Thế giới sẽ là trách nhiệm rất nặng nề, chứ không chỉ đơn thuần là niềm vui, hay ước mơ giúp mỗi địa phường đi lên nhờ du lịch.
Cúc Đường (Thể thao & Văn hóa)
- Cổng làng trong phố
- "Big Brother" của không gian đô thị Hà Nội
- Phát triển hạ tầng và chuyện cải cách thể chế
- Bao giờ khảo cổ hết Hoàng thành?
- Sài Gòn không còn gương mặt
- Nỗ lực gìn giữ và phát huy giá trị Di sản thế giới Hội An và Mỹ Sơn
- Bắc Kạn: Chung tay gìn giữ nhà cổ của người Hoa ở Bằng Vân
- Bảo tồn và phát triển - chuyện của tôi hay của bạn?
- Gian nan bảo tồn di sản thế giới
- Giữ gìn và tái tạo vẻ đẹp sinh thái trong các khu đô thị