Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Góc nhìn "Big Brother" của không gian đô thị Hà Nội

"Big Brother" của không gian đô thị Hà Nội

Viết email In

Không phải đợi đến khi có định nghĩa về không gian công cộng theo các lý thuyết quy hoạch phương Tây thì Việt Nam mới có ý niệm này. Việt Nam là một xã hội có truyền thống sinh hoạt cộng đồng sâu đậm. Vì thế ở từng làng xã hay phường hội đều có không gian công cộng của mình. Theo thời gian, không gian công cộng tùy nơi mà phát huy tác dụng hoặc chỉ còn là khoảng trống hình thức. Tôi sẽ dùng những câu trong vốn ca dao hay quán ngữ dân gian để làm đề từ cho những ý phân tích về không gian sinh hoạt cộng đồng người Việt từ xưa đến giờ. Phạm vi của bài khảo sát quanh một số khu vực ở Hà Nội, tuy nhiên vẫn mang đậm dấu ấn làng xã. Từ đời sống sinh hoạt đến giao thương trong nhiều thế kỷ đã hòa chất làng xã này vào bản sắc của vùng đô thị “phố cổ” Hà Nội.

"Chợ Viềng năm có một phiên"


Áp phích quảng bá về Bắc Kỳ thời Pháp, với hình ảnh trung tâm sinh hoạt cộng đồng làng xã – đình làng. 

Người Việt Nam ưa tụ tập, thích hội hè. Theo thông báo mới nhất của cơ quan quản lý, nước ta có gần 8.000 lễ hội hàng năm (Tiền Phong, 25/10/2014). Các khu quần cư nông thôn luôn có đủ các thiết chế như không gian mở trước các công trình kiến trúc tín ngưỡng hay sân đình, nơi tiến hành các nghi lễ cộng đồng. Đến nay những hoạt động làng xã vẫn lấy những địa điểm này làm hạt nhân, có thêm các công trình như nhà văn hóa, sân bóng. Ngay cả những ngôi chợ cũng là một hình thức không gian giao lưu cộng đồng. Nhiều nơi, chợ họp ở sân chùa như chợ làng Chuông (Chương Mỹ, Hà Nội) hoặc trước cửa đình như chợ Đại Phùng (Đan Phượng, Hà Nội), gắn kết thành trung tâm giao lưu của làng, cho đến giờ vẫn là cặp bài trùng. Có khi là thành điểm giao lưu lễ hội như chợ Viềng gắn với Phủ Giầy (Vụ Bản, Nam Định) trong một vài đêm tháng Giêng âm lịch.


Chợ Bưởi đầu thế kỷ 20.


Chợ họp ở sân đình Đại Phùng, 2008.

Hình thức của các không gian này thường tùy vào mặt bằng, đa phần ước lệ và lộ thiên, chỉ một số nơi có tường bao và mái che. Hình ảnh kinh điển “cây đa, bến nước, sân đình” – nơi tụ họp của cư dân đã thành biểu tượng tinh thần làng xã Việt Nam. Đáng lưu ý là ngày nay hình thức thực tế của các không gian này có thể biến đổi, nhiều dịch vụ hiện đại ở làng xã như gara sửa xe, khu giải trí như trò chơi điện tử, quán karaoke… vẫn bám lấy cái lõi này. Xét cho cùng, không phải việc đồng áng làm nên làng quê mà chính cái lõi sinh hoạt cộng đồng làm nên khu vực chiếm 2/3 dân số cả nước.

"Rủ nhau xem cảnh Kiếm hồ"

Liệu không gian công cộng có phải là cái lõi của đô thị Việt Nam hiện giờ không? Ngay từ dấu tích để lại, mặt bằng khu phố cổ Hà Nội không có một cái lõi trung tâm nào rõ rệt. Ngôi chợ lớn nhất là Đồng Xuân thực tế đã dịch chuyển nhiều lần quanh mạn Bắc khu phố cổ, và vị trí của nó thiên về việc bám lấy các bến cảng ven sông Hồng hơn là theo xu hướng “mọi ngả đường đều dẫn tới La Mã”. Các phố Hàng còn lại đều giống như các chợ con, mỗi phố bán một loại hàng càng làm đậm lên tính phân tán. Ở mỗi phố hoặc cụm phố này lại có một ngôi đình thờ tổ nghề do người làng từ các vùng xung quanh kinh thành ra làm ăn lập nên hoặc hội quán của Hoa kiều như Phúc Kiến ở phố Lãn Ông hoặc Quảng Đông ở Hàng Buồm. Những nơi này có dấu hiệu của không gian cộng đồng nhỏ nhưng không hẳn đã mở cho khách thập phương, hoặc nếu có thì nảy sinh từ lợi ích kinh tế. Ý niệm không gian nghệ thuật ở những nơi này cũng mờ, cho dù có thể có các gánh hát dân gian, các buổi diễn xướng cho đến các nghi lễ cúng bái dùng âm nhạc.


Chợ Đồng Xuân đầu TK 20.


Chợ Đồng Xuân 1954.

Dấu ấn phân tán cho đến nay vẫn rất rõ. Cho dù chính quyền thành phố Hà Nội đã xây dựng tuyến Hàng Đào – Đồng Xuân làm trục chính của tham quan, phố đi bộ - chợ đêm cuối tuần, và chợ Đồng Xuân làm điểm nhấn của khu phố cổ, thì các quảng trường hiếm hoi như trước cửa chợ Đồng Xuân hay chợ Hàng Da vẫn không có nhiều hoạt động cộng đồng vì tính chất giống các ngã tư giao lộ quá đậm nét. Thậm chí Nhà hát Tuồng nằm ngay ở rạp Hồng Hà nhìn ra quảng trường chợ Hàng Da cũng chưa khi nào khai thác được lợi thế này. Chợ Hàng Da từ khi được xây mới thành Trung tâm thương mại cũng không tận dụng được vị trí quá đẹp nơi đây, do bản thân việc kinh doanh khó khăn cũng vì quá đóng kín.

Trong khi đó, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục với đài phun nước ở phía Bắc Hồ Gươm vẫn là mô hình không gian công cộng tương đối đúng nghĩa, nhờ có mặt thoáng của Hồ Gươm và các ngả phố từ khu phố cổ đổ về đây. Đã có những triển lãm ngoài trời của các nghệ sĩ nhiếp ảnh nước ngoài, sân khấu biểu diễn xiếc hoặc văn nghệ lưu động giữa quảng trường. Các quán cà phê và cửa hiệu xung quanh đều có xu hướng quay mặt tiền, ban công và sân trời nhìn ra quảng trường, tạo nên tính quần tụ đặc trưng cần có của không gian công cộng.


Đầu phố Cầu Gỗ thông ra Bờ Hồ khoảng 1940 – khu vực nay là quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục.


Ngã năm đầu phố Hàng Đào năm 1960 – nay là quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục.

"Hà Nội như động tiên sa"

Quảng trường là một dạng điển hình nhất của không gian công cộng, nghĩa gốc là khoảng [mặt bằng] rộng. Có nhiều loại gắn với công trình kiến trúc chính chế ngự không gian này: quảng trường thị chính, quảng trường thương nghiệp, quảng trường tín ngưỡng, quảng trường giao thông, quảng trường kỷ niệm, hoạt động văn hóa… Có thể thấy, quảng trường đã có trong các không gian kiến trúc truyền thống, nhưng chỉ đến thời người Pháp quy hoạch, vấn đề thẩm mỹ cảnh quan mới được đặt ra đối với các quảng trường, chẳng hạn như quảng trường Ba Đình lúc đầu gắn với tòa nhà Phủ Toàn quyền, nay là Phủ Chủ tịch, quảng trường Nhà hát Lớn với công trình hoành tráng nổi bật án ngữ. Tương tự, các không gian công cộng cũng đòi hỏi những thiết chế quy hoạch đi kèm: tượng đài, đài phun nước, vườn hoa, cây xanh, bậc cấp, các bình diện giới hạn khu vực theo các chiều khác nhau. Tinh thần chung là dọn sẵn những thứ phục vụ cho tính giao lưu giữa nhà nước với quần chúng và trong dân cư với nhau, thừa kế nguyên lý thiết kế của thành bang Hy Lạp cổ đại, mỗi quảng trường là một điểm nhấn của không gian đô thị, nơi tinh hoa trí tuệ của xã hội tụ họp. Nó có thể là điểm cuối những con đường, nghênh đón các luồng giao thông, tạo nên trạng thái trung tâm của đời sống.


Mít tinh thời Nhật chiếm đóng Đông Dương trước cửa tòa nhà tổ hợp thương mại (93 Đinh Tiên Hoàng ngày nay, đối diện Tràng Tiền Plaza).


Mít tinh Tuần lễ vàng tại quảng trường Nhà hát Lớn HN 16/9/1945. Tòa nhà phía sau nay là Trung tâm giao dịch chứng khoán HN.


Mít tinh ở quảng trường Nhà hát Lớn HN 7/1954. Có lẽ là buổi mít tinh cuối cùng do chính quyền thân Pháp tổ chức trước khi rút đi.


Một cuộc mít tinh khác của Việt Minh cùng thời điểm 7/1954 tại Ngã tư Sở.

Hệ thống không gian công cộng vài thập niên nửa sau thế kỷ 20 được tiếp nối bằng hình thức lõi “vườn hoa - nhà trẻ - trường học” của các khu tập thể. Tuy nhiên, hình thức này mau chóng mất tính cộng đồng khi các khu tập thể biến dạng. Cho đến giờ, đại đa số các vườn hoa lõi này đã biến mất, do sức ép không gian sinh tồn, sự quản lý yếu kém và độ kém hấp dẫn, đơn điệu của bản thân các mô hình khu tập thể. Và dễ nhận thấy hơn cả, chúng không là điểm nhấn của cảnh quan, lạc khỏi dòng chảy vận động của đô thị, lâu dần đánh mất vai trò trung tâm quần cư.


Vườn hoa trong khu tập thể Giảng Võ năm 1989. (Ảnh của David Alan Harvey.)

Hãy nhìn vào hiện tượng người dân Hà Nội đổ xô về khu vực Hồ Gươm hay quảng trường Nhà hát Lớn những ngày lễ. Bên cạnh một thói quen và sức hút của khu trung tâm, thì điều này chứng tỏ sự thiếu hụt trầm trọng các không gian công cộng mở hấp dẫn. Sự thiếu hụt này được bù đắp bằng các trung tâm thương mại lớn có kèm các hệ thống vui chơi giải trí trong nhà. Những nơi này đóng vai trò không gian công cộng ở khía cạnh thỏa mãn nhu cầu về sức chứa, song không thay được nhu cầu các hoạt động tập hợp đám đông, các sự kiện văn hóa quy mô quảng trường. Chúng chỉ thuần túy thỏa mãn nhu cầu của bản thân tòa nhà, chỉ là không gian chức năng của tòa nhà lớn: các đại sảnh thông tầng, các khoảng lưu thông mặt tiền. Ngay chính các tòa tháp Vincom, Royal City cũng mang tính giải pháp tình thế khi nằm ở các con đường không dành sẵn quy hoạch cho chúng. Có thể kết luận: các công trình lớn như thế chỉ là điểm nhấn về độ cao, khối tích mà không tạo ra điểm nhấn cảnh quan của không gian công cộng. Chúng quá mức “dương” khi chiếm hết khoảng không đô thị.


Tắc đường ngày Tết ở gần gò Đống Đa, đoạn nhìn sang Đại học Thủy Lợi, khoảng năm 1990.
(Ảnh của David Alan Harvey.)

Giải pháp ở đây nhiều khi rất giản dị. Không gian công cộng cần những khoảng trống – những khoảng “âm” – tựa như một sân khấu mở, với những kiến trúc xung quanh quần tụ hướng tâm đóng vai trò các khán đài. Nó tái hiện lại nguyên tắc quảng trường cổ đại mà các quảng trường của các thành phố trên thế giới đi theo. Những không gian này cũng đòi hỏi các điều kiện mở về nghệ thuật cho các nghệ sĩ sáng tạo, trình diễn, tiện cho công chúng thưởng thức, gần gũi trao đổi thông tin với nhà quản lý, dễ dàng cho việc buôn bán, nghĩa là tính nhân văn của cộng đồng phải được đặt lên hàng đầu, bất luận quy mô nào. Một không gian công cộng đẹp sẽ mở đường cho các công trình kiến trúc đàn em đi theo./.

Nguyễn Trương Quý

(*) Các câu ca dao được trích trong các bài sau:

- Mồng một ăn Tết ở nhà
Mồng hai chơi điếm, mồng ba chơi đình
   Mồng bốn chơi chợ Quả Linh
Mồng năm chợ Trình, mồng sáu chợ Gôi
   Nghỉ ngày mồng bảy mà thôi
Ðến ngày mồng tám đi chơi chợ Viềng
   Chợ Viềng năm có một phiên
Cái nón em đội, cũng tiền anh mua.

- Rủ nhau xem cảnh Kiếm hồ
Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn
   Đài Nghiên, Tháp Bút chưa mòn
Hỏi ai gây dựng nên non nước này?

- Hà Nội như động tiên sa
Sáu giờ tắt hết đèn xa đèn gần
   Vui nhất có chợ Đồng Xuân
Mùa nào thức nấy xa gần đến mua...
(bốn câu đầu trong bài hát xẩm "Vui nhất có chợ Đồng Xuân").

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo