Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Góc nhìn “Đôi đũa lệch” trong công tác quản lý đầu tư xây dựng

“Đôi đũa lệch” trong công tác quản lý đầu tư xây dựng

Viết email In

Dù đã được “vẽ” lên bởi những mức đầu tư “khủng” nhưng không ít các dự án đầu tư xây dựng trọng điểm của nhiều thành phố, địa phương trên cả nước hiện nay lại bộc lộ nhiều sai phạm, yếu kém trong công tác quản lý, lựa chọn nhà thầu, đơn vị tư vấn giám sát. Điều đáng bàn là những sai phạm này chỉ được phát hiện khi có sự cố đáng tiếc xảy ra hoặc có sự vào cuộc của lực lượng thanh tra chuyên ngành. Không ít bài học, kinh nghiệm ngay sau đó đã được rút ra, song không hiểu vì “chây ì” hay “cố ý” mà sai phạm vẫn cứ tiếp diễn theo những “lối mòn”!


Cầu Nhật Tân (Ảnh: TL)

Trình độ, năng lực yếu kém

Chậm tiến độ, công tác thanh quyết toán kéo dài, nhiều công trình giao thông, thủy lợi vừa được đưa vào sử dụng đã bị hư hỏng nặng là thực tế cho thấy công tác quản lý đầu tư xây dựng trong những năm gần đây có quá nhiều lỗ hổng cần phải được xem xét, điều chỉnh. Những sai phạm trong công tác lập dự toán, quản lý chất lượng thi công công trình hay công tác nghiệm thu thanh toán đã trực tiếp gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án cũng như chất lượng, hiệu quả của dự án. Điều này cũng thể hiện, năng lực nhà thầu tư vấn và năng lực nhà thầu xây dựng hiện nay chưa thể đáp ứng được yêu cầu cả về chất và lượng.

Xin được nhắc lại câu chuyện về năng lực nhà thầu tại Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông qua nhiều sự cố đáng tiếc của Tổng thầu EPC Trung Quốc. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã thẳng thắn: “Tổng thầu EPC Trung Quốc thiếu năng lực, trách nhiệm, còn đơn vị tư vấn giám sát thì kém cỏi, vô cảm với tính mạng của người dân”.

Nhìn rộng ra mà nói, những hạn chế, sai phạm trong công tác quản lý đầu tư xây dựng không chỉ diễn ra mới đây mà nó đã phổ biến từ nhiều năm trước, vậy tại sao những nhà thầu có năng lực yếu kém vẫn có thể trúng thầu, thậm chí là những gói thầu lớn, trong khi mỗi lĩnh vực, ngành nghề đều có cục, vụ, đơn vị quản lý riêng.

Trao đổi về vấn đề năng lực nhà thầu, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường từng chia sẻ: Trong hồ sơ thầu ban đầu đáp ứng rất tốt về điều kiện tài chính, năng lực lẫn khả năng điều hành. Tuy nhiên, đến lúc tuyển các đơn vị tư vấn, giám sát thực hiện thì lại không có trình độ đáp ứng tương xứng. Như vậy, ở thời điểm xét thầu, các nhà thầu cơ bản đáp ứng được những mục tiêu đề ra, tuy nhiên, đến khi triển khai lại bộc lộ nhiều khuyết điểm, hạn chế.

Bị “nhắc nhở” nhưng vẫn tái diễn

Từ những biểu hiện yếu kém của đơn vị nhà thầu, nhà thầu phụ cũng như chủ đầu tư nên công tác lập dự toán, khảo sát thiết kế, tư vấn giám sát đều cho thấy những sai sót về chuyên môn, nghiệp vụ. Thực tế hiện nay, số lượng đội ngũ tư vấn giám sát mọc lên như nấm và không được kiểm soát chặt chẽ, thậm chí có những tỉnh có tới hàng trăm đơn vị tư vấn nhưng chất lượng hoạt động lại chẳng đáng là bao.

Đơn cử, trong công tác quản lý đầu tư xây dựng của Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP Hồ Chí Minh theo kết luận thanh tra số 276/KL-TTr, ngày 12/09/2014, mà cụ thể là Dự án công trình thủy lợi bờ hữu ven sông Sài Gòn huyện Củ Chi (từ tỉnh lộ 8 đến Rạch Tra). Tại gói thầu số 1, công tác lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế bản vẽ kỹ thuật thi công, dự toán chi phí xây dựng công trình có nhiều sai sót, làm tăng dự toán các gói thầu 1A lên tới hơn 13 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các đơn vị tư vấn thiết kế cũng không lập hồ sơ điều tra nguồn vật liệu phục vụ cho dự án như đá dăm, cấp phối sỏi đỏ…

Hay mới đây trong công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng của sở Giao thông Vận tải TP Hà Nội cũng cho thấy, nhiều “hạt sạn” trong công tác lập dự toán, quản lý chất lượng thi công và công tác nghiệm thu, thanh toán. Và cũng sau mỗi lần thanh tra, các kết luận thanh tra chuyên ngành đều nhắc nhở, rút kinh nghiệm nhưng những sai phạm tương tự thế lại vẫn cứ tiếp tục được tái diễn.

Có thể khẳng định, tại các dự án đầu tư xây dựng, vấn đề gây ra thất thoát lãng phí lớn nhất là do lực lượng tư vấn, đặc biệt là tư vấn thiết kế vận dụng định mức kinh tế kỹ thuật không hợp lý dẫn đến việc đội giá công trình lên cao. Từ đó, khiến cho chủ đầu tư phê duyệt cơ sở đấu thầu chưa hợp lý, gây thất thoát lãng phí vốn, ngân sách nhà nước.

Trao đổi về các giải pháp nhằm hạn chế thực trạng nêu trên, TS.Phạm Gia Yên, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết: Để giảm thiểu các sai phạm trong công tác quản lý đầu tư xây dựng, chúng ta cần phải chấn chỉnh, kiện toàn lại năng lực của đội ngũ tham gia hoạt động xây dựng, trong đó kể cả tư vấn thiết kế, các loại tư vấn thẩm định, nhà thầu thi công xây dựng nhằm đảm bảo đủ điều kiện năng lực, đủ thiết bị máy móc để thực hiện công việc theo yêu cầu. Thứ hai, rà soát, hoàn thiện, bổ sung hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật, hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật để đáp ứng kịp tình hình phát triển trên thực tế, tránh tình trạng máy móc hiện đại nhưng lại được sử dụng bởi hệ thống nhân công cũ, vì điều này sẽ khiến cho các công trình xây dựng bị đội giá lên rất nhiều.

TS.Nguyễn Quốc Hiệp, Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra Chính phủ cũng cho rằng: Giải pháp đặt ra lúc này là các cơ quan nhà nước, đặc biệt là các tỉnh, các sở khi chọn công tác thẩm định phải loại bớt các tổ tư vấn không đủ điều kiện, không đủ năng lực tham gia thiết kế, thẩm tra thẩm định. Có như vậy chúng ta mới hạn chế được những yếu kém về chuyên môn, nghiệp vụ của các đơn vị tư vấn.

Việc siết chặt các khâu trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng sẽ góp phần đưa các dự án được hoàn thiện đúng tiến độ. Thiết nghĩ, để các công trình được trường tồn cùng đất nước thì phía nhà quản lý phải có biện pháp đào thải những nhân tố yếu kém trong hoạt động đầu tư xây dựng ngay từ những khâu nhỏ nhất.

Kim Thoa (Báo Xây dựng)

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo