Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Góc nhìn Công trình Nhiêu Lộc - Thị Nghè: Sông Seine của Paris?

Công trình Nhiêu Lộc - Thị Nghè: Sông Seine của Paris?

Viết email In

Cách đây hơn 20 năm, những người sống ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè có nằm mơ chắc cũng không nghĩ có ngày mình được phóng xe máy hóng mát trên dòng kênh ô nhiễm nặng với các khu nhà ổ chuột hai bên. Khi đó, nói đến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, mọi người đều nghĩ ngay đến dòng kênh đen ngòm, đầy rác, lúc nào cũng bốc mùi hôi thối, tanh tưởi không những ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị mà còn tác động trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của khoảng 1,2 triệu người sống trong lưu vực kênh này.


Công trình kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sau khi được “thay da đổi thịt” sẽ lung linh vào ban đêm như sông Seine của Paris?
(Ảnh: Nguyễn Lương Hiệu)

Những ngày này, đi dọc hai tuyến đường Trường Sa và Hoàng Sa uốn lượn dọc dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, dễ dàng bắt gặp hình ảnh vào buổi sáng các cụ ông, cụ bà tập thể dục bên những bồn hoa vừa mới trồng và chiều đến, nhiều người dân thả bộ ra các cây cầu bắc ngang kênh để hóng mát.

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, còn được gọi tắt là kênh Nhiêu Lộc dài 10 km. Nguyên thủy kênh Nhiêu Lộc là một con rạch thiên nhiên, xuất phát từ gần sân bay Tân Sơn Nhất chảy ngoằn ngoèo qua các quận Tân Bình, 3, Bình Thạnh, 1 rồi đổ ra sông Sài Gòn ở vị trí gần xưởng đóng tàu Ba Son. Khi phát triển, phần đầu nguồn cứ bị lấp đi và thay bằng hệ thống cống ngầm, kênh Nhiêu Lộc chỉ còn lại đoạn từ cống Hộp (ngay đầu đường Út Tịch) đến cửa rạch Thị Nghè với tổng chiều dài khoảng 8,7 km.

Cũng như các kênh rạch khác ở nội thành, trước đây hai bờ kênh Nhiêu Lộc san sát dân ở và đại bộ phận là dân lao động nghèo khổ. Họ là những người thất cơ lỡ vận từ khắp nơi dạt về Sài Gòn kiếm sống. Không có chỗ ở phải tìm đến bên bờ kênh cắm cọc, lót sàn, che vách dựng tạm túp lều tá túc qua ngày. Mỗi nhà chỉ vài ba chục mét vuông, mái lợp tôn, giấy dầu, hay lợp lá. Vách thì dựng bằng ván tạp, lá dừa nước hay che tạm bằng tôn mỏng, bìa carton, nylon cũ,… miễn sao kin kín một chút là được. Trong những “căn nhà” ấy là năm bảy người, chục người chen chúc nhau sinh sống cùng mối, dán, chuột, bọ…

Ngày qua ngày mọi thứ sinh hoạt đều xả xuống kênh rạch. Dần dần bờ kênh đầy rác, nước kênh đen kịt, quánh đặc lại, hôi thối nồng nặc. Mà không phải chỉ có trên kênh, hai bờ kênh cũng hôi thối chẳng kém, mùi hôi thối còn lan xa hai ba trăm mét. Theo số liệu điều tra thì vào thập niên 90 của thế kỷ trước, dân số trên lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè là hơn 50.000 hộ. Dân số sống dọc kênh khoảng 1,2 triệu người.

Vấn đề nan giải này về mỹ quan đô thị, tính nhân văn với hơn triệu con người đã được giải quyết. Ấy là khi hệ thống công trình cải tạo kênh Nhiêu Lộc được Ngân hàng Thế giới tài trợ, Công ty Tư vấn CDM của Mỹ thiết kế để thay đổi diện mạo dòng kênh và cảnh quan xung quanh. Về kinh phí thì chỉ riêng hệ thống thu gom nước thải đã hơn 200 triệu USD và toàn bộ hệ thống phải trên 1 tỷ USD mới hoàn thiện.

Bên cạnh việc cải tạo cảnh quan cho dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, mục tiêu của dự án còn nâng cao năng lực giao thông, tạo thành hướng lưu thông theo trục Bắc - Nam, giảm bớt ùn tắc giao thông trên các tuyến đường: Lê Văn Sỹ, Cách Mạng Tháng Tám, Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Quan trọng hơn nữa, sau khi hoàn thành xong sẽ tạo mỹ quan đô thị, cảnh quan và không gian kênh Nhiêu Lộc sẽ bừng sáng.

Gần đây, tôi thấy rất nhiều đôi uyên ương dắt nhau ra kênh Nhiêu Lộc chụp ảnh cưới thay vì họ chỉ chụp ở Nhà thờ Đức Bà hay trước Nhà hát Lớn. Điều này có thể chứng minh rằng, công trình cải tạo kênh Nhiêu Lộc đã để lại ấn tượng trong lòng người dân TP.HCM và biết đâu sẽ trở thành một biểu tượng giống như sông Seine của Paris?

Đẹp & sang

Tôi nghĩ việc xây dựng Sài Gòn - TP.HCM nên dựa trên cái hồn là sự phóng khoáng, đa dạng (nơi đây sẵn sàng chấp nhận mọi khuynh hướng, phong cách...) - cũng chính là cá tính đặc trưng của dân Sài Gòn. Nhưng đi kèm, phải đẹp và sang.

Các công trình kiến trúc, xây dựng có từ hàng trăm năm của Sài Gòn, nhiều người đã biết rồi. Tôi chỉ nghĩ về thành tựu cải tạo, xây dựng TP.HCM 40 năm qua, cũng như nhiều người khác, tôi bỏ phiếu cho các công trình: kênh Nhiêu Lộc, khu đô thị Phú Mỹ Hưng, hai con đường Võ Văn Kiệt và Mai Chí Thọ (hai bên rạch Bến Nghé).
Những cái thấy không được thì nhiều, chúng làm Sài Gòn thấy xô bồ, nhếch nhác và quê mùa, thậm chí... trọc phú hơn.

Nhưng tôi không thuộc trường phái hoài cổ cực đoan, chống đối việc phá bỏ khu Thương xá Eden, cà phê Givral và mới đây là Thương xá Tax, tượng Trần Nguyên Hãn... Tôi cho rằng đó là cái giá của sự phát triển. Tôi chỉ chờ xem kết quả của nó.

Ngày nào tôi cũng đi qua hai con đường Trường Sa và Hoàng Sa. Nhớ tới kênh nước đen ngày nào ngập ngụa rác thải, giấy vệ sinh, mùi hôi, những túp nhà sàn mọc chen chúc lộn xộn với nắng chiếu lóa mắt trên những mái tôn... Giờ là thảm cỏ, vạt hoa, hòn non bộ, chỗ tập thể dục... Tôi thích nhất mấy cái băng ghế dài ngồi ngắm dòng nước trôi. Nhưng giá như đừng có những gã câu cá đứng câu ngay bên cạnh bảng cấm, giá như đừng có những quán nhậu nối nhau, giá như đừng có những ánh đèn đủ màu sến súa rẻ tiền trên những cây cầu mới làm lại... thì công trình kênh Nhiêu Lộc sẽ đẹp hơn.

KTS Nguyễn Hữu Khiêm / Hoàng Nhân ghi (Thể thao & Văn hóa Cuối tuần)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo