Đô thị Hải Phòng đã tồn tại và phát triển hơn 100 năm, với các di sản kiến trúc tiêu biểu là các khu phố cũ quy hoạch theo ô bàn cờ được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Đô thị này được hình thành mang ý chí cực đoan của người Pháp và nét cực đoan này chính là bản sắc riêng cho đô thị Hải Phòng khi người Pháp đã khéo tạo dựng cho Hải Phòng một con kênh vắt ngang thành phố vốn đã đầy ắp hơi thở của biển và sông nước này đó chính là kênh Bonal, tên của đặc mệnh toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ; đồng thời tạo cho đô thị này nét cân bằng về phong thủy trên bến dưới thuyền kẻ bán người mua, dọc theo sông Lấp - con sông đào nối sông Tam Bạc với sông Cấm. Diện mạo kiến trúc đô thị Hải Phòng được phân chia khu vực khá rõ ràng về phong cách kiến trúc.
Tuy nhiên Hải Phòng được hình thành trên miền đất cổ, với nền tảng lịch sử, văn hóa - xã hội lâu đời. Phần lớn vùng đất Hải Phòng ngày nay thuộc trấn Hải Dương và một phần thuộc trấn Quảng Yên xưa. Do được xây dựng trong thời kỳ đầu khi người Pháp đặt chân lên Hải Phòng và tác giả đều là các kỹ sư công binh Pháp nên các công trình theo phong cách thực dân tiền kỳ mang những nét đặc trưng hết sức đơn giản. Trên thực tế xây dựng tại khu phố cũ, phong cách địa phương Pháp được thể hiện ở các công trình nhà ở do tâm lý “vọng quê” của các chủ nhà người Pháp và ở các công trình công cộng thời bấy giờ. Nó được chia làm hai phong cách: Miền Bắc và miền Tây nước Pháp, miền Trung và Tây Nam nước Pháp. Các phong cách này chủ yếu thể hiện ở các biệt thự hoặc biệt thự kết hợp công sở (nửa công sở) và các trường thời Pháp. Hệ cuốn vòm gạch và trụ gạch phía bao quanh nhà theo hệ thống hành lang. Các gờ tường phào, lan can rất đơn giản. Đặc biệt là khu phố Pháp, các công trình công cộng tập trung tại các khu phố nằm hầu hết trên địa bàn quận Hồng Bàng, các tuyến phố Đinh Tiên Hoàng, Minh Khai, Hoàng Văn Thụ, Hồ Xuân Hương, Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương…; một phần nhỏ khác nằm trên địa bàn quận Ngô Quyền và Lê Chân.
Trong buổi đầu hình thành và phát triển Hải Phòng được quần tụ trên 4 đoạn sông chảy qua địa phậnQ.Hồng Bàng. Quận Hồng Bàng có hai con sông tự nhiên (sông Cấm, sông Tam Bạc) và hai con sông nhân tạo (sông Hạ Lý, sông Lấp) không chỉ có vị trí quan trọng về phát triển kinh tế mà còn là điểm thu hút dân cư tới lập nghiệp. Vì thế, Giăng Ron - kỹ sư thủy văn Pháp đã nhận xét “Đó là nguồn gốc của Hải Phòng”.
Hải Phòng đã từng là một trong số ít thành phố quan trọng bậc nhất Việt Nam dưới thời Pháp thuộc, vì nó là đầu mối giao thông với cảng biển lớn. Cũng như Hà Nội, Sài Gòn, đô thị Hải Phòng in đậm dấu ấn quy hoạch, kiến trúc của người Pháp, dẫu ngày nay đã có nhiều phôi phai. Nói như ông Nguyễn Tác Nghiệp - Giám đốc Trung tâm Tư vấn Thiết kế Xây dựng (Sở Xây dựng Hải Phòng): Sự mất đi chiếc cầu Karoong, kênh Bonal năm nào và những biệt thự cổ đã làm thiếu vắng đi nhiều những gần gũi thân thương của Hải Phòng xưa. Nhưng đâu đó vẫn là những không gian đô thị, công trình kiến trúc mang dấu ấn từ thời thuộc địa, những công trình cũ gợi nét u hoài; mà tiêu biểu là ở khu vực trung tâm - quận Hồng Bàng và các quận Lê Chân, Ngô Quyền.
Phố Lý Thường Kiệt vốn là một trong những khu vực thương mại sầm uất bậc nhất của Hải Phòng thời Pháp thuộc. Những nét độc đáo về kiến trúc cổ của khu phố thậm chí vẫn còn lưu giữ tới tận ngày nay. Cũng như khu phố cổ trên Hà Nội, người dân thành phố Cảng tự hào có phố Lý Thường Kiệt được mệnh danh là phố cổ đất Hải Phòng... Phố Lý Thường Kiệt hiện nay gồm 2 phố thời Pháp thuộc gộp lại: Phố Comméc (Rue de Commerce) nghĩa là phố buôn bán, thường được gọi là phố Bati và phố Sinoa. Từ năm 1954 phố mang tên Lý Thường Kiệt. Đứng từ phía cầu Lạc Long nhìn vào phía sau phố Lý Thường Kiệt sẽ thấy những mái nhà lợp ngói âm dương của Hoa kiều. Có thể nói đây là “phố cổ” của Hải Phòng xưa, xuất hiện cùng với buổi đầu ra đời của thành phố. Đây là nơi buôn bán sầm uất với những hiệu bán vải, len dạ, tơ lụa, giầy mũ… những hãng Tân Phúc Hòa làm xà phòng và giầy vải, giầy thể thao, các hiệu vải len dạ Ích Thành, Ích Đại, Mỹ Lợi, Tân Hưng… đặc biệt, phố tập trung hầu hết các tiệm vải của những người Ấn Độ tới Hải Phòng buôn bán. Ngày nay, đây vẫn là một phố buôn bán khá nhộn nhịp. Vị trí của phố thuận tiện cho việc buôn bán, gần sông Tam Bạc lại gần chợ Trần Quang Khải, chợ Tam Bạc, chợ Đổ, chợ Sắt...
Thanh Huyền (Báo Xây dựng)
- Không gian nào để thở
- Nhà sử học Dương Trung Quốc và ký ức về Tết Xưa ở Hà Nội
- Những công trình mang dấu ấn ông Nguyễn Bá Thanh
- Bình Dương: Đất lành "hút" nhà đầu tư
- Chia tay những hàng cây
- Hà Nội luẩn quẩn với xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo
- TPHCM: Nỗ lực phát triển đô thị văn minh, hiện đại
- Việt Nam có nhiều đất đô thị hơn Hàn Quốc, Thái Lan
- Công trình Nhiêu Lộc - Thị Nghè: Sông Seine của Paris?
- Kiến trúc TP.HCM nhìn từ những công trình tiêu biểu: Dấu ấn thời Pháp thuộc