Ashui.com

Thursday
Nov 28th
Home Tương tác Góc nhìn Bao giờ khảo cổ hết Hoàng thành?

Bao giờ khảo cổ hết Hoàng thành?

Viết email In

PGS.TS Tống Trung Tín nói vui, với tốc độ hiện nay, chúng ta mất cả thế kỷ nữa mới khai quật xong Hoàng thành. Ông và các nhà khoa học đưa nhận xét sơ bộ về kết quả khai quật thăm dò khu vực chính Điện Kính Thiên năm 2014, diễn ra sáng 16/12 tại Hoàng thành.

Xác định rõ dấu tích kiến trúc Trục trung tâm

Trước khi báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thăm dò khu vực chính Điện Kính Thiên năm 2014, PGS.TS Tín cầm loa dẫn đoàn chuyên gia, phóng viên tham quan ba hố khai quật tổng diện tích 1.000 m2. Với diện tích khai quật khiêm tốn như thế này, chắc thế kỷ nữa mới khảo cổ hết - ông đùa. Diện tích cả khu lên đến 130.000 m2!

  • Ảnh bên: Hố khai quật khu vực Đoan Môn phát hiện nhiều dấu tích thời Lê: gạch vuông lớn lát trên nền sét vàng, móng trụ ngói, ba cống nước. (Ảnh: T.Toan)

So với những lần khai quật trước, đây là lần đầu tiên các nhà khoa học và khảo cổ xác định tầng văn hóa đầy đủ nhất có niên đại kéo dài từ thế kỷ 8-9 cho đến nay. Đây cũng là lần đầu tiên xác định các dấu tích kiến trúc ở Trục Trung tâm có niên đại kéo dài từ thời Lý đến thời hiện đại, trước đó chỉ khẳng định được từ thời Lê. Cuộc khai quật này đã làm xuất lộ bốn dấu tích kiến trúc lớn thời Lý như móng kiến trúc ba hàng cột, móng tường, sân gạch đỏ và đặc biệt là đường nước rất lớn.

Khu vực khai quật có quá nhiều di tích chồng xếp, đan xen, cắt phá lẫn nhau. Phần diện tích đã khai quật mới chỉ chiếm một phần nhỏ, tuy nhiên phát hiện những dấu tích sân Đại Triều mà trước chỉ dám khẳng định thuộc thời Lê sơ, nay có thể chắc là thời Lê Trung Hưng. Chúng tôi tiếp tục thấy đường nước thời Trần nằm đè lên móng trụ sỏi thời Lý. Tường bao thời Trần song song với tường phát hiện năm trước, làm cho dấu tích thời Trần càng khó hiểu hơn. Kết quả cho thấy móng và tường thời Lê sơ, Lê Trung Hưng với kỹ thuật xây dựng phức tạp”, ông Tín nói.

Theo GS Phan Huy Lê, kết quả năm 2014 bổ sung nhiều và đính chính nhiều nhận thức trước đó về khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Kết quả khảo cổ sơ bộ này có thể kết hợp với các phương pháp sử học, địa lý, khoa học tự nhiên để nhận thức rõ ràng hơn về dấu tích của Hoàng thành. Về đường nước thời Lý - Trần phát lộ, nhiều người đặt giả thiết để thoát nước, nhưng ông cho rằng nó mang tính phong thủy nhiều hơn, bởi trong khu cấm thành ít khi làm đường thoát nước lộ thiên đơn giản như thế.

Ngoài các dấu tích, các nhà khảo cổ thu được rất nhiều hiện vật, trong đó có hiện vật bằng vàng hình rồng cuộn tròn, có trang trí hoa sen có thể dùng đính vào mũ vua, hoặc trang trí-chứng tỏ dấu ấn các vương triều. Phát hiện được cả trâm cài trong tầng văn hóa Trần, đĩa gốm thời Trần, gạch khắc chữ Hán thời Lê sơ, ngói men xanh, vàng thời Lê sơ.

Thách thức bảo tồn

Hà Nội trình dự án hoàn trả không gian Điện Kính Thiên

Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cho biết, cuối tuần này sẽ báo cáo thành phố đề án nghiên cứu hoàn trả không gian Điện Kính Thiên. Nếu đề án được thông qua, mỗi năm các nhà khai quật có thể thăm dò tới 5.000 m2. Sắp tới, các chuyên gia cũng có hội thảo đánh giá sau 5 năm Hoàng thành Thăng Long được công nhận Di sản thế giới, đề ra phương hướng bảo tồn, phát huy trong tương lai.

Diện tích khai quật còn hạn chế, nhưng bước đầu lộ ra không gian chính Điện Kính Thiên thời Lê sơ và Lê Trung Hưng, cùng một phần vết tích thời Lý, Trần. Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định chưa thấy rõ được bố cục của kiến trúc thời Lý, Trần ở đây. “Chúng tôi kiến nghị mở rộng các hố khai quật về phía Đông nối tiếp các hố đào năm 2012-2013 để tìm hiểu các dấu tích kiến trúc các thời kỳ, đặc biệt Lý - Trần trong đó có dấu tích cổng thời Lý ở chính giữa Đoan Môn”, ông Tín nói.

Các hố khai quật rất khó có thể kết nối với nhau, tương lai chúng ta có thể khai quật rộng hơn để bao quát”, PGS.TS Lâm Mỹ Dung nói. Điều này được PGS.TS Tín nói ngay tại hố khai quật, như ma trận rất khó nhận biết ngay cả với các nhà khảo cổ không trực tiếp làm. Còn GS Nguyễn Quang Ngọc - người vô tình nhặt được đồng tiền cổ khi tham quan hố khai quật - thậm chí đề xuất “đi đến cùng, khai quật diện tích lớn và đào đến tầng sinh thổ để phát lộ kết quả chính xác, tránh mang tính chẩn đoán nhiều như hiện nay”. Các nhà khảo cổ cũng than, vì các hố khai quật diện tích nhỏ, lại phải tránh hết cây rồi các công trình hiện đại phía trên.

TS Nguyễn Hồng Kiên, thành viên đoàn khai quật nói rằng, đào theo kiểu giải phóng mặt bằng sẽ kiến giải toàn bộ, nhưng khảo cổ đối với di sản thế giới đòi hỏi hết sức thận trọng.

Yêu cầu của chúng ta không phải là giải phóng mặt bằng mà vừa khai quật vừa bảo tồn. Khai quật đến đâu bảo tồn đến đó. Với di tích phức hợp chồng lên nhau thì vừa khai quật và bảo tồn - các nhà khảo cổ học Việt Nam phải tìm ra lời giải, có thể tìm chỗ nào không có giá trị tầng trên để đào sâu đến tầng dưới. Điều mong muốn nhất không chỉ làm rõ các tầng văn hóa, mà quan trọng hơn phải giải quyết hai vấn đề cơ bản: Trung tâm cấm thành ở đâu, giải đáp trên cơ sở khoa học để làm rõ mối tương quan giữa trục Trung tâm và khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu. Thứ hai là phải nhận thức toàn diện, cụ thể cấu trúc của Trung tâm Hoàng thành. Kết quả thu được mới là những viên gạch đầu tiên”, GS Phan Huy Lê kết luận.

(Tiền Phong)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...