Ashui.com

Saturday
Nov 30th
Home Tương tác Góc nhìn Giải pháp nào cho tuyến phố đi bộ đạt hiệu quả?

Giải pháp nào cho tuyến phố đi bộ đạt hiệu quả?

Viết email In

UBND TP Hà Nội gần đây triển khai không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận từ 19h00 thứ Sáu đến 24h00 Chủ Nhật hàng tuần. Đó là một chủ trương tốt, đúng đắn và rất cần thiết để hướng tới Thủ đô xanh, sạch, đẹp và bền vững.  

Tuy nhiên, do mới thực hiện nên cũng gặp phải nhiều trở ngại và khó khăn. Để việc thực hiện được hiệu quả hơn, cần tính đến những yếu tố sau đây: 

Tiếp tục phát huy nỗ lực của lực lượng chức năng


Không gian phố đi bộ mỗi dịp cuối tuần đã khá quen thuộc với cư dân và du khách đến Thủ đô.
(Ảnh: Internet) 

Thời gian vừa qua, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội, công tác chốt trực trong thời gian thực hiện phố đi bộ, đơn vị đã bố trí 75 vị trí chốt phối hợp với lực lượng CSGT phân luồng hướng dẫn giao thông tại các nút giao thông có nguy cơ ùn tắc giờ cao điểm trên địa bàn Thành phố. Tăng cường bố trí lực lượng chốt trực tại 18 vị trí (huy động 54 lượt người/ngày) phối hợp với lực lượng CSGT – Công an phường, Công an quận Hoàn Kiếm và chính quyền địa phương phân luồng hướng dẫn giao thông, chống ùn tắc giao thông đảm bảo tuyệt đối trật tự, ATGT phục vụ nhân dân trên tuyến phố đi bộ. 

Đội trật tự, Cơ động và GTVT Đường bộ phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý và giải tỏa vi phạm về trật tự đô thị, vệ sinh môi trường đặc biệt các trường hợp kinh doanh buôn bán lấn chiếm lòng đường, hè phố; các cá nhân, tổ chức trông giữ phương tiện không phép, sai phép, thu quá giá vé theo qui định; các phương tiện dừng, đỗ sai qui định gây mất trật tự, ATGT; xử lý xe taxi dù, taxi gian lận cước của khách hàng dưới mọi hình thức…

Thanh tra GTVT phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng chức năng rà soát, kiểm tra các điểm trông giữ phương tiện trên các tuyến phố phụ cận yêu cầu chấp hành tốt qui định của trông giữ phương tiện, không vi phạm trông giữ sai phép, trông quá diện tích cho phép; thu quá giá vé theo qui định.

Các lực lượng chức năng thời gian vừa qua đã thực hiện rất tốt vai trò của mình. Đây là hành động kịp thời, nỗ lực lớn của các lực lượng và cơ quan chức năng. Cần tiếp tục phát huy, cần sự đoàn kết hơn nữa, phối hợp nhịp nhàng và hiệu quả hơn nữa để đạt được mục tiêu đề ra.

Đây là một công tác khá vất vả, yêu cầu sự kiên nhẫn, khôn khéo để hòa giải các bên liên quan. Vì vậy, nhằm phát huy hết sức mạnh, chính quyền cấp cao cần có chế độ khen thưởng kịp thời, biểu dương công khai thành tích và công sức của từng cá nhân, tập thể đóng góp. Giá trị nội dung về mặt kinh tế trong khen thưởng có thể còn nhỏ nhưng về mặt tinh thần, việc khen thưởng này có tác dụng rất lớn.

Không nên quá cứng nhắc trong xử phạt

Thông tin từ Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, từ ngày 29/8 đến 11/9, lực lượng Thanh tra GTVT đã kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính 44 trường hợp, phạt 123.850.000 đồng, tạm giữ 4 phương tiện xe taxi, tước giấy phép lái xe 6 trường hợp. Trong đó xử lý 1 trường hợp cá nhân vi phạm chiếm dụng lòng đường trông giữ phương tiện; 1 trường hợp lấn chiếm lòng đường, hè phố kinh doanh buôn bán; 1 trường hợp thi công đào hè đường; 2 trường hợp xe taxi không phù hiệu, 39 trường hợp phương tiện dừng đỗ sai qui định.

Việc xử phạt là điều cần thiết để răn nghiêm vi phạm. Có thể nói xử phạt vi phạm là nội dung rất quan trọng của hoạt động quản lí đô thị nói chung và tuyến phố đi bộ nói riêng. Một trong những điều kiện đảm bảo trật tự đô thị chính là thực hiện có hiệu quả hoạt động xử phạt vi phạm.

Tuy nhiên, việc áp dụng tuyến phố đi bộ là điều mới mẻ. Điều này tác động đến không nhỏ một bộ phận công chúng, đặc biệt là những hộ dân sinh sống kinh doanh trong khu vực tuyến phố đi bộ và những tuyến giao thông có liên quan. Chính vì thế, việc xử phạt cũng cần linh hoạt, tránh quá cứng nhắc để gây ra sự thù oán, trách cứ từ người vi phạm.

Để việc xử phạt không mang lại sự tiêu cực trong cộng đồng cần phải hoàn thiện hơn hệ thống xử phạt. Để khắc phục những hạn chế, những khiếm khuyết, vấn đề đặt ra là phải sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện những quy định về xử phạt vi phạm tại khu vực này.

Huy động sự tham gia của cộng đồng


Nghệ thuật truyền thống được trình diễn tại một góc phố đi bộ. (Ảnh: Đặng Tuấn Trung) 

Dù có nỗ lực bao nhiêu thì “sức người có hạn”, chỉ có một số ban ngành và lực lượng chức năng tham gia thì không thể đủ để đối mặt giải quyết với nhiều vụ việc như thời điểm hiện nay. Vì thế, nên huy động toàn bộ lực lượng có thể từ các cơ quan đoàn thể, hội phụ nữ, thanh niên xung phong, vũ trang, hội người cao tuổi…. để cùng tham gia góp sức vào chủ đề này. 

Huy động sự tham gia của cộng đồng và đánh cao sự cống hiến tham gia này của họ. Hãy cho họ những phương tiện và giúp họ hành động một cách linh hoạt. Chia nhỏ các vấn đề cần giải quyết, phân công từng nhóm cho cộng đồng tham gia. Ví dụ nhóm người cao tuổi thì giao cho nhiệm vụ đôn đốc vận động người tham gia đi bộ trên các tuyến phố thực hiện giữ gìn vệ sinh, nhóm thanh niên tham gia vào giữ trật tự giao thông các tuyến phố. …


Một góc nhìn về phố đi bộ. (Ảnh: Ly Thang Nguyen)

Tạo dựng niềm tin của những người tham gia bằng cách cụ thể hóa những thành quả đầu tiên đã đạt được. Xây dựng từng nấc thang trong phát triển niềm tin và sự tâm huyết tham gia của cộng đồng để khiến họ tự nguyện tham gia. Nếu cần, có thể dành riêng thời gian tập huấn trực tiếp nhằm nâng cao năng lực cộng đồng, lồng ghép các nội dung nhấn mạnh chủ trương và lợi ích của các tuyến phố đi bộ. Trong quá trình này, cần mở rộng thành viên, những nhóm lợi ích mới quan tâm, phát huy liên kết năng lực giữa các nhóm lợi ích khác nhau nhằm thực hiện cam kết, nâng cao trách nhiệm, tạo ra niềm vui từ công việc!

Truyền thông


Trò chơi dân gian tại phố đi bộ. (Ảnh: Tien Tien) 

Truyền thông là yếu tố quyết định cho hiệu quả của các tuyến phố đi bộ. Bất cứ một sự thay đổi nào cũng cần phải vận động và thời gian thuyết phục. Chính quyền địa phương tuyên truyền một vài lần thì chưa thể đủ. Ngoài tuyên truyền miệng, loa đài, cần có những dự án nho nhỏ như quyển sách, câu chuyện kể về tấm gương tốt trong đô thị, về lợi ích lâu dài của các tuyến phố đi bộ. 

Truyền thông kêu gọi sáng kiến cho thành phố cũng là điều vô cùng tốt mà ở nhiều nước trên thế giới đã ứng dụng thành công. Tổ chức các cuộc họp lấy ý kiến cộng đồng, tuyên truyền rộng rãi ở tất cả các cấp, từ trường học đến bộ máy cao nhất cùng tham gia, từ báo đài, truyền hình và các mạng xã hội.

Tuyên truyền từ cấp độ nhỏ đến cấp độ lớn tạo ra thói quen tốt cho cộng đồng. Không thể kỳ vọng “sau một đêm” mà thay đổi nhận thức người dân mà cần một quá trình, một kế hoạch, chiến lược mới có thể đạt tới mục tiêu.

Khánh Phương 
(Báo Xây dựng)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...