Ashui.com

Saturday
Nov 30th
Home Tương tác Góc nhìn Muốn xanh, phải xanh từ chất xám và thái độ

Muốn xanh, phải xanh từ chất xám và thái độ

Viết email In

Lâu nay, các cụm từ công trình xanh, kiến trúc xanh, thành phố xanh, tiết kiệm năng lượng… hay được dùng đến nhưng chẳng mấy người quan tâm áp dụng. 

Cứ hỏi các ông chủ tòa nhà xem họ có bản mô hình năng lượng công trình hay không là biết. Không có nó, các chủ tòa nhà không thể ghi nhận được mức độ tiết kiệm chi phí, nên nếu họ có nói cũng chỉ là những con số ước đoán," chuyên gia vật lý công trình và mô phỏng năng lượng Trần Thành Vũ chia sẻ. 

Mô hình năng lượng công trình (Building Energy Modeling - BEM) là việc dùng các phần mềm máy tính để mô phỏng một tòa nhà, tập trung vào vấn đề tiêu thụ năng lượng, chi phí năng lượng và chi phí vòng đời liên quan đến các hệ thống tiêu thụ năng lượng khác nhau như điều hòa không khí, chiếu sáng và cung cấp nước nóng.  


Tìm được tòa nhà ở TP.HCM có bản mô hình năng lượng công trình xem ra là khó.
(Ảnh: Ashui.com) 

Theo ông Trần Thành Vũ, cũng là một người giảng dạy trong Chương trình năng lượng sạch Việt Nam (VCEP) được Cơ quan Phát triển quốc tế của Mỹ (USAID) tài trợ, rất ít kiến trúc sư Việt Nam hiểu và sử dụng BEM cũng như mô hình thông tin xây dựng (Building Information Modeling - BIM) khi thiết kế các công trình. 

Kiến trúc sư phải là tổng hợp tinh hoa của họa sĩ, kỹ sư và nhà kinh tế. Nếu các kiến trúc sư trẻ Việt Nam không trang bị các công cụ BEM, BIM, họ sẽ bị tụt hậu so với các đồng nghiệp khu vực. Cộng đồng kinh tế ASEAN mở cửa cuối năm 2015 cho phép 8 nghề được tự do dịch chuyển làm việc trong khu vực Đông Nam Á, một trong số đó là kiến trúc sư”, ông Vũ nhận xét.

Nói chuyện với những đồng nghiệp trẻ ở TPHCM ngày 9/11, kiến trúc sư người Mỹ Joseph Deringer cho biết 70% tòa nhà cao tầng ở Mỹ áp dụng các giải pháp thiết kế tiết kiệm năng lượng. Trong một đội thiết kế công trình cao tầng bao giờ cũng có ít nhất 5 bộ phận đi xuyên suốt toàn bộ quá trình thực hiện dự án: kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng, kỹ sư chiếu sáng, kỹ sư điều hòa và kỹ sư mô phỏng công trình. Với bất kỳ thay đổi nào về kiến trúc, kết cấu, vật liệu… các nhóm trên cũng phải ngồi với nhau tính toán. 

Còn ở Việt Nam thì theo ông Vũ, "có nhiều công trình, kính chắn sáng còn chưa quyết định lắp loại nào mà sơ đồ và chủng loại điều hòa đã lên sẵn, trang bị thừa công suất nên rất lãng phí. Kiến trúc sư nhiều người không rành về thông khí, điều hòa nên không thể chủ trì được công việc."

Theo ông Deringer, ở Mỹ có hiệp hội nghiên cứu tiết kiệm năng lượng cho các công trình, họ xây dựng các quy chuẩn. Đến khi chính phủ bỏ vốn xây dựng các công trình công, chính phủ còn ép các kiến trúc sư thiết kế tiết kiệm năng lượng vượt các quy chuẩn có khi lên tới 30%. Với các công trình tư, chính phủ có nhiều hình thức khuyến khích chủ đầu tư xây dựng công trình tiết kiệm năng lượng.

Việt Nam cũng ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả” là QCVN 09:2005 rồi QCVN 09:2013 nhưng chẳng mấy công trình tuân thủ các quy chuẩn này, theo ông Vũ. 

Với các chủ đầu tư tư nhân, tiết kiệm năng lượng cũng là điều họ quan tâm, vì đó là túi tiền của họ. Nhưng muốn có công trình tiết kiệm năng lượng thì chi phí đầu tư ban đầu phải lớn, điều này khiến họ phân vân. “Một công trình có thời hạn sử dụng 50 năm, đầu tư xây dựng theo mô hình tiết kiệm năng lượng, sau 10 năm, số tiền từ tiết kiệm năng lượng đủ hoàn lại số tiền đội lên do việc dùng vật liệu tốt thì đó là điều nên làm. Nhưng vấn đề là nhiều ông chủ không nghĩ đến việc sử dụng ngần đó năm, mà nghĩ đến việc sang tay cho người khác sau ít năm”, ông Vũ nói. 

Đinh Hiệp 
(TBKTSG)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...