Cứ ngỡ là việc ngập lụt như hiện nay ở TP.HCM là do trời định, nhưng cứ đọc lại những gì mà các nhà khoa học đã phân tích thì lại hóa ra “người định”.
Hôm vừa rồi, sau khi Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, Chủ tịch TP Nguyễn Thành Phong cùng các ban ngành có buổi làm việc với Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình về công tác cải cách hành chính xong đến 18h thì trời mưa to. Mọi người kêu rằng thế nào trụ sở UBND TP cũng sẽ ngập.
Chánh văn phòng UBND TP chia sẻ: “Thế nhưng, thật ra vị trí này người Pháp đã chọn rất tài, mưa cỡ đó mà chỉ dâng lên chút xíu rồi rút sạch, còn chỗ khác thì ngập nặng. Cái đó cũng là cái dở của mình so với những người đi trước”.
Vậy những người đi trước hơn những người đi sau ở chỗ nào nhỉ?
Nghe nói, theo KTS Lê Đình Quang, thực tế lâu nay, TP.HCM quá chú trọng vào giải pháp chống ngập bằng cách tạo độ chênh cốt nền để thoát nước từ nơi cao xuống nơi thấp. Cách thức phổ biến hiện nay là “ngập đâu, nâng đó”. Đường ngập thì nâng đường, hẻm ngập thì nâng hẻm, nhà ngập thì nâng nhà… Cho nên, mới xảy ra hiện tượng hết ngập ở khu này (nâng cao) thì phát sinh ngập ở khu khác (bị thấp hơn khu mới nâng).
Ông từng khuyên rằng, cuộc đua nâng đường, nâng hẻm, nâng nhà nếu cứ thế tiếp diễn thì ngập sẽ hoàn ngập. TP.HCM nên học cách chống ngập lụt đô thị Tokyo của người Nhật, đó là xây hồ chứa nước mưa lớn và sâu dưới lòng đất ở vùng ngoại ô (thông với sông chảy qua TP). Khi có mưa, lũ toàn bộ lượng nước sẽ đổ về hồ này và thoát ra sông…
Một số chuyên gia quy hoạch khác lại phân tích, địa hình Sài Gòn thấp dần từ Bắc xuống Nam và từ Tây sang Đông. Thấp nhất là nơi tiếp giáp sông Đồng Nai và sông Sài Gòn (Nhà Bè) trước khi đổ ra biển. Do vậy, từ thời Pháp thuộc, các nhà quy hoạch bỏ ngỏ vùng phía Nam Sài Gòn và định hướng đô thị Sài Gòn chỉ phát triển về phía Bắc - Đông Bắc (vùng cao) để tránh ngập lụt.
Tuy nhiên, những năm gần đây, TP.HCM phát triển theo hai hướng chính là hướng Đông và hướng Nam (tiến ra biển) và hai hướng phụ là Tây - Bắc và hướng Tây, Tây - Nam (theo Đồ án quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2025)...
Ấy đấy, người đi sau hóa ra cũng không khỏi kém cỏi quá! Nhưng không hiểu sao họ cứ tự mình siết cổ mình mà lại bảo là trời định. Ngỡ tưởng là việc ngập úng hiện nay ở Sài Gòn là bất khả kháng, hóa ra, như vị Chánh văn phòng UBND TP.HCM nhận xét: “Cái đó cũng là cái dở của mình so với những người đi trước”.
Nguyễn Hoàng Linh
(Báo Xây dựng)
- Giải pháp nào cho tuyến phố đi bộ đạt hiệu quả?
- Xây dựng đô thị thông minh hãy bắt đầu từ dân
- Chống lũ: bao nhiêu nhà phao cho đủ?
- “Hà Nội một thời” qua góc nhìn của nhà ngoại giao Anh John Ramsden
- Tuyến phố đi bộ ở Hà Nội – điều tất yếu cho chất lượng cuộc sống
- Ngập nước có thể thay đổi tâm lý mua nhà của người Sài Gòn
- Di cư từ nông thôn ra thành thị ngày càng mạnh
- Hà Nội và nỗi lo thế kỷ
- Để giải bài toán “đánh đổi”
- Chính phủ “kiến tạo phát triển” và phép thử Hoa Sen