Ashui.com

Saturday
Nov 30th
Home Tương tác Góc nhìn Nỗi buồn nơi đô thị...

Nỗi buồn nơi đô thị...

Viết email In

Tin rạp chiếu phim Cinematheque tại 22A Hai Bà Trưng (Hà Nội) sắp phải đóng cửa, nhường chỗ cho một trung tâm thương mại lớn với bốn tầng hầm, sáu tầng nổi sắp mọc lên cứ khiến tôi buồn và băn khoăn rất nhiều. 

Thực tế thì cùng với sự bành trướng của các tổ hợp giải trí mua sắm - ẩm thực - vui chơi - rạp chiếu phim được đầu tư bởi các doanh nghiệp có tiềm lực vốn lớn, thị phần của các rạp chiếu nhỏ dần teo tóp là điều dễ hiểu. Năm ngoái, cùng vào khoảng thời gian này, một rạp chiếu phim gắn bó không ít với quãng đời sinh viên của tôi là rạp Dân chủ cũng đã phải nói lời tạm biệt với những người yêu phim Hà Nội.  


(ảnh: VietNamNet) 

Chuyện kinh doanh làm ăn, được thì mở rộng, lỗ thì đóng cửa, là điều hết sức bình thường. Thế nhưng Cinematheque có điểm rất đặc biệt, hoàn toàn khác với các rạp chiếu mang tính thương mại ở chỗ nơi đây chủ yếu chiếu các bộ phim mang tính nghệ thuật (art-house) - dòng phim vốn rất kén khán giả. Rạp phim hoạt động theo hình thức câu lạc bộ, có thu quỹ ủng hộ chiếu phim chứ không bán vé. Đây cũng là không gian văn hóa thường được giới thiệu cho khách du lịch nước ngoài mỗi khi đến Hà Nội. Mất đi Cinematheque, Hà Nội sẽ thiếu đi một nơi kết nối những người yêu điện ảnh đúng nghĩa, thiếu nơi để chiếu và bàn luận về những bộ phim nghệ thuật kinh điển không phải ai cũng xem được nhưng nếu đã mê rồi thì sẽ lưu lại mãi trong tim. Một không gian chứa đựng nhiều giá trị tinh thần như thế đôi khi khó định giá được bằng tiền! 

Nhìn rộng ra, quanh những thành phố ngày càng chật chội với nhà cao tầng, trung tâm mua sắm mọc lên như nấm, thật là khó để tìm thấy một nơi yên bình, giúp ta thư giãn và sống chậm lại. Tôi rất tâm đắc với ý kiến của một cô bạn trên Facebook, rằng: “Giữa thời buổi bon chen và công nghiệp hóa hiện nay, nghệ thuật và tinh thần sao mà quá yếu ớt! Rồi đây, bọn trẻ lớn lên trong các ngõ ngách của trung tâm thương mại, cái mùi ám ảnh của tuổi thơ chắc chỉ còn là mùi đồ đông lạnh, mùi mỹ phẩm, mùi bỏng ngô và cô-ca trong phòng chiếu... Khi kinh nghiệm sống và kỷ niệm sống bị giới hạn trong những tòa cao ốc, các con sẽ lớn lên với tầm nhìn và tư tưởng như thế nào về cuộc đời?”.

Khi mà tâm trí con người được lấp đầy chỉ toàn bằng quần áo, giày dép, túi xách, nước hoa, thức ăn nhanh... trong những tòa nhà hiện đại, sáng loáng những ô kính màu nhưng hoàn toàn vô hồn và trống rỗng thì liệu có còn không gian nào cho những giá trị nghệ thuật và tinh thần được tôn vinh? 

Quả đúng như vậy. Một trong những bài học chúng ta luôn dạy con cái về tư duy sáng tạo là phải “think out of the box” (nghĩ ra ngoài chiếc hộp). Thế nhưng, làm sao chúng có thể làm được thế khi chính môi trường sống của chúng đang bị nén chặt lại, nhốt trong một chiếc hộp của toàn những bê tông, cốt thép và thức ăn công nghiệp? Trí tưởng tượng của lũ trẻ sao có thể đi đến mọi nơi khi luôn bị ngăn cản, bị đứt quãng bởi những mảng không gian trống rỗng và chắp vá? Cũng chính bởi thế mà đối với các bậc cha mẹ có ít nhiều hiểu biết, nếu phải tìm một địa điểm để đưa con đến vui chơi dịp cuối tuần, họ luôn muốn chọn một chuyến dã ngoại ra ngoại thành, nơi có đồng xanh mây trắng, không khí trong lành để tầm nhìn của họ và con cái họ không bị bất cứ cái gì che khuất, có thể thỏa sức tưởng tượng.

Thực ra, sẽ luôn là một bài toán khó cho chính quyền khi phải chọn lựa giữa bảo tồn và phát triển. Đằng sau lựa chọn bỏ đi cái gì hay giữ lại chỗ nào trong tiến trình xây dựng đô thị mới là rất nhiều yếu tố. Nó đòi hỏi người điều hành vừa phải có cái “tầm” để sáng suốt gạt bỏ những cái cũ, không còn phù hợp, cản trở sự phát triển của thời đại, vừa phải có cái “tâm” với cộng đồng, với người dân sống tại những đô thị đó. Việc Cinematheque mất đi, thay vào đó là một trung tâm thương mại nữa mọc lên ngay sát Tràng Tiền Plaza hay cách không mấy xa là một Vincom Bà Triệu liệu có cần thiết cho người dân thủ đô hay không? Chỉ biết rằng sau khi một tòa nhà nữa mọc lên, nơi đây nhiều khả năng sẽ lại thêm tắc đường và ảnh hưởng không nhỏ đến quần thể kiến trúc chung của khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm. Miếng bánh thị trường bán lẻ Việt Nam có quy mô ước tính lên tới 180 tỉ đô la Mỹ quả là có sức hấp dẫn khiến các nhà đầu tư chưa xây xong trung tâm thương mại chỗ này đã lại khởi công một trung tâm thương mại chỗ khác. Khi mà tâm trí con người được lấp đầy chỉ toàn bằng quần áo, giày dép, túi xách, nước hoa, thức ăn nhanh... trong những tòa nhà hiện đại, sáng loáng những ô kính màu nhưng hoàn toàn vô hồn và trống rỗng thì liệu có còn không gian nào cho những giá trị nghệ thuật và tinh thần được tôn vinh? 

Bình An 
(TBKTSG)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...