Ashui.com

Thursday
Oct 31st
Home Tương tác Góc nhìn Cái giá phải trả cho chỉ định thầu

Cái giá phải trả cho chỉ định thầu

Viết email In

Nhiều dự án BOT do không đấu thầu mà chỉ định thầu nên tổng mức đầu tư ban đầu được đưa lên rất cao, chỉ khi quyết toán dự án mới thấy cái giá phải trả cho việc chỉ định thầu. 

Mới đây, một số nhà đầu tư dự án BOT mở rộng quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên đã trình quyết toán dự án lên Bộ Giao thông Vận tải (GTVT). Theo đó, tổng mức đầu tư thực thấp hơn so với tổng mức đầu tư ban đầu được duyệt. Đơn cử như dự án BOT đường Hồ Chí Minh đoạn đi qua tỉnh Đắk Nông, tổng mức đầu tư ban đầu là 1.023 tỉ đồng, tuy nhiên khi báo cáo quyết toán chỉ là 634 tỉ đồng. Đoạn qua tỉnh Gia Lai, nhà đầu tư báo cáo quyết toán là 1.298 tỉ đồng nhưng tổng mức đầu tư phê duyệt ban đầu tới 1.775 tỉ đồng.  


Quốc lộ 1A đoạn đi qua Ninh Thuận sau khi đã được mở rộng
(Ảnh: TL SGT) 

Một số dự án khác như BOT quốc lộ 1A đoạn qua Bình Thuận, nhà đầu tư báo cáo quyết toán hơn 2.193 tỉ đồng, trong khi tổng mức đầu tư ban đầu được duyệt là 2.608 tỉ đồng. Còn tại dự án BOT cải tạo nền, mặt đường quốc lộ 1A đoạn Phan Thiết - Đồng Nai, nhà đầu tư báo cáo quyết toán 1.943 tỉ đồng, trong khi tổng mức đầu tư được duyệt ban đầu là 2.085 tỉ đồng. 

Giải thích về việc tổng mức đầu tư ban đầu được duyệt rất cao, song giá trị quyết toán thực tế lại khác, Bộ GTVT cho biết, tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu chỉ là kinh phí dự tính làm cơ sở để chủ đầu tư lập kế hoạch và quản lý vốn khi xây dựng công trình, tổng mức đầu tư này không phải là giá trị để xác định thời gian thu phí hoàn vốn cho dự án. Theo quy định, sau khi dự án BOT hoàn thành, giá trị quyết toán mới là giá trị thực để cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư ký kết hợp đồng thu phí hoàn vốn cho dự án.

Thế nhưng, trên thực tế, thời gian thu phí tại các dự án BOT hiện nay vẫn được tính dựa trên tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu nên có nhiều dự án với chiều dài nhà đầu tư thi công chỉ từ 20-30 ki lô mét mà thu phí đến hơn 20 năm. Điều này đã gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp. Sau đó, Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán lại và đề nghị Bộ GTVT rút ngắn thời gian thu phí ở một số trạm ít nhất là năm năm. Cho đến nay, chưa thấy Bộ GTVT công bố một dự án BOT nào phải rút ngắn thời gian thu phí.

Tổng mức đầu tư ban đầu của các dự án nói trên bị đẩy lên cao là hệ quả của việc chỉ định thầu tràn lan mà không qua đấu thầu. Thông thường khi chỉ định thầu, tổng mức đầu tư ban đầu bao giờ cũng cao hơn so với đấu thầu. Nếu dự án được đấu thầu từ đầu thì tổng mức đầu tư có thể giảm xuống 10%, thậm chí là 20% hoặc chí ít cũng đưa tổng mức đầu tư của dự án về giá trị thực. Không chỉ tổng mức đầu tư cao mà với việc chỉ định thầu, sẽ không chọn được đơn vị có năng lực tốt nhất. Chính vì vậy, một số đoạn mở rộng quốc lộ 1A vừa đưa vào sử dụng chưa được bao lâu đã xảy ra hiện tượng lún hàng chục ki lô mét, như đoạn từ thị trấn Diễn Châu đến Quán Hành (Nghệ An). Hay như việc một số nhà đầu tư dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên bán thầu.

Mặc dù Bộ GTVT không công bố số liệu dự án BOT được chỉ định thầu nhưng khi báo cáo tổng kết dự án mở rộng quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, bộ này cho biết, một trong những nguyên nhân khiến hai dự án này hoàn thành sớm là nhờ việc chỉ định thầu. Không thể phủ nhận hình thức chỉ định thầu cũng có tác dụng nhất định như rút ngắn được quy trình thủ tục để sớm thi công dự án. Song hình thức này chỉ mang lại kết quả tốt khi nhà đầu tư tính đúng, tính đủ tổng mức đầu tư của dự án, đồng thời phải có năng lực về tài chính, máy móc thiết bị. Cơ quan nhà nước cũng phải giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện dự án. Chỉ khi đó, dự án mới hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng được đảm bảo.

Ngược lại, chỉ định thầu mà nhà thầu kém năng lực sẽ gây trễ tiến độ, lãng phí, thất thoát. Đó là chưa kể cái mất lớn hơn trong tương lai của việc lạm dụng chỉ định thầu, chính là các nhà thầu mới thành lập sẽ không có cơ hội để nhận thầu thông qua đấu thầu. Từ đó làm hạn chế sự ra đời các nhà thầu mới, giảm động lực phát triển.

Một kỹ sư đã từng điều hành dự án BOT ở TPHCM cho rằng nếu áp dụng tràn lan chỉ định thầu thì hệ quả tất yếu là giá thầu sẽ tăng lên, chất lượng dịch vụ và hiệu quả đầu tư do đó cũng giảm theo, ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế.

Dư luận có quyền đặt nghi vấn: những dự án được chỉ định thầu, dù đã có cơ chế để kiểm tra, kiểm soát về xây dựng, phương án tài chính, liệu có xác định được đúng giá thành thật sự hay không? Việc này, chỉ khi nào có sự vào cuộc của cơ quan kiểm toán độc lập thì mới có câu trả lời chính xác! 

Nhưng với những gì đã xảy ra gần đây, với một số dự án cụ thể nêu trên, chưa bao giờ các cơ quan chức năng kiểm soát được chặt chẽ giá thành xây dựng cầu, đường bộ. Vì vậy, không nên chỉ định thầu quá nhiều nhất là ở những dự án lớn vì đây là hình thức kém cạnh tranh nhất, khi thực hiện không đúng sẽ dẫn đến cơ chế xin - cho, tạo điều kiện cho tham nhũng, thất thoát ngân sách và giảm hiệu quả đầu tư, chất lượng công trình. Và, chỉ có đấu thầu cạnh tranh thì mới có thể xác định được giá thành thực tế của dự án. 

Lê Anh 
(TBKTSG)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo