Ashui.com

Thursday
Nov 28th
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật BT và BOT chưa hết thất thoát

BT và BOT chưa hết thất thoát

Viết email In

Sau khi kiến nghị giảm hơn 200 năm thu phí tại 67 dự án BOT từ năm 2017 về trước, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tiếp tục chỉ ra những sai phạm tại các dự án BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) và BT (xây dựng-chuyển giao) mới liên quan đến hoạt động chỉ định thầu, kéo dài thời gian thu phí…

BOT và BT vẫn là lỗ hổng

“Kết quả kiểm toán 8 dự  án BOT trong năm 2018 cho thấy hầu hết các dự án thực hiện chỉ định nhà đầu tư, chỉ định nhà thầu, xác định sai, tăng tổng mức đầu tư…” là những nhận định được đưa ra trong Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán 2018 (tóm tắt) mà Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày trước Quốc hội chiều 20/5.


Ảnh chụp dự án BOT Pháp Vân- Cầu Giẽ, một dự án BOT gây tranh cãi rất nhiều thời gian trước.
(Ảnh: TTXVN)

Báo cáo này cho biết, tại các dự án BOT cũng còn tình trạng phê duyệt dự án có sử dụng vốn hỗ trợ từ nguồn trái phiếu Chính phủ không đúng nội dung được sử dụng theo Nghị quyết 55/2013 của Quốc hội về khung giá vé đối với dự án đầu tư của công trình giao thông, nghiệm thu, thanh toán sai. Từ những sai phạm này, kiểm toán đã kiến nghị giảm thời gian thu hoàn vốn của 7/8 dự án là 16,2 năm so với phương án tài chính ban đầu. Con số giảm này so với 227,4 năm của 67 dự án từ 2017 về trước là giảm nhưng số dự án sai phạm vẫn chưa dừng.

Kiểm toán tại 7 dự án BT cho thấy việc giao đất chỉ định cho nhà đầu tư là trái với quy định của Luật Đất đai (phải đấu giá quyền sử dụng đất). Kiểm toán tạm tính tiền sử dụng đất để xác định giá trị đối ứng khi giao đất cho dự án BT tại thời điểm thực hiện dự án BT; đồng thời xác định giá đất theo phương pháp thặng dư cho phép tính chi phí dự phòng trong chi phí phát triển còn bất hợp lý, không sát hoặc phụ thuộc yếu tố chủ quan dẫn đến giá đất thấp, không sát giá thị trường làm thất thoát lớn tài sản nhà nước.

Bên cạnh đó, các dự án BT thực chất là sử dụng nguồn lực ngân sách thuộc nhiệm vụ chi ngân sách của các cấp chính quyền nhưng không quy định phải là dự án cần thiết, thực sự cấp bách là chưa phù hợp với các quy định hiện hành. Hầu hết các dự án chỉ định thầu, làm giảm tính cạnh tranh; thiết kế dự toán không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt. Các dự án BT thực hiện chủ yếu bằng vốn vay, làm tăng chi phí đầu tư dự án, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quá trình thực hiện. Đây là lỗ hổng lớn nhất làm thất thoát tài sản, ngân sách Nhà nước. Kết quả kiểm toán đã kiến nghị xử lý tài chính 2.938 tỉ đồng, trong đó có dự án tỷ lệ xử lý tài chính lên đến 29% giá trị được kiểm toán (năm 2017 trở về trước, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 4.515 tỉ đồng tại 30 dự án).

Tình trạng sở hữu chéo tại các ngân hàng còn lớn

Kết quả kiểm toán báo cáo tài chính của các ngân hàng liên quan đến quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước năm 2017 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và 7 tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm cho thấy: tại một số tổ chức tín dụng, tăng trưởng tín dụng vượt mức cho phép của NHNN. Tại các ngân hàng như Việt Nam Thương tín, Bảo Việt, Ngân hàng TMCP Đại Chúng… tổng dư nợ tín dụng vượt mức cho phép là gần 7.000 tỉ đồng.

Tình trạng sở hữu chéo cổ phần tại các ngân hàng hiện chưa chấm dứt. Như Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín và Ngân hàng TMCP Kiên Long sở hữu cổ phần trực tiếp qua lại lẫn nhau. Năm tổ chức tín dụng gồm: ngân hàng MSB, VCB, NCB, OCB, Agribank nắm giữ cổ phần của hơn 2 tổ chức tín dụng khác.

Loại trừ các ngân hàng yếu kém và các ngân hàng được mua với giá 0 đồng, một số ngân hàng thương mại đầu tư trái phiếu chéo lẫn nhau, làm hệ số an toàn vốn (CAR) toàn hệ thống chưa tin cậy. Nhiều ngân hàng phân loại nợ không đúng làm ảnh hưởng đến lợi nhuận và tác động suy giảm hệ số an toàn vốn.

Việc xử lý nợ xấu tại Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) chưa đúng vai trò. Như công ty không thẩm định giá mua (giá mua bằng dư nợ trừ đi dự phòng rủi ro do tổ chức tín dụng tự xác định); không kiểm tra hồ sơ và tài sản đảm bảo khoản nợ. Đặc biệt, VAMC chỉ xử lý nợ xấu sau khi mua chủ yếu thông qua ủy quyền lại cho các tổ chức tín dụng bán nợ, thay vì đứng ra xử lý trực tiếp như việc phải làm.

Lan Nhi

(TBKTSG)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 1687 khách Trực tuyến

Quảng cáo

  

  


Loading...