Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Chưa khai thác vì còn chờ chứng minh an toàn

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Chưa khai thác vì còn chờ chứng minh an toàn

Viết email In

5 dự án đường sắt đô thị rất lớn ở TPHCM và Hà Nội, trong đó có dự án đầu tư từ 2009 đến nay song chưa có bất cứ dự án nào hoàn thành và được đưa vào khai thác. Kể cả dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành 99% phần xây lắp nhưng đến giờ chủ đầu tư không được cung cấp tài liệu chứng minh an toàn và chưa biết bao giờ dự án đi vào sử dụng.


Tất cả các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội, TPHCM đều đầu tư dở dang và không hẹn ngày đi vào khai thác chính thức dù đã chạy thử như tuyến Cát Linh - Hà Đông.
(Ảnh: TL)

Sự bức xúc lớn nhất trong cử tri và đại biểu Quốc hội nằm ở báo cáo gửi Quốc hội của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và trả lời chất vấn tại hội trường khi Bộ trưởng GTVT thừa nhận: “Cho dù dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành 99% gói thầu xây lắp, đang vận hành, chạy thử để đưa vào khai thác thương mại trong năm 2019 nhưng có nguy cơ kéo dài do tổng thầu”.

Các nguy cơ kéo dài được nêu ra là: chưa cung cấp một số tài liệu chứng minh an toàn, chứng nhận an toàn tích hợp để đăng kiểm và chứng nhận an toàn hệ thống, chưa hoàn thiện quy trình vận hành, bảo dưỡng... Các thông tin nói trên được Bộ trưởng Bộ GTVT nhắc lại trong phiên trả lời chất vấn tại hội trường Quốc hội sáng ngày 5-6 càng khiến dư luận bức xúc.

Theo thông tin của Bộ GTVT, hiện cả 5 tuyến đường sắt đô thị do Bộ GTVT, TPHCM và Hà Nội làm chủ đầu tư, dự án đầu tư sớm nhất từ 10 năm trước đến nay, đều chưa có dự án nào có thể đi vào khai thác. Tình trạng đội vốn gấp nhiều lần, chậm tiến độ, gây nhiều hệ lụy đến đời sống, hạ tầng diễn ra tại tất cả các dự án.

Đáng nói nhất là dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông, dù đã hoàn thành 99% khối lượng xây lắp, đã vận hành, chạy thử để đưa vào khai thác thương mại trong 2019.  Nhưng thực tế đến nay, sau quá nhiều lần chậm tiến độ thì dù chạy thử lại không biết đến ngày nào khai thác chính thức, do tổng thầu triển khai thực hiện công việc chưa theo đúng cam kết.

Các vướng mắc cụ thể: chưa hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu, hồ sơ hoàn công công trình; chưa cung cấp một số tài liệu chứng minh an toàn, chứng nhận an toàn tích hợp để đăng kiểm và chứng nhận an toàn hệ thống; chưa hoàn thiện quy trình vận hành, bảo dưỡng.

Khi Bộ trưởng Bộ GTVT nhắc lại vấn đề này, đại biểu Quốc hội tại hội trường sáng ngày 5-6 càng bức xúc hơn và truy trách nhiệm Bộ trưởng Thể: “Tại sao lại cứ phụ thuộc mãi vào tổng thầu? Cách xử lý ra sao? Nếu nói xử lý trách nhiệm thì trách nhiệm ai? Như thế nào?”. Tuy nhiên, câu trả lời này phải đợi ở phiên trả lời chất vấn chiều 5-6, khi ông Thể tiếp tục đăng đàn.

Cũng tại Hà Nội, còn hai dự án khác là dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 3 Nhổn - ga Hà Nội đến thời điểm này mới chỉ đạt trên 49% và dự kiến kéo dài đến cuối năm 2022, cũng là quá chậm sau 13 năm đầu tư. Hiện UBND TP Hà Nội đã có văn bản đề nghị Thủ tướng điều chỉnh chủ trương, tăng vốn đầu tư dự án. Đây là lần điều chỉnh tăng vốn thứ ba và mức đội vốn dự án hơn gấp đôi, lại là vốn vay ODA của Pháp song vẫn rất chậm.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi): đang được tư vấn hoàn thiện gói thầu dự án... và hiện chưa triển khai xây lắp.

Tại TPHCM, dự án đường sắt đô thị tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên hiện đạt 63,91% sản lượng xây lắp, hiện đang thanh toán từ vốn tạm ứng ngân sách thành phố 2.158 tỉ đồng trong khi chờ hoàn thành thủ tục điều chỉnh dự án.

Tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương có 9 gói thầu thì mới chỉ có gói thầu xây dựng tòa nhà văn phòng, khu depot đang nghiệm thu. Tất cả các gói thầu còn lại đang lựa chọn nhà thầu nhưng chưa triển khai do đang vướng mắc về điều chỉnh dự án và nguồn vốn cho dự án.

Bộ GTVT cho rằng, đa phần các dự án lớn và công nghệ phức tạp, lần đầu được xây ở Việt Nam nên phía Việt Nam chưa có kinh nghiệm quản lý. Năng lực chủ đầu tư các dự án về lĩnh vực đường sắt đô thị rất mới. Tư vấn tham gia dự án đều là tư vấn lớn nhưng vẫn thiếu kinh nghiệm về hệ thống.

Ngoài ra, quản lý và quy trình thủ tục ở Việt Nam dẫn đến quá trình thực hiện nhiều vướng mắc. Như chủ đầu tư và tư vấn lập dự án tính toán tổng mức đầu tư chưa xác thực với tình hình thực tế, dẫn đến nhiều thay đổi quan trọng.

Việc chậm giải phóng mặt bằng, di chuyển hạ tầng kỹ thuật ngầm dẫn đến việc kéo dài thời gian, làm tăng yếu tố trượt giá. Tiến độ dự án kéo dài còn dẫn đến tăng tổng mức đầu tư do các yếu tố: tăng giá nguyên vật liệu... Hay nói khác đi là tất cả các dự án đều điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư.

Lan Nhi

(TBKTSG)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 3441 khách Trực tuyến

Quảng cáo