“Nếu nói những hạn chế, yếu kém của Luật Quy hoạch, có nguy cơ làm đình trệ tất cả các dự án và đe doạ nghiêm trọng đến nền kinh tế của đất nước là sự phóng đại quá mức”.
Cho rằng nhận định của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) phát biểu tại phiên thảo luận chiều 30/5 về việc hàng trăm dự án phải dừng lại vì vướng Luật quy hoạch là sự phóng đại quá mức, ĐB Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) đã bấm nút xin tranh luận.
"Tôi muốn liên hệ đến báo cáo giám sát tối cao của Quốc hội được thảo luận tại kỳ họp này liên quan đến việc thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch cũng như quản lý đất đai tại đô thị”. - ông Hùng nói.
Theo ĐB Hùng, vấn đề nổi cộm của báo cáo này đưa ra là việc sử dụng đất đai tại đô thị đã gây nên tình trạng thất thoát, lãng phí, tham nhũng, gây bức xúc trong dư luận xã hội. 70% khiếu nại, tố cáo liên quan đến sử dụng đất đai. Nguyên nhân chủ yếu là do sự điều chỉnh quy hoạch của các dự án. Tất cả những dự án gây bức xúc là những dự án lớn, được điều chỉnh thường xuyên.
“Cả một thời gian dài, hệ thống quy hoạch của chúng ta không có quy củ, hệ thống quy hoạch tạo tư duy nhiệm kỳ. Việc điều chỉnh quy hoạch thường xuyên là nguyên nhân sâu xa dẫn đến bất cập, bức xúc trong dư luận xã hội vừa qua. Chúng ta ban hành Luật Quy hoạch là để xây dựng hệ thống quy hoạch có quy củ, có tầng lớp và đề cao tính tuân thủ, để ngăn chặn những hạn chế vừa qua” – ĐB Hùng nói nói.
Theo ông Hùng, những bức xúc mà đại biểu Phương nêu ra, nếu thực sự nguy hại đến nền kinh tế của đất nước, chắc chắn phải có trong báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương
Trước đó, trong phần thảo luận của mình, ĐB Nguyễn Ngọc Phương cho rằng cần khắc phục vấn đề nóng liên quan đến Luật Quy hoạch có hiệu lực từ 1/1/2019 mà theo ông đã khiến “tất cả các dự án đều tạm dừng vì sự bất cập của luật”.
“Luật Quy hoạch là công cụ quan trọng giúp nhà nước quy hoạch hiến định động lực không gian để phát triển nhanh, bền vững. Tuy nhiên, để luật có hiệu lực, cần loại trừ các quy hoạch chồng chéo, cản trở đầu tư phát triển, cần có thông tư, nghị định hướng dẫn các dự án đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho quy hoạch phát triển”, ông Phương nói và cho rằng Luật Quy hoạch có nguy cơ đe dọa nghiêm trọng đến nền kinh tế đất nước làm cho nhiều dự án đầu tư nước ngoài ngừng hoạt động. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề cập hàng loạt khó khăn vướng mắc về việc khi Luật ban hành làm luật chuyên ngành hết hiệu lực, nhiều dự án chậm tiến độ.
Hiện có 39 quy hoạch ngành quốc gia, 63 quy hoạch tỉnh, 25 quy hoạch ngành, 368 dự án đầu tư sản xuất công thương không triển khai được vì vướng quy hoạch. Nếu không sớm xử lý thì tất cả đều trì trệ”, ĐB Phương thông tin.
Đáng lưu ý, ĐB Phương đề nghị Quốc hội cần mạnh dạn sửa đổi những sai sót tại Luật hoặc ban hành nghị quyết riêng để xử lý tổng thể về việc chuyển tiếp các quy hoạch bao gồm gia hạn, thời hiệu pháp luật chuyên ngành.
Không đồng tình, ĐB Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) cho rằng Luật Quy hoạch đã được Chính phủ chuẩn bị từ khóa XIII. Tuy nhiên, đến khóa XIV thì Quốc hội mới xem xét và thông qua tại 3 kỳ họp.
Dự thảo nghị định kèm theo đã được Chính phủ chuẩn bị công phu, luật được Quốc hội thông qua ngày 24/11/2017, luật có hiệu lực thi hành từ 1/1/2019. Riêng các hoạt động lập, thẩm định quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh được triển khai trước từ ngày 1/3/2018, tức là các nội dung quan trọng, cốt lõi của luật được làm trước một bước, làm cơ sở để triển khai các quy hoạch chuyên ngành đi sau.
Đến ngày 5/2/2018 Chính phủ mới ban hành Nghị quyết số 11 giao trách nhiệm cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện triển khai các nhiệm vụ cụ thể để triển khai quyết liệt Luật Quy hoạch theo quy định của luật, rất tiếc đến tận ngày 5/7/2019 Chính phủ mới ban hành Nghị định số 37 quy định chi tiết một số điều để thi hành luật.
“Vì chưa có nghị định trên nên các quy hoạch không thể triển khai được, đây là nguyên nhân chính và là nguyên nhân duy nhất luật không triển khai được”, ông Sinh nhấn mạnh.
Tranh luận lại, ĐB Phương cho rằng Luật Quy hoạch khi ban hành có nhiều điểm mà đại biểu Sinh chưa nắm hết.
Dẫn con số có 39 quy hoạch quốc gia, 63 quy hoạch tỉnh, 368 dự án công nghiệp, 25 quy hoạch ngành bị dừng lại, ĐB Phương nói: "Đáng lẽ ra trong luật quy định những gì đã ban hành trước và đã thực hiện rồi thì Chính phủ thực hiện cho tốt. Nếu như làm được như vậy, doanh nghiệp không phải làm tới làm lui quy hoạch của mình, tạo điều kiện cho kinh tế phát triển".
Hồng Hương
(Diễn đàn Doanh nghiệp)
- Tồn kho bất động sản còn rất lớn so với báo cáo
- Lo “siết” tín dụng, doanh nghiệp bất động sản đua phát hành trái phiếu
- TPHCM muốn điều chỉnh chức năng quy hoạch đất ở Long Phước
- Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Chưa khai thác vì còn chờ chứng minh an toàn
- Ngành giao thông chủ yếu dành tiền để trả nợ
- BT và BOT chưa hết thất thoát
- Chính phủ có nên bảo lãnh doanh thu dự án đối tác công - tư?
- Thu hồi nhà siêu mỏng siêu méo: Có khả thi?
- Sửa quy hoạch Ciputra để xây thêm chung cư
- TPHCM đốc thúc các dự án đang giậm chân tại chỗ