Ashui.com

Saturday
Nov 30th
Home Tương tác Góc nhìn Đâu mới là di sản?

Đâu mới là di sản?

Viết email In

Đầu tháng 3 vừa qua, một quán rượu hơn 400 năm tuổi tại ngôi làng nhỏ South Stoke, Anh Quốc, được mua lại. Điểm đặc biệt là có đến 430 người góp vốn trong thương vụ này, phần lớn là dân làng, sau khi tòa nhà được bán đấu giá và có nguy cơ rơi vào tay tư nhân. Người dân cho biết họ muốn giữ lại quán rượu, bởi đó là một phần văn hóa cộng đồng mà họ không muốn mất đi.  


Sự tinh tế và cẩn trọng, là thứ mà chính quyền cần khi đưa ra các quyết sách liên quan đến các công trình có giá trị văn hóa lớn. (Ảnh: Hiếu Trương) 

Như những dân làng South Stoke, người dân ở nhiều nơi có lẽ đồng tình rằng những kiến trúc lâu đời có giá trị vượt xa những ước lượng hữu hình. Kiến trúc phản ánh chiều sâu lịch sử của đô thị, là thứ thể hiện hồn cốt rõ ràng nhất của mỗi địa phương. Nó còn là không gian lưu giữ tình cảm của rất nhiều thế hệ người dân và khách thập phương. Thậm chí với những người chưa từng đặt chân tới, hình ảnh của các kiến trúc biểu tượng sẽ định hình cảm xúc của họ với thành phố đó. Nhắc đến Hội An, chúng ta không chỉ nhớ đến một vài ngôi nhà cổ được xếp hạng di tích để tham quan, mà còn là tổng thể những con phố với các căn nhà thấp tầng, mái ngói đặc trưng. Cảm xúc đó cũng tương tự như với dãy nhà Nyhavn (New House) đầy màu sắc sặc sỡ bên bờ kênh ở Copenhagen (Đan Mạch) hay các tòa thị chính cổ kính tại trung tâm các thành phố lớn ở châu Âu. 

Cách ứng xử với kiến trúc, vì vậy, cần được soi chiếu xuyên qua tầng lớp các văn bản hành chính xơ cứng để nhìn nhận những tác động lớn lao hơn của nó về văn hóa, lịch sử, và cảm xúc của quần chúng. Nó đòi hỏi sự tinh tế và cẩn trọng của người làm chính sách khi cân nhắc bất kỳ thay đổi nào liên quan đến kiến trúc đô thị. 

Sự tinh tế và cẩn trọng, là thứ mà chính quyền cần khi đưa ra các quyết sách liên quan đến các công trình có giá trị văn hóa lớn. Trong vài năm trở lại đây, dư luận chú ý nhiều đến quyết định dỡ bỏ Thương xá Tax (“tuổi thọ” 136 năm), hay mới đây là đề xuất “khai tử” dinh Thượng Thơ, tòa nhà đã hơn 160 năm tuổi đời. Ở Hội An, tranh cãi lớn nhất hiện tại là việc xây dựng Công viên văn hóa chủ đề “Ấn tượng Hội An” với các hạng mục công trình bê tông cốt thép đồ sộ trên “cồn bắp”.

Điểm chung của những quyết sách trên là dường như chúng đều được thực hiện đúng với quy định của pháp luật hiện hành. Những công trình bị phá bỏ và có nguy cơ phá bỏ ở TPHCM không được xếp hạng di tích, còn “Ấn tượng Hội An” thì đã được cấp phép. 

Về phía người dân, đặc biệt là những ai yêu mến thành phố của mình, có nhiều luận cứ xác đáng để phản biện. Lấy ví dụ như TPHCM. Với một đô thị chỉ hơn 300 năm tuổi, thì những công trình có tuổi đời bằng một nửa con số đó là tài sản vô giá, cần được bảo vệ, dù có được “xếp hạng” di tích hay không. Hơn thế nữa, đó đều là những kiến trúc công cộng - tòa nhà công sở, cơ sở tôn giáo hay trung tâm thương mại - khiến cho những giá trị lan tỏa của nó mang lại cho người dân càng lớn hơn.

Cách ứng xử với kiến trúc, vì vậy, cần được soi chiếu xuyên qua tầng lớp các văn bản hành chính xơ cứng để nhìn nhận những tác động lớn lao hơn của nó về văn hóa, lịch sử, và cảm xúc của quần chúng. 

Tất nhiên, có lẽ ai cũng đồng ý rằng bảo tồn không có nghĩa là giữ lại tất cả những gì thuộc về “lịch sử”, bởi đó là một khái niệm rất dễ gây tranh cãi. Một ngôi nhà được cho là có giá trị với người này, có thể lại rất bình thường với người khác, như quán rượu ở South Stoke nói trên. Bởi vậy, luôn cần một trung gian được trao quyền để quyết định đâu thực sự là “di tích”. Trong nhiều trường hợp, tổ chức trung gian đó là các cơ quan nhà nước. Dù không phải lúc nào cũng làm vừa lòng được tất cả, danh sách được chính quyền thừa nhận vẫn là một cơ sở khả tín để phân loại di tích. Thế nhưng, để đảm bảo được sự đồng thuận và tin tưởng của người dân, danh sách này cần được tham vấn liên tục với chuyên gia và cộng đồng. Quá trình này cũng nhằm đảm bảo danh sách không bị lợi dụng, viện cớ để phá hủy những công trình có ý nghĩa với cộng đồng. Nhà nước được người dân trao quyền để bảo vệ di tích, chứ không phải được độc quyền quyết định tính mệnh của chúng bất chấp ý kiến của người dân.

Với những công trình nằm ngoài danh sách di tích do Nhà nước công nhận nhưng có giá trị lịch sử to lớn và được người dân yêu mến, chính quyền không nên đưa ra những hành động vội vàng, vì di tích một khi đã phá hủy thì không thể hồi sinh thành hình hài như cũ. Cần phải lưu ý rằng ngay cả một số công trình biểu tượng của TPHCM, như Nhà thờ Đức Bà, chợ Bến Thành, Bưu điện Thành phố... cũng chưa được xếp loại di tích. Sẽ ra sao nếu những công trình này bị xâm hại trước khi được coi là “di tích”?

Người dân, nhất là những ai sống xung quanh những di tích đó, cần được lắng nghe và trao đổi cặn kẽ. Những quyết định đặt mọi chuyện vào sự đã rồi sẽ có tác động hết sức tai hại cả về ngắn hạn lẫn dài hạn.

Về ngắn hạn, trước mắt dân cư ở địa phương sẽ mất đi những địa chỉ từng là gạch nối giữa quá khứ và hiện tại, là nơi gắn kết cộng đồng lại với nhau. Về dài hạn, đó có thể là những tiền lệ nguy hiểm cho các địa phương khác học theo, đặc biệt trong giai đoạn đô thị hóa mạnh mẽ như hiện nay, khiến việc phá bỏ di tích nhân danh phát triển luôn là lý do có vẻ chính đáng và hợp lý. Quan trọng hơn, sự không minh bạch sẽ làm suy giảm niềm tin của người dân vào tính liêm chính, chí công vô tư của chính quyền.

Thực ra, bảo tồn và phát triển không loại trừ lẫn nhau. Bảo tồn những di sản quý giá tạo tiền đề cho phát triển bền vững, và đổi lại, sự thịnh vượng có được sẽ đem lại tiềm lực tài chính và quyết tâm mạnh mẽ hơn để bảo tồn. Không phải ngẫu nhiên mà ngay ở những đô thị sầm uất nhất thế giới, các công trình kiến trúc cổ kính luôn có không gian để tồn tại, và được coi là điểm nhấn, niềm tự hào của thành phố.

Bảo tồn không đồng nghĩa với việc biến di sản thành bảo tàng. Tuy nhiên, việc sử dụng những di sản cần được giám sát chặt chẽ, hạn chế đến mức thấp nhất những ảnh hưởng tiêu cực đến công trình. Hà Nội, nơi nhiều kiến trúc kiểu Pháp cổ vẫn được các cơ quan trung ương và thành phố Hà Nội sử dụng và bảo trì tốt. Trụ sở Bộ Ngoại giao hiện nay, trước là Sở Tài chính Đông Dương, mới chỉ được công nhận là di tích cách đây hai năm, không thay đổi nhiều so với nguyên trạng dù cũng đang chịu áp lực “mở rộng”. Suy cho cùng, việc bảo tồn hay không bảo tồn vẫn phụ thuộc rất nhiều vào ý chí và nhận thức của lãnh đạo. 

Nguyễn Khắc Giang 

(TBKTSG) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...