Đô thị hóa, tất yếu kéo theo một lượng không nhỏ đất nông nghiệp bị “nuốt” mất. Và, trong những cuộc chuyển đổi đất đai, người dân trong vùng dự án bao giờ cũng là đối tượng phải chịu khó khăn nhất.
Thực tế cho thấy, suốt một thời gian dài, chuyển đổi đất đai không tự nguyện với cơ chế Nhà nước thu hồi đất, thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người bị thu hồi đất vẫn là điểm nóng ở Việt Nam. Việc thiếu những giải pháp cụ thể trong chính sách chuyển đổi đất đai đang tạo nên những khả năng ảnh hưởng tiêu cực tới bền vững xã hội. Đặc biệt, một trong những nguyên nhân quan trọng là do thiếu minh bạch trong công tác đền bù, chênh lệch giá đất trước và sau khi chuyển đổi quá lớn…
(Ảnh minh họa. Nguồn: baodauthau.vn)
Một nguyên nhân khác được chỉ ra là, còn thiếu tính đồng bộ giữa quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng; giữa ba loại quy hoạch này còn chồng chéo, chưa thực sự trở thành một hệ thống quy hoạch thống nhất; quy hoạch các KCN, quy hoạch phát triển đô thị, khu dân cư, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, quy hoạch các ngành chưa thống nhất và tuân thủ theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Nhiều địa phương còn sử dụng đất chuyên trồng lúa nước để xây dựng các KCN dẫn đến nhiều hộ nông dân thiếu đất hoặc không có đất để sản xuất trong khi vẫn có thể sử dụng các loại đất khác.
Không chỉ có vậy, trong sự phát triển nhanh của các đô thị, đang hiện hữu hàng trăm dự án tại các đô thị để hoang hóa. Đây là một sự lãng phí lớn. Nó không chỉ khiến cho ngân sách Nhà nước bị thất thu mà còn khiến nhiều DN khác có nhu cầu về mặt bằng sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ, nhiều hộ dân nằm trong vùng dự án không thể canh tác trên chính thửa đất của mình. Cũng chẳng ai thống kê hết phần chênh lệch, tăng giá những khu đất ấy đi về đâu? Chỉ biết rằng, người dân vùng dự án vẫn quay quắt trong vùng đất hẹp còn lại.
Chính vì thế, theo các chuyên gia, trong quá trình chuyển đổi đất đai, cần có các chính sách bảo đảm chia sẻ lợi ích giữa các bên. Đã đến lúc, các cơ quan quản lý cần công bố một con số cụ thể xung quanh vấn đề này.
Thêm nữa, sự minh bạch trong công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch là vô cùng cần thiết. Mới nhất, câu chuyện về quy hoạch Thủ Thiêm là một minh chứng điển hình đang hiện hữu.
Có được sự minh bạch mới có thể xóa bỏ những đặc lợi kiểu ban phát trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất đai; để không còn tình trạng giá đất tăng lên gấp hàng chục, thậm trí hàng trăm lần, chỉ sau một quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Điều đó, cũng có nghĩa là dòng tiền tăng lên ấy sẽ được kiểm soát chứ không phải chỉ rơi vào túi một vài cá nhân như thời gian qua.
Ngọc Lý
(Báo Xây dựng)
- Đặc khu kinh tế đang mất dần lợi thế?
- Hà Nội: Sống thấp thỏm trong những khu tập thể “chờ sập”
- Xây dựng và canh tác ruộng bậc thang
- Luật Thủ đô bị 'vô hiệu' bởi nén chung cư
- Đâu mới là di sản?
- Khi đô thị bỏ quên ký ức
- Những công trình làm nên kiến trúc đô thị Sài Gòn
- Chợ - Biểu tượng đa nguyên sống động của Sài Gòn
- Bộ Tài chính muốn đánh thuế nhà ở
- Mấy điều về xây dựng thành phố thông minh