Phú Thọ là vùng đất cổ, cái nôi của nền văn hoá Lạc Việt. Trên mảnh đất này đã kiểm kê được 1.372 di tích lịch sử văn hoá (cả phế tích), trong đó có 161 di tích khảo cổ học - là những cứ liệu khoa học chân xác nhất minh chứng cho sự ra đời, tồn tại và phát triển của nhà nước Văn Lang - nhà nước đầu tiên trong lịch sử dân tộc.
Những năm qua, các di tích ở tỉnh Phú Thọ đã được các cấp quan tâm. Nhiều văn bản pháp quy, quy hoạch tổng thể và đề án bảo vệ, phát huy giá trị di tích được ban hành. Hàng năm đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để quy hoạch xây dựng các dự án tu bổ, tôn tạo di tích. Công tác quản lý di tích đã phần nào đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử, văn hoá của các nhà khoa học trong nước và quốc tế và nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân.
Tuy nhiên, trong số 1.372 di tích thì chỉ có 245 đã được lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng, trong đó có 175 di tích xếp hạng cấp tỉnh và 70 di tích được xếp hạng quốc gia. Công tác quản lý di tích ở một số địa phương trong tỉnh chưa được coi trọng, thiếu chặt chẽ, chưa có quy chế quản lý cụ thể. Nhiều di tích đang bị kiến trúc hiện đại lấn át, hoặc bị biến đổi cảnh quan (chỉ có khoảng 15% di tích còn nằm tách biệt khỏi khu dân cư và giữ được cảnh quan thiên nhiên). Một số nơi còn xảy ra tình trạng di tích bị xâm phạm, lấn chiếm trái phép. Việc tu bổ và sử dụng nguồn vốn tu bổ di tích không đúng quy định ảnh hưởng tới kiến trúc truyền thống, mỹ quan của di tích.
Di tích khảo cổ ở Phú Thọ nổi tiếng với những di chỉ thuộc các thời kỳ văn hóa: Sơn Vi, Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn. Đây là cơ sở khoa học để minh chứng cho thời kỳ Hùng Vương dựng nước là thời kỳ đầu tiên, có thật, góp phần làm sáng tỏ về mặt khoa học phản ánh những thành tựu sáng tạo, bền bỉ, cần cù của tổ tiên người Việt trong khoảng từ 4000 năm đến 2000 năm trước CN.
Trong 161 di tích khảo cổ phát hiện, hiện chỉ có có 67 di tích được khai quật, nghiên cứu và rất ít trong số đó được bảo vệ hiệu quả theo Luật Di sản văn hoá. Đặc biệt, chỉ có 5/161 di tích khảo cổ (Làng Cả, Xóm Dền, Gò Mun, Sơn Vi, Phùng Nguyên) đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia, các di tích khảo cổ còn lại đều chưa được xếp hạng, đăng ký bảo vệ, chưa được lập bản đồ khoanh vùng bảo vệ và chưa được đầu tư, tôn tạo. Hơn thế nữa, sau khi khai quật di tích khảo cổ, các hố khai quật không được bảo tồn nguyên vẹn, nhiều hố khai quật đã biến dạng và bị xoá sổ. Các hiện vật khảo cổ sưu tầm được sau những đợt khai quật lại được lưu giữ tản mạn ở nhiều nơi như: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng tỉnh, Bảo tàng khu di tích lịch sử Đền Hùng và nhiều hiện vật còn được lưu giữ trong nhân dân. Công tác bảo quản, phân loại, hệ thống hoá, lập hộ chiếu hiện vật và trưng bày, giới thiệu, tuyên truyền quảng bá hiện vật khảo cổ còn hạn chế, thiếu tính khoa học.
Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cũng chỉ số ít trong đó (chủ yếu là di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh) được quan tâm tôn tạo. Nhiều di tích tu sửa chưa đồng bộ, chưa đảm bảo chất lượng yêu cầu. Nhiều di tích được cấp kinh phí tu bổ một số hạng mục, nhưng khi tiến hành tháo dỡ để sửa chữa thay thế thì phát sinh ra yêu cầu thay thế các bộ phận kiến trúc cấu thành liên quan, vì lý do kinh phí có hạn (chủ yếu vẫn là nguồn kinh phí của chương trình mục tiêu chống xuống cấp di tích hàng năm đối với các di tích xếp hạng quốc gia) nên dẫn đến tình trạng tu sửa "tạm thời", nhỏ giọt, chờ đợi nhiều năm sau Nhà nước hỗ trợ mới tiến hành sửa tiếp. Cách tu bổ thiếu đồng bộ, thiếu tính khoa học này dẫn đến tình trạng các di tích mặc dù được cấp kinh phí nhiều lần nhưng vẫn trong tình trạng xuống cấp. Cũng do nguồn kinh phí hạn hẹp nên nhiều di tích phải chờ đợi nhiều năm theo thứ tự ưu tiên trong khi di tích ngày càng xuống cấp.
Đặc biệt, việc tôn tạo một số di tích xây dựng vào thời Lê - thời Nguyễn (không còn bảo lưu được kiến trúc cổ) hiện nay thường được tôn tạo lại hoàn toàn và đang có xu hướng bị bê tông hoá. Các di tích xếp hạng cấp tỉnh và di tích chưa xếp hạng loại này thì hầu như không có sự hỗ trợ kinh phí tôn tạo của nhà nước. Việc tu bổ các di tích này gần như hoàn toàn dựa vào ngân sách địa phương và sự đóng góp của nhân dân, dẫn đến tình trạng các địa phương làm không có báo cáo nên không chỉ sai phạm về hành chính nhà nước, mà còn sai phạm về kiến trúc truyền thống và đa phần đang bị bê tông hoá.
Về di tích lịch sử lưu niệm, gồm các di tích kháng chiến, cách mạng và địa điểm lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một số di tích thuộc loại này còn lưu giữ được địa điểm với những dấu tích nguyên gốc, có đủ điều kiện để bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị như các di tích địa điểm lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, di tích Chiến khu Phục Cổ... Còn lại hầu hết di tích chỉ còn dấu tích các địa điểm, không khôi phục và xây dựng các hình thức lưu niệm, chỉ tư liệu hoá hồ sơ. Hiện đa số các di tích lịch sử lưu niệm sự kiện đã được lập hồ sơ khoa học, có phương án qui hoạch, bảo tồn, tôn tạo nhưng vấn đề phát huy giá trị của di tích vẫn chưa thực sự được chú trọng.
Đối với di sản danh thắng, hiện ở Phú Thọ có 02 danh thắng tiêu biểu có giá trị bảo tồn thiên nhiên, giá trị nghiên cứu khoa học là Đầm Ao Châu và danh thắng Xuân Sơn. Tuy nhiên, chưa có danh thắng nào được lập hồ sơ đăng ký bảo vệ.
Có một nghịch lý là với 1.372 di tích lịch sử văn hoá ở vùng Đất Tổ (trừ Khu di tích lịch sử Đền Hùng và Khu di tích Đền Mẫu Âu Cơ), cả tỉnh phú Thọ chỉ có vỏn vẹn 6 cán bộ làm công tác quản lý di tích của Phòng quản lý Di tích, Danh thắng thuộc Sở VHTTDL Phú Thọ. Bình quân mỗi cán bộ quản lý gần 230 di tích lịch sử nơi vùng đất cội nguồn của dân tộc. Hiện tỉnh Phú Thọ chưa thành lập được Ban Quản lý di tích của tỉnh và ở các huyện, thành thị cũng không có cán bộ quản lý di tích chuyên nghiệp, không có Ban quản lý di tích cấp huyện (trừ huyện Hạ Hoà có Ban quản lý Khu di tích Đền Mẫu Âu Cơ).
Trước tình trạng “báo động" trên, tại kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh Phú Thọ khóa XVI (diễn ra từ ngày 14 đến 15-4 năm 2009) đã thông qua Quy hoạch phát triển văn hoá Phú Thọ đến năm 2020, trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hoá. Theo đó, tỉnh Phú Thọ sẽ phối hợp với Bộ VHTTDL và các ngành liên quan tăng cường kiểm kê, rà soát, phân loại toàn bộ di tích; lập hồ sơ, xếp hạng, quy hoạch, quản lý bảo vệ các di tích, danh thắng; Xây dựng và ban hành những văn bản quản lý theo thẩm quyền nhằm thực hiện Luật Di sản văn hoá, bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Tiến hành phân cấp quản lý trong công tác tu bổ, phục hồi, xếp hạng, bảo vệ di vật, cổ vật, khai thác di sản văn hoá. Thành lập ban quản lý đối với các di tích đã xếp hạng. Xác định rõ thành phần và trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong quản lý di tích. Có chính sách đối với người bảo vệ, trông coi di tích, cũng như người có công bảo tồn, phục hồi di sản văn hoá. Thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra di tích. Xây dựng quy chuẩn kỹ thuật tu bổ, tôn tạo di tích. Nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về văn ho. Quan tâm xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị và đào tạo lực lượng cán bộ quản lý và chuyên môn đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, bảo tồn di tích. Tăng cường công tác tuyền truyền, nâng cao ý thức bảo tồn, kế thừa và phát huy di sản văn hoá và khuyến khích nhân dân tham gia vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá. Đẩy mạnh khai thác tiềm năng về di sản văn hoá phục vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương, đảm bảo hài hoà giữa đầu tư khai thác và bảo tồn. Tăng cường vai trò của các hội Văn nghệ dân gian, hội Sử học, hội Văn học nghệ thuật trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá….
Nhiều trăn trở và giải pháp để bảo vệ, phát huy di tích lịch sử văn hoá nói riêng và di sản văn hoá nói chung đã và đang được đặt ra, song thực hiện như thế nào? trách nhiệm bảo vệ di sản thuộc về ai? Đó là câu hỏi không chỉ dành riêng cho tỉnh Phú Thọ và Ngành VHTTDL mà còn là câu hỏi, lời hiệu triệu về ý thức trách nhiệm bảo vệ di tích dành cho các địa phương, các cấp, ngành và tất cả chúng ta - những người yêu nước, biết trân trọng lịch sử văn hoá truyền thống của dân tộc.
Tuyết Hạ
[ Chuyên đề : Bảo tồn di tích ]
- Hệ thống cảng biển Hải Phòng: Gánh nặng... oằn lưng!
- TPHCM: Thí điểm xây lùi nhà tạo hành lang thương mại
- Dung Quất phù hợp với mô hình thành phố công nghiệp?
- Khó chống đầu cơ nhà đất vì thiếu cơ sở tính thuế
- Resort "xí" đất, thất nghiệp tăng
- Hướng tới một phương thức sống tiên tiến ở đô thị
- Khu đô thị 2,5 tỷ USD và ngụ ngôn người bán mũ
- Luật có giúp giảm lãng phí năng lượng?
- Đầu tư biệt thự sinh thái ở Hà Nội: Bỏ hoang để chờ bán... sang tay
- Người có thu nhập thấp ở đô thị: Khó có nhà để ở