Ashui.com

Thursday
Nov 28th
Home Tương tác Góc nhìn Cái "nết" đánh "chết" công trình

Cái "nết" đánh "chết" công trình

Viết email In

Phàm cái gì đẹp thì phải biết giữ gìn và tôn tạo cho đẹp hơn. Thế nhưng ở nước ta có một thực trạng, những công trình công cộng to đẹp, dù mới được đưa vào sử dụng nhưng chưa bao lâu đã xuống cấp.

Nguyên nhân là do  những người thiếu ý thức làm cho công trình trở nên nhếch nhác, những kẻ xấu tìm cách lấy cắp vật tư thiết bị, phá hoại...

Thực trạng này đã tái diễn trên cây cầu Phú Mỹ (TPHCM) mới được khánh thành đúng nửa tháng. Cầu dây văng Phú Mỹ nối giữa quận 2 và quận 9 đã tạo ra một phối cảnh đẹp trên sông Sài Gòn.

Đây là thành quả của một quá trình lao động khẩn trương trong suốt 30 tháng ròng, với tổng vốn đầu tư hơn 2.500 tỉ đồng, mới tạo ra được cây cầu dài hơn 2km và rộng 27,5m với 6 làn xe. Thế nhưng, làn xe tổng hợp đã nhanh chóng bị những người đi xe máy dừng, đỗ vô tội vạ; lề bộ hành trở thành chợ cho các xe hàng rong; dải phân cách trở thành sàn cho trẻ con ngủ và vui chơi...

  • Ảnh bên : Người dân đổ xô tới tập thể dục trên cầu Vĩnh Tuy 

Cây cầu đẹp, nhưng ngay từ những ngày đầu tiên đưa vào sử dụng, đơn vị quản lý đã phải cắm bảng đỏ "Cấm tụ tập trên cầu" dọc thành cầu. Một biện pháp cực chẳng đã,  nhưng làm cho cây cầu càng xấu đi...

Căn bệnh... làm xấu công trình công cộng của người dân Việt dường như không còn khu biệt ở một khu vực hay địa phương nhất định. Ở Hà Nội, cầu Vĩnh Tuy có bề rộng mặt cầu lớn nhất VN, dù chưa được thông xe, nhưng những quán nhậu dã chiến đã nhanh chóng... thông cầu trước. Mà lại là phong cách nhậu rất dân dã và "thân thiện" với thiên nhiên: Ghế đẩu, bàn thấp, và đa số trường hợp là trải chiếu... ngồi bệt trên mặt cầu mà nhậu.

Thật khó tìm ở đâu ra những hình ảnh chướng tai gai mắt và đáng buồn lòng đến thế. Buồn lòng vì những người dân Việt ấy, cứ nghĩ nông rằng họ làm thế có gây xấu thì cũng chỉ ảnh hưởng đến cây cầu vô tri vô giác.

  • Ảnh bên : Xuất hiện những dòng chữ quảng cáo bên trụ cầu Vĩnh Tuy

Nhưng trên thực tế, có cái xấu nào của thiên nhiên bị huỷ hoại, của công trình công cộng bị tàn phá, lại không liên quan đến cái xấu từ ý thức và hành vi công dân trong xã hội ấy? Du khách nước ngoài nhìn thấy chỉ biết lắc đầu. Đó chính là một trong những yếu tố xúc tác khiến họ một đi ít bao giờ quay lại.

Người dân đã thiếu ý thức thì có xây hàng ngàn cây cầu rộng và đường to đi nữa, lối lưu thông vẫn cứ hẹp. Và cuốn trôi theo đó là sự lãng phí vô hình. Vì các công trình ngàn tỉ đồng - ngoài giá trị đầu tư vật chất, còn có giá trị đầu tư về kiến trúc, cảnh quan, nhưng các giá trị này không thể phát huy được.

Câu tục ngữ "cái nết đánh chết cái đẹp" từ ngàn xưa, đừng nghĩ chỉ vận vào  từng cá nhân. Xã hội đô thị hoá cần có cách sống văn minh đô thị. Câu tục ngữ xưa càng trở nên thời sự với hàm nghĩa mới: Cộng đồng còn kém ý thức thì khó mà sản sinh và giữ được những công trình tầm cỡ thế giới. Đó là "cái nết" đánh "chết" công trình vậy.

Thẩm Hồng Thụy / ảnh : VnExpress 

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...