Giai đoạn 1 của Dự án di dân phố cổ, với mục tiêu di dời khoảng 2.000 hộ dân về một khu phố mới (nằm trong khu đô thị Việt Hưng - quận Long Biên) đang được quận Hoàn Kiếm cùng với các đơn vị liên quan của Thành phố khẩn trương triển khai.
Mật độ dân đông nhất thế giới
Ông Hoàng Công Khôi – Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết: “Hơn 84 ngàn dân đang sinh sống trong khu phố cổ chỉ có 100 ha (1km2), hiếm thủ đô nào có mật độ dân số đông như thế” - Ông Khôi nói.
Áp lực dân số đối với khu phố cổ Hà Nội với 84.000 dân/1km2
Quá đông dân khiến cho công tác quản lý dân cư khá vất vả, kinh doanh vỉa hè phổ biến, với tới 13 ngàn hộ dân đang kinh doanh ở 166 tuyến phố. Khó khăn nữa là việc quản lý, nhà đất, do sở hữu công và tư chồng lấn, đan xen.
Dù đã rất cố gắng tuyên truyền vận động nhưng, vi phạm của dân vẫn diễn ra như lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, nạn hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ làm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường đô thị.
Riêng lĩnh vực trật tư xây dựng khá nóng bỏng. Có công trình 6-7 tầng xây dựng sai phép, không phép ngay trong khu vực phố cổ như 13 Mã Mây, 24 Hàng Gà, 22 Cầu Đất. Vì vậy, chủ trương di dân phố cổ đã được lãnh đạo Thành phố Hà Nội thống nhất cao, với mục tiêu là giảm cơ học mật độ dân số trong khu phố cổ.
Cụ thể, đến năm 2020 giảm mật độ còn 500 người/ha (tức giảm khoảng 60 phần trăm dân số hiện nay). Như vậy, khoảng 20 ngàn dân sẽ phải di chuyển ra khỏi khu vực phố cổ tại 10 phường của quận Hoàn Kiếm, trong những năm tới.
Tuy nhiên, một số chuyên gia về phố cổ cho rằng, để dự án sớm triển khai với mục tiêu như trên cần có nguồn lực, cơ chế, chính sách cũng như phải tạo được một sự hấp dẫn của nơi đến để cư dân phố cổ sẵn sàng ra đi.
Còn Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm thì cho rằng, các sở ngành của thành phố phải khẩn trương vào cuộc, tạo điều kiện cùng quận triển khai thực hiện dự án này.
Phố Đinh Liệt nhìn từ trên cao(Ảnh: Hồng Vĩnh)
Phố cổ sang sông
Chủ trương dãn dân phố cổ nhằm giảm tải áp lực dân số đã có từ những năm trước, tuy nhiên việc triển khai có nhiều khó khăn. Thành phố Hà Nội và các đơn vị liên quan đã khá vất vả khi bắt tay thực hiện mục tiêu bảo tồn khu phố cổ, một thời gian dài phải loay hoay tìm các phương án phù hợp.
Lúc đầu dự án được giao cho Tổng Cty Phát triển nhà và Khu đô thị (HUD), nhưng suốt mấy năm vẫn chưa triển khai được ngoài việc dành ra một khu đất rộng khoảng 26 ha tại Việt Hưng.
Năm 2008, toàn bộ dự án được chuyển lại cho Thành phố và quận Hoàn Kiếm. Khu đất phục vụ giãn dân phố cổ hiện nay chỉ còn lại khoảng 12 ha nằm trong KĐT Việt Hưng (quận Long Biên), đồng bộ về hạ tầng. Trục chính là đường Ngô Gia Tự cũng vừa được mở rộng với mặt cắt là 50 m.
Bà Lê Quỳnh Anh - Phó trưởng ban phố cổ Hà Nội cho biết, khu đô thị giãn dân phố cổ được thiết kế hiện đại, đầy đủ tiện nghi, thuận lợi buôn bán, làm ăn để thu hút người dân phố cổ về đây sinh sống.
Chính vì vậy, khu phố này vẫn phải kế thừa các đặc trưng của phố cổ như văn hóa kinh doanh, sinh hoạt phải được duy trì, thể hiện trong quy hoạch, phong cách kiến trúc (khu nhà ở, các tuyến phố thương mại, cửa hàng, khu tiểu thủ công nghiệp, nghề truyền thống…).
“Ý tưởng là xây dựng nơi đây thành khu phố cổ thứ 2 của Thủ đô để dân có cơ hội làm ăn, đồng thời thu hút được du khách nhiều hơn”- Bà Quỳnh Anh cho biết.
Dự án di dân phố cổ đang được quận Hoàn Kiếm phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai các thủ tục cơ bản, dự kiến khởi công vào đầu tháng 10/2010. Theo kế hoạch, giai đoạn một của dự án có khoảng 1.900 hộ dân di dời gồm các hộ ở chồng lấn, đan xen với các di tích lịch sử-văn hóa, trường học, cơ quan công sở và một số dự án của thành phố cần giải phóng mặt bằng. * Một khảo sát chưa đầy đủ cho thấy quận Hoàn Kiếm có 593 hộ đang sinh sống trong khuôn viên các di tích lịch sử, văn hóa, 39 hộ sinh sống trong khuôn viên trường học, 72 hộ ở vào công sở, 217 hộ sinh sống trong nhà cũ nát, nguy hiểm có nguy cơ sụp đổ. * Điều tra xã hội học ban đầu cho thấy, khoảng 2.700 hộ dân ở khu phố cổ mong muốn được giãn dân đến nơi ở mới. |
Nguyễn Tuấn
>>
- Đại lộ Đông - Tây: Thiết kế đô thị vẫn chạy sau
- Lộn xộn chung cư tư nhân
- Những khu đô thị xóm vắng
- “Trảm” nhà vi phạm trong phố cổ
- Xây dựng "Mỗi làng một nghề" tại Việt Nam: Con đường còn xa
- Cận cảnh nghèo đô thị
- Chung cư mi ni nở rộ: Nguy cơ và rắc rối
- Cải tạo và phát triển đô thị, thực tế và thực dụng
- Vì sao phải bảo tồn Bệnh viện Nhi Đồng 2?
- Dự luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: Khó khả thi?