Ashui.com

Saturday
Apr 20th
Home Tương tác Góc nhìn Xây dựng "Mỗi làng một nghề" tại Việt Nam: Con đường còn xa

Xây dựng "Mỗi làng một nghề" tại Việt Nam: Con đường còn xa

Viết email In

Trong chuyến viếng thăm VN mới đây, vị giáo sư người Nhật Bản Hiramatsu Morihiko - cha đẻ của của phong trào "mỗi làng một sản phẩm" trên thế giới - đã tâm đắc: "Đất nước các bạn có quá nhiều sản vật địa phương mà không phải nơi nào cũng có, vậy tại sao không để toàn cầu biết đến những sản phẩm ấy?".

Không riêng gì GS Hiramatsu, ngành nông nghiệp nước ta từ lâu đã trăn trở về việc bảo tồn và phát triển các làng nghề. Ý tưởng "mỗi làng một nghề" đã được Bộ NN&PTNT "thai nghén" từ năm 2005. Đã có nhiều mục tiêu đề ra, song cho đến bây giờ, mọi bước đi vẫn đều đang quá gập ghềnh...


Gốm Chu Đậu (Hải Dương)

Toàn cầu hoá sản vật địa phương

Oita là một tỉnh nghèo của Nhật Bản, nằm cách thủ đô Tokyo khoảng 800km. Đây là tỉnh có thu nhập bình quân đầu người rất thấp và chênh lệch lớn so với Tokyo. GS Hiramatsu khi ấy đang làm việc tại Bộ Công nghiệp và Ngoại thương Nhật Bản (nay là Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp) được phân công làm Tỉnh trưởng Oita vào năm 1979.
 
Không phải ngẫu nhiên mà từ đó đến tận 6 nhiệm kỳ sau, ông tiếp tục được người dân tín nhiệm bầu làm tỉnh trưởng trong 24 năm liền. Đó chính là sự thành công ngoài sức tưởng tượng của phong trào "mỗi làng một sản phẩm" do chính ông khởi xướng.

Mục tiêu của "mỗi làng một sản phẩm" là tăng thu nhập, xây dựng niềm tin cho người dân địa phương, tạo ra sản phẩm đặc biệt bao gồm cả văn hoá, du lịch ngay tại vùng nông thôn. Và kết quả đạt được quá mĩ mãn. Từ một tỉnh nghèo, Oita đã được gần như cả thế giới biết đến nhờ các nông sản tuyệt hảo như nấm hương khô, chanh kabosu, rượu shouchu lúa mạch, cá basa, ngựa seiki..
 
Thu nhập của nông dân nhờ đó tăng lên 22.800 USD/người/năm vào năm 2003 - tăng 2,3 lần so với mức bình quân 11.200USD năm 1979. Năm 2007, tỉnh Oita đã đón tiếp gần 1.500 người từ 46 quốc gia tới thăm và học tập. Phong trào lan rộng nhanh và thành công tại Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc... Hiện Oita có khoảng 336 sản phẩm, doanh thu đạt ổn định 141 tỉ yen.

Khi về VN, đi thăm các làng nghề nổi tiếng như gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc... ông Hiramatsu không khỏi ngạc nhiên bởi sự đặc sắc của các sản vật này. Ông chia sẻ: "Khi tôi về tỉnh Oita và phát hiện ra rằng chỉ ở đây mới có nấm đông cô bổ dưỡng, chanh kabosu thơm rất đặc biệt, tôi nghĩ không có lý do gì để lấy đấy làm sản vật địa phương. Chính sản vật này sẽ giúp người dân thoát nghèo và đến được với thế giới".

Hiếm có vị tỉnh trưởng nào tâm huyết đến mức tự tay mang từng lạng nấm, từng chai rượu shouchu đi khắp hang cùng ngõ hẻm để tiếp thị. Ông đưa ra một so sánh khá thú vị: 100g nấm đông cô bán được 28USD cho khách quốc tế, trong khi đó với một chiếc Toyota khoảng 1,5 tấn tính ra chỉ được 1,9USD một lạng. Điều mấu chốt từ các sản vật địa phương mà ông Hiramatsu làm được, đó chính là hầu hết các sản phẩm đều không bị ảnh hưởng do khủng hoảng kinh tế, bởi nguồn thu tuy không lớn nhưng lại vô cùng ổn định, đều đặn.

Ông Hiramatsu cho rằng, mỗi địa phương tại VN cần tìm ra sản phẩm riêng đặc trưng và coi đó là niềm tự hào của quê mình, từ đó tìm mọi cách để thế giới biết đến. Ông đặt ra một nguyên tắc, đó là thúc đẩy tự chủ, tự lực và sáng tạo của người dân. "Người dân có thể chọn sản phẩm đặc biệt để đẩy mạnh sản xuất và chấp nhận sự rủi ro. Chính quyền giúp họ bằng việc hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu bán sản phẩm bằng nhiều hình thức như hội chợ, lễ hội... nhằm thu hút du khách" - ông Hiramatsu nói.

Một nguyên tắc nữa theo ông Hiramatsu là phát triển nguồn nhân lực. Chính quyền không bắt người dân sản xuất những sản phẩm đặc biệt mà nuôi dưỡng nguồn nhân lực tài năng, có ý chí. " Để thực hiện mục tiêu này phải thành lập trường đào tạo để những người đi làm cả ngày, có điều kiện dành thời gian học tập vào buổi tối. "Giảng viên" chính là các người dân địa phương đã thành đạt trong phong trào" - ông khẳng định.


Sản phẩm miến Cự Đà (Hà Nội).

Cần áp dụng song song và xen kẽ

GS Hiramatsu nhấn mạnh, mấu chốt của vấn đề chính là mỗi một người dân đều có ý thức phải làm gì cho chính mình, phục vụ lợi ích của mình. Ông khẳng định đây chính là điều mà VN hoàn toàn có thể áp dụng ngay được, với nguồn nhân lực sẵn có. Song, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hồ Xuân Hùng nhận định, đây là điều rất khó thực hiện tại VN.

"Để sản phẩm địa phương trở thành thương hiệu toàn cầu phụ thuộc rất lớn vào trách nhiệm của chính mỗi người dân làm nghề và cả chính quyền để làm sao gây dựng thương hiệu. Chính điều này mới có thể toàn cầu hoá sản phẩm địa phương".

Về điều này, theo ông Lưu Duy Dần - Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề VN - học hỏi những kinh nghiệm quý báu và thiết thực từ tỉnh Oita vào thời điểm này như tiếp thêm luồng gió mới cho chương trình "mỗi làng một nghề" mà ngành nông nghiệp đang ra sức thực hiện.

Thực tế, làng nghề VN đang tùng bước vượt qua khó khăn. Xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp 8 tháng đầu năm đạt 15-16 tỉ USD, trong đó sản phẩm làng nghề đạt hơn 1 tỉ USD. Tuy nhiên, khó có thể áp dụng theo đúng quy trình mà Nhật Bản và các nước khác từng làm, thay vào đó phải áp dụng song song và xen kẽ các bước.
 
"Song song với quy trình từng bước nâng cấp cơ sở hạ tầng, cần áp dụng ngay vào trọng tâm như xác định nguồn nhân lực ổn định, xây dựng và quy hoạch lại vùng nguyên liệu sản xuất từ đó quy hoạch lại quy mô sản xuất của làng nghề, tránh manh mún, tự phát như hiện nay" - ông Dần cho hay.

Để thay đổi tư duy và nhận thức của người dân, nâng cao chính trách nhiệm của họ, theo ông Dần, cần phải có một người "cầm cân nảy mực", có tâm huyết và có sự kết nối, tìm và khơi đúng tài năng của người làm nghề mà nước ta không hề thiếu. Đây chính là bí quyết thành công của tỉnh Oita khi có được một người lãnh đạo nhiệt tâm như ông Hiramatsu...

• Mỗi hecta đất thu hồi ảnh hưởng đến 10.000 lao động nông nghiệp. Đó là tính toán sơ bộ của Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ NN&PTNT). Theo đó, việc thu hồi đất nông nghiệp trong 5 năm (2001-2005) đã làm đời sống của 2,5 triệu người dân nông thôn bị ảnh hưởng. Trong khoảng thời gian này, tổng diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi chuyển sang đất phi nông nghiệp là 366.000 hécta - chiếm 3,9% đất nông nghiệp đang sử dụng (bình quân mỗi năm thu trên 73.000 hécta).

• Hiện cả nước có tất cả 2.017 làng nghề. Trong đó, khu vực Đồng bằng sông Hồng có số lượng làng nghề lớn nhất cả nước với 866 làng nghề, chiếm 42,9% tổng số làng nghề cả nước. Nam Trung Bộ là khu vực chiếm ít làng nghề nhất với 86 làng nghề - 4,3% tổng làng nghề cả nước. Số làng nghề truyền thống chỉ chiếm khoảng 15%, còn lại là các làng nghề mới hình thành. Chỉ có 4% làng nghề có quy mô lớn, còn lại hơn 60% làng nghề có quy mô nhỏ, 36% làng nghề quy mô vừa.

• Nghề mây tre đan chiếm số lượng áp đảo. Theo Bộ NN&PTNT, Các ngành nghề thủ công mĩ nghệ chiếm hầu hết trong tổng làng nghề cả nước. Trong đó nghề làm mây tre đan chiếm số lượng áp đảo với 713 làng nghề - 24% tổng số làng nghề thủ công, sau đó là làng nghề dệt vải với 432 làng = chiếm 14,5%. 
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo