Ashui.com

Wednesday
Nov 27th
Home Tương tác Góc nhìn Tái định cư trên miệng vực

Tái định cư trên miệng vực

Viết email In

Không riêng mùa mưa lũ mà quanh năm, người dân tái định cư (TĐC) để xây các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn Quảng Nam luôn trong tình trạng bất an bởi đói rét, bệnh tật và nguy cơ sạt lở. Nhiều kiến nghị vẫn rơi vào im lặng…

Tái định cư trên vùng sạt lở

Vượt mấy cái dốc dựng đứng mới vào được làng TĐC Pachepalanh (xã Màcooih – huyện Đông Giang). Cách đây ba năm, khu chung cư giữa đại ngàn Trường Sơn này vàng ươm trong nắng, giờ xập xệ, mốc meo và chênh vênh bên miệng vực.

Hầu như ai trong số 257 hộ dân khi được hỏi đều lắc đầu: Sống ở đây khổ lắm, cơm không có ăn, ngày đêm lo núi lở.

  • Ảnh bên : Khu tái định cư Alua nằm chênh vênh trong vùng sạt lở 

Thấy có nhà báo đến, ông Alăng Bhrơi (64 tuổi) run rẩy vịn tay bước xuống cầu thang, nơi có nhiều đoạn thanh vịn bị gãy mục. Đó là minh chứng cho sự xuống cấp nhanh chóng của nhà TĐC thủy điện.

Ông Alăng Bhrơi ái ngại: “Cầu thang gãy hết rồi, nhà bị dột. Khổ lắm”. Không riêng gì nhà Bhrơi, hơn 80 phần trăm số hộ trong 257 nhà dân đã bị hư hỏng do cầu thang làm bằng gỗ tạp, phơi nắng mưa ngoài trời.

Chị Alăng Thị Bríu, đưa chân bị một vạch bầm đen, bức xúc: “Tháng trước, gỗ cầu thang bị mục, mình vừa bước xuống, gãy bậc tam cấp, ngã nhào. Đinh găm vào chân giờ vẫn còn ê ẩm”.

Theo thống kê của xã Màcooih, từ đầu năm đến nay có 15 người bị ngã từ cầu thang xuống do đạp phải gỗ mục. Nhẹ thì bị đinh găm vào chân như chị Bríu, nặng thì trật khớp tay, khớp chân như Alăng Bré, Hối Lớn...

Ông Hối Lớn năm nay 87 tuổi, răng rụng tóc bạc, tháng trước rơi từ trên nhà xuống đất, giờ vẫn còn đau ở vai. Ông phải nhờ mấy trai bản trổ cho một chiếc cầu thang khác để đi. “Phải rào cái cầu thang cũ lại cán bộ ạ. Thằng cháu mình hay nghịch ngợm, nó mà ngã thì toi”.

  • Ảnh bên : Sau mấy lần bị ngã, ông Hối Lớn (Pachepalanh) phải bỏ luôn chiếc cầu thang lên xuống này

Còn hàng loạt nhức nhối khác được Phó Chủ tịch UBND xã Màcooih Alăng Quý, liệt kê: Không có đất sản xuất, dân đói, đã tiêu hết tiền đền bù vào tivi, xe máy và đặc biệt là những khu nhà chênh vênh bên sườn núi, ngày đêm cận kề nguy cơ sạt lở.

Ngôi nhà số 52 của Alăng Brai bị nứt toang hoác từng đường, mặt tiền nhìn xuống là cái vực sâu hun hút nên gần như Brai chẳng còn muốn sửa sang, gia cố. Alăng Brai chán nản: “Muốn sửa sang cũng chẳng có tiền đâu cán bộ ơi. Mình đang tính đưa cả nhà ra rẫy ở”.

Mặc dù Pachepalanh và Cutchrun đã nguy hiểm chênh vênh nhưng nói về cấp độ sạt lở còn phải thua xa hai thôn Alua và Kala (xã Dang – Tây Giang).

Khi giải tỏa lòng hồ làm thủy điện A Vương, 69 hộ dân được tái định cư lên mạn ngược 4km, mặt đối diện dòng A Vương hung hãn, lưng dựa vào núi cao. Sau bão số 9, sông A Vương bị sạt lở thêm nửa mét, khiến nhiều hộ ở Alua và Kala bất an.

Anh Hối Nhép có nhà bị nứt, hư cầu thang và sát ngay mép sạt lở, lo lắng: “Sống ở đây, hễ trời mưa lớn là lại nghe tiếng đất đá vỡ ầm ầm". Trưởng thôn Kala, ông Hối Giang, kể: “Ở đây được bốn năm, nhưng người dân chưa ngày nào được yên thân. Mùa mưa lo sạt lở, mùa nắng cũng nằm không ở nhà vì không có đất trồng lúa, trồng bắp”.

  • Ảnh bên : Nhiều ngôi nhà ở thôn Alua đang trong tình trạng như thế này

Cũng như những khu TĐC khác, cả hai khu Alua và Kala có không dưới 10 người dân đã bị ngã vì cầu thang gãy. Ông Bríu Le – Chủ tịch xã Dang thống kê: Hộ Brước Rôn, Brước Rách, Brước Tình, Bước Tướp, Hối Le… ở thôn Alua và Hối Le, Hối Tinh, Brước Đàn, Hối Nhép... ở Kala cần phải di dời khẩn cấp.

Chính quyền cũng kêu cứu

Theo ông Bh’riu Liếc, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, đầu năm nay, UBND huyện nhất trí thông qua chương trình di dời dân ở hai thôn Alua và Kala sang khu mới ở thôn Badup (xã Dang), cao ráo, sạch sẽ an toàn và không chịu ảnh hưởng bởi sạt lở.

Chúng tôi bỏ kinh phí, cho dân chọn mẫu nhà mà họ thích, sau đó chúng tôi sẽ thuê đơn vị thi công làm cơ sở hạ tầng, làm nhà. Đảm bảo an toàn chứ không đẩy dân lên vùng sạt lở và thi công tùy ý như thủy điện A Vương hồi xưa nữa” – Ông Liếc nói.

Trao đổi với PV, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang - ông Bh’riu Liếc cho rằng, cần phải di dời ngay các khu TĐC thủy điện, nếu không muốn xảy ra những hậu quả đáng tiếc.

Chúng tôi kêu cứu nhiều rồi, đích thân tôi xuống tận tỉnh, ra tận Hà Nội kiến nghị, nhưng rồi sự việc vẫn vậy. Việc cần kíp trước mắt là cần phải di dời ngay, đặc biệt là khu TĐC Alua và Kala. Cấp trên không làm thì chúng tôi sẽ làm” - Ông Bh’riu Liếc nói. 

Được biết, khu mới của hai thôn Alua và Kala ở Badup sẽ cấp đất rừng cho dân đủ làm rẫy. Ngoài ra, dân cũng sẽ có vườn để trồng cây… Dự kiến đầu năm 2010 huyện Tây Giang sẽ thi công hai khu nhà ở Badup.

Không được may mắn như Alua, Kala, các hộ dân ở Pachepalanh và Cutchrun vẫn chờ di dời. Bí thư Đảng ủy xã Màcooih – ông Alăng Bàng mới đây làm báo cáo thống kê những nguyện vọng của người dân lên chính quyền cấp trên.

Ông Bàng nhấn mạnh: “Mặt bằng nhà ở kiểu ruộng bậc thang không đảm bảo cho dân. Hiện nay tường nứt, nhà lún, dân đang hoang mang vì sạt lở. Ngoài ra, đã  bốn năm nay, đời sống ở hai khu TĐC Pachepalanh và Cutchrun gặp rất nhiều khó khăn vì không có đất canh tác. Chúng tôi kiến nghị cần di dời gấp”.

Nam Cường

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...