Ashui.com

Wednesday
Nov 27th
Home Tương tác Góc nhìn TPHCM: không gian xanh đang hẹp dần

TPHCM: không gian xanh đang hẹp dần

Viết email In

TPHCM đề ra chỉ tiêu trong giai đoạn 2006-2010 sẽ phát triển diện tích công viên cây xanh đạt bình quân 4,5 m2/người, và đến năm 2015 là 7- 8m2/người. Tuy nhiên đến nay, diện tích công viên chỉ đạt khoảng gần 1 m2/người.

Theo Sở Giao thông vận tải TPHCM, công tác phát triển thêm mảng xanh ở thành phố đang có nhiều khó khăn; bởi thực tế hiện nay, quỹ đất dành cho việc xây dựng công viên tại 13 quận nội thành hầu như không còn.

Ngoài ra, cũng theo Phòng Quản lý công viên cây xanh của Sở Giao thông vận tải thành phố, tại 11 quận huyện khác thì tỷ lệ đất dành cho công viên, vườn hoa thuộc các dự án khu dân cư lại không được quan tâm đúng mức, chủ đầu tư dự án không tuân thủ đúng quy hoạch đã được phê duyệt.

Cần 12.000 tỉ đồng để phát triển công viên cây xanh

Tính đến tháng 8-2009, các Khu Quản lý giao thông đô thị thuộc Sở Giao thông vận tải đang quản lý trên 71.000 cây xanh đường phố và khoảng 691 héc ta công viên vườn hoa trên toàn thành phố.

  • Ảnh bên : Người dân đang vui chơi giải trí, thư giãn tại Công viên Gia Định, quận Phú Nhuận, TPHCM

Một trong những nguyên nhân làm các dự án xây dựng công viên của thành phố bị chững lại, không triển khai được, theo Sở Giao thông vận tải là vì thành phố thiếu vốn.

Ví dụ: dự án nâng cấp Công viên Gia Định – giai đoạn 3 rộng 17,6 héc ta, chưa triển khai được vì chưa bố trí được nguồn vốn đầu tư. Hoặc dự án phục hồi, nâng cấp Công viên Tao Đàn, quận 1 đang thực hiện giải tỏa các hộ dân và di dời các cơ quan nhà nước trong khuôn viên để phục hồi diện tích công viên cũng dậm chân tại chỗ gần 10 năm qua cũng chỉ vì nguyên nhân thiếu vốn.

Để đạt mục tiêu phát triển công viên cây xanh đến năm 2015 với tỷ lệ cây xanh bình quân 7– 8 m2/người, thì thành phố cần phát triển thêm khoảng 3.932 héc ta công viên cây xanh ở các quận huyện nội ngoại thành, và công viên, vườn hoa thuộc các dự án khu dân cư.

Theo Sở Giao thông vận tải, chi phí đầu tư cây xanh công viên mất khoảng 300.000 đồng/m2, như vậy, tổng chi phí trồng mới 3.932 héc ta công viên cây xanh cũng mất đến gần 12.000 tỉ đồng. Đây là khoản tiền đầu tư lớn, chưa kể chi phí bảo dưỡng cây xanh cũng lên đến hàng trăm tỉ đồng mỗi năm nên khó khuyến khích chủ đầu tư các dự án khu dân cư bỏ tiền trồng cây xanh đúng như quy hoạch.

Bên cạnh đó, việc quy hoạch 1/2000 tại các quận huyện hiện nay chưa được quan tâm đúng mức về xây dựng mảng xanh.

Ngoài việc duy tu, bảo dưỡng cây xanh đường phố thường xuyên; hiện nay, Sở Giao thông vận tải đã giao cho Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 làm chủ đầu tư đề tài nghiên cứu “Bảo tồn cây xanh trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh”. Đề án này đã được các nhà khoa học của thành phố tham gia xác định “tiêu chí cây xanh cần được bảo tồn trên địa bàn thành phố”.

Cách đây 4 năm, Sở Giao thông vận tải đã triển khai đồ án “Điều chỉnh quy hoạch công viên cây xanh TPHCM giai đoạn 2010 và quy hoạch dài hạn đến năm 2025”. Tuy nhiên, đề án này đến nay vẫn chưa được Sở Quy hoạch-Kiến trúc hướng dẫn lập quy hoạch và việc kết nối đồ án quy hoạch hệ thống công viên cây xanh với quy hoạch xây dựng chung của thành phố cũng chưa rõ ràng, cụ thể...

Theo Sở Giao thông vận tải, sắp tới, sau khi khảo sát toàn bộ diện tích đất công viên, cây xanh ở 24 quận huyện, sở sẽ kiến nghị UBND thành phố những giải pháp cụ thể để phát triển mảng xanh nhằm đạt chỉ tiêu đề ra trên cơ sở có sự tham gia của bốn sở ngành liên quan gồm Sở Giao thông vận tải, Sở Quy hoạch-Kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường.

Liệu “lá phổi” của thành phố có còn bị thu hẹp?

Tỷ lệ cây xanh đô thị bình quân trên đầu người tại các thành phố lớn của Việt Nam quá thấp so với các thành phố trên thế giới.

Bình quân diện tích cây xanh ở Berlin, Đức là 50 m²/người; ở Paris, Pháp là 25 m²/người; ở Moscow, Nga là 44 m²/người hay ở Anh, diện tích cây xanh của London là 9 m2/người.   

Ông Cao Tùng Sơn, Phó phòng quản lý môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, cho biết cây xanh không chỉ góp phần tạo vẻ mỹ quan cho bộ mặt thành phố, mà còn giúp hấp thu khí CO2, tạo khí ôxy, giúp điều hòa nhiệt độ, ngăn chặn tiếng ồn, khói bụi từ hoạt động giao thông …

Theo số liệu từ Tổng cục Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, lượng khí CO2 do một người thải ra trong một ngày sẽ được hấp thu hết bởi 10 m2 cây xanh. Thiếu cây xanh, tình trạng ô nhiễm không khí có thể gia tăng, gây tác hại trực tiếp đến sức khỏe con người (làm gia tăng các bệnh về hô hấp, mắt… ). “Mặc dù ai cũng biết tác hại của việc thiếu mảng xanh, nhưng công tác phát triển mảng xanh đô thị tại TPHCM nhiều năm qua nói thì nghe dễ, nhưng xem ra làm thì quá khó”, ông Sơn nói.

Ông Sơn cho ví dụ: trước đây, thành phố cũng đã tính toán việc di dời các cơ sở ô nhiễm từ nội thành ra ngoại thành cũng nhằm mục tiêu tạo thêm quỹ đất cho phát triển mảng xanh khu vực nội thành. Nhưng cuối cùng, khi các doanh nghiệp gây ô nhiễm đã di dời, đất còn lại đa phần là dành cho các dự án mang lại lợi nhuận, các dự án khu dân cư, chứ còn dành đất để xây công viên cây xanh, vốn không mang lại lợi nhuận thì lại bị xem nhẹ, hoặc lãng quên!

Theo ông Sơn, vấn đề cần lưu ý là không phải mỗi lần lâm vào bài toán nan giải như nạn kẹt xe, ùn tắc giao thông thì lại tính đến chuyện lấy đất công viên để mở rộng đường. Chẳng hạn như thời gian gần đây xuất hiện thông tin sẽ "xén" bớt Công viên Gia Định, quận Phú Nhuận để làm đường vành đai Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – vành đai ngoài. Hay như Sở Giao thông vận tải đề xuất xẻ Công viên Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình để làm đường băng ngang qua công viên nhằm giảm tình trạng ùn tắc giao thông ở đường đến sân bay Tân Sơn Nhất...                

Nếu xẻ bớt công viên làm đường như hiện nay thì chỉ tiêu phát triển cây xanh 7– 8 m2/người mà thành phố đặt ra cho những năm tới sẽ là không khả thi”, ông Sơn nhận định. Chưa kể, tình trạng khá phổ biến ở các dự án khu dân cư khắp các quận huyện hiện nay là do lợi ích kinh tế, “tấc đất tấc vàng” nên nhà đầu tư chỉ muốn tăng diện tích xây dựng công trình lên tối đa để tăng lợi nhuận. Điều này phần nào làm diện tích đất trồng cây xanh bị thu hẹp, hoặc không dành đất xây công viên.

Theo Sở Giao thông vận tải TPHCM,  hiện có 4 dự án bãi đậu xe ngầm và dịch vụ công ích đã và đang chuẩn bị triển khai xây dựng, trong đó có những địa điểm thuộc các công viên khu vực trung tâm thành phố. Các dự án này gồm:

- Dự án xây dựng khai thác tầng ngầm Công viên Lê Văn Tám, quận 1 với tổng vốn đầu tư khoảng 1.700 tỉ đồng do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển không gian ngầm làm chủ đầu tư. Diện tích đất nổi mặt đất là 560 m2. Dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2012.

- Dự án bãi đậu xe ngầm Công viên Chi Lăng, quận 1, do Công ty Vincom làm chủ đầu tư. Dự án đang trong quá trình xây dựng, diện tích đất nổi mặt đất khoảng 210 m2. Dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2011.

- Dự án bãi đậu xe ngầm sân vận động Hoa Lư, quận 1 do Công ty TNHH Đông Dương làm chủ đầu tư với tổng vốn khoảng 950 tỉ đồng. Sở Kế hoạch và Đầu tư đang tổng hợp ý kiến đề xuất trình UBND thành phố xem xét.

- Dự án bãi đậu xe ngầm sân bóng đá Tao Đàn, quận 1 do Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDICO) làm chủ đầu tư với tổng vốn khoảng 1.183 tỉ đồng. Diện tích đất xây dựng khoảng 11.560 m2. UBND thành phố đã chấp thuận đề xuất dự án, chủ đầu tư đang nghiên cứu, thực hiện dự án. 

Văn Nam 

>> Mất mảng xanh vì... quản lý quy hoạch chưa chặt 

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...