Hàng trăm công trình thủy điện lớn nhỏ đã và được xây dựng ở miền Trung - Tây Nguyên không chỉ tàn phá rừng núi, xâm hại môi sinh như đã biết, mà đồng thời đang góp phần hủy hoại triệt để bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số bằng các khu tái định cư.
Chỉ mới vài khảo sát ở Quảng Nam, các làng tái định cư A Vương, Sông Tranh 2, 3, Đắc My... cho thấy, hầu hết người dân không chịu vào ở làng mới vì nhiều nguyên nhân, trong đó có lý do chính là nơi ở mới thiếu không gian sinh hoạt đặc trưng cho cộng đồng làng của đồng bào các dân tộc thiểu số. Tại Dự án thủy điện Sông Tranh 2, đồng bào Cor phải nhặt nhạnh cả tấm nylon, tre nứa vụn vặt để dựng nhà rông, làm nơi sinh hoạt cộng đồng.
Đất rừng mênh mông là vậy, nhưng không rõ từ quan điểm nào, các khu tái định cư cho đồng bào dân tộc ít người lại đều được xây dựng theo kiểu nhà phố, liền kề. Ở miền núi, theo tập quán đồng bào, làng bao giờ cũng cấu trúc theo lối phòng thủ hình móng ngựa. Sự cư trú quần thể này có chủ đích tạo nên mối liên kết hỗ trợ, tương trợ trên mọi phương diện.
- Ảnh bên : Cầu Nước Xa, thuộc Đường tránh ngập, Khu tái định cư Thủy điện Sông Tranh 2 (nguồn: cavicobt.com)
Bên cạnh đó, theo các nhà dân tộc học, không phải ngẫu nhiên mà người dân miền núi sống trên nhà sàn làm bằng tre, nứa hay gỗ. Hiện tượng này xuất phát từ đặc điểm, khí hậu, thung thổ rừng núi; hàng ngàn năm qua, ngôi nhà sàn làm bằng các loại vật liệu từ rừng giúp con người tránh được thú dữ, rắn rết. Trong nhà, vị trí quan trọng nhất là cái bếp đặt giữa nhà luôn đỏ lửa, không chỉ làm nơi nấu nướng thức ăn, chống sương lam, chướng khí... mà còn là biểu tượng tồn vong cho mỗi gia đình, dòng tộc.
Cách xây dựng vội vã những dãy nhà trệt nền ximăng, lợp tôn (hay ngói) đều chằn chặn giống hệt miền xuôi kia đã gây rất nhiều khó khăn, hay nói chính xác hơn đã hủy hoại môi trường sinh hoạt văn hóa, tinh thần của đồng bào.
Ở tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (thời chưa tách tỉnh), Tỉnh ủy đã từng có Nghị quyết 25, đưa miền núi tiến kịp miền xuôi. Thực hiện chủ trương định canh, định cư, tách hộ, lập vườn..., người ta cũng đã từng biến những bản làng truyền thống trở thành những ngôi làng kiểu mẫu nông thôn mới giống miền xuôi.
- Ảnh : Khu tái định cư Cutsch’run huyện Đông Giang, Quảng Nam (nguồn: VNN)
Sau vài ngày tiếp nhận, đồng bào lại vào rừng chặt gỗ, dựng nhà sàn sống bên cạnh ngôi nhà mới hay bỏ về làng cũ. Hỏi ra, già làng cho biết nhà mới chỉ để tiếp khách cán bộ huyện, tỉnh về, còn đồng bào đi trên sàn ximăng... lạnh chân, đau ốm suốt, nên không thích làng mới. Thực chất là họ bị tách ra khỏi môi trường sống quen thuộc từ ngàn năm qua, nên có phản ứng vậy. Vì thế có nơi chính quyền đành phải nhượng bộ, để đồng bào trở lại với tập quán sinh hoạt cũ.
Với đồng bào các dân tộc thiểu số, làng là môi trường đào tạo nhân cách, tri thức, kinh nghiệm trong sản xuất, phương thức ứng xử trong đời sống vật chất lẫn tinh thần của các thành viên; là đại diện chân dung của mỗi tộc người. Vì lý do này, đối với miền núi, nhiều năm qua Chính phủ đã quan tâm đầu tư hàng núi tiền để bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.
Tái định cư cho miền núi chính là điều kiện tốt nhất cải thiện đời sống kinh tế, đồng thời góp sức làm nhiệm vụ trên. Thế nhưng sự thiếu ý thức của chủ đầu tư ngành điện, kết hợp với ý chí muốn "tiến cho kịp miền xuôi" theo nghĩa đơn giản của chính quyền các địa phương miền núi đã làm biến dạng cấu trúc của nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số. Đối với sự thiệt hại về kinh tế có thể làm lại được, nhưng sự mất mát các giá trị văn hóa thì vô phương khôi phục, hoặc có cố làm lại thì cũng chỉ là thứ văn hóa giả.
Nguyễn Trung Hiếu
- KTS Võ Thành Lân: "Chúng ta đang đi ngược bản chất của đô thị"
- Dân số và đô thị
- Hàng ngàn tỉ đồng treo trên mỗi dòng sông
- Cuộc sống giữa những công trình kiến trúc
- Phủ kín quy hoạch và làm quy hoạch
- Nhà vườn còn lại giữa phố cổ Hà Nội
- Giữ của cho người Ê Đê
- Tái định cư trên miệng vực
- TPHCM: không gian xanh đang hẹp dần
- Đại lộ Đông - Tây: Thiết kế đô thị vẫn chạy sau