Nằm khuất sau phố cổ Hàng Bạc nhộn nhịp là một không gian xanh, yên bình của ngôi nhà vườn gần 100 tuổi. Ngôi nhà vườn này đã thu hút rất nhiều du khách nước ngoài tìm đến như một địa chỉ còn lưu giữ những giá trị văn hóa tinh thần của phố cổ Hà Nội...
Nép mình giữa những ngôi nhà mới, ngôi nhà vườn số 115 trên phố Hàng Bạc (cổng sau là số 6 Đinh Liệt) còn lưu hồn phách của kiến trúc nhà cổ, gắn với nếp sống của một gia đình đậm chất Hà thành. Theo BQL phố cổ Hà Nội, đây là ngôi nhà vườn duy nhất có giá trị còn lại trong khu phố cổ Hà Nội cần bảo tồn, tôn tạo. Ngôi nhà này từng được các chuyên gia Nhật Bản giới thiệu trong cuốn sách “The 36 Guild streets”area Hanois Ancient Quarter”.
- Ảnh bên : Mái ngói ngôi nhà vườn cổ.
Cụ Phạm Thị Tề - chủ ngôi nhà vườn cổ năm nay 96 tuổi kể, vào khoảng năm 1890, khi bắt đầu hình thành phố nghề vàng bạc (phố Hàng Bạc) thì gia đình chồng cụ từ làng Châu Khê (của tỉnh Hải Hưng cũ) lên Hà thành sinh cư lập nghiệp mang theo nghề lọc vàng lá hiệu “Sư tử”. Vào khoảng năm 1920, vợ chồng cụ tích cóp mua mảnh đất rộng gần 600m2 xuyên 2 mặt phố Đinh Liệt và Hàng Bạc, và bắt đầu cho xây dựng ngôi nhà vườn này.
Khác với sự ồn ào, náo nhiệt của phố xá bên ngoài, đi vào ngôi nhà vườn là một không gian tĩnh lặng, yên bình với không gian xanh mát của những hàng cau cao vút, cây móng rồng, tre đằng ngà, trúc quân tử... Ngôi nhà được xây 2 tầng, rộng 200m2, mang phong cách kiến trúc Pháp pha trộn với kiến trúc đình làng Việt cổ, với những mái ngói uốn cong vút... Khu vườn được thiết kế rộng 180m2, còn lại là lối ngõ, đường đi… Ngắm nhìn khung cảnh nơi đây, những nét sinh hoạt cũ vẫn còn được giữ lại, nhiều du khách coi ngôi nhà vườn cổ này như một bảo tàng sống của người Hà Nội cũ.
- Ảnh bên : Một góc ngôi nhà vườn.
Trong 8 người con của cụ Tề, trừ người con trai út sống ở TP.HCM, thì 7 cặp dâu rể (đều đã lên tuổi ông bà) hiện đều sinh sống trong ngôi nhà vườn này. Thế hệ cháu (đã lập gia đình) và chắt (17 chắt, trong đó có những chắt đã 24 tuổi) của cụ Tề thì chuyển đến nơi ở mới. Ngôi nhà vườn gồm 16 phòng, cụ Tề chia cho mỗi cặp vợ chồng con cái 2 phòng, riêng người con trai trưởng 3 phòng. Trong gia đình cụ, các con vẫn luôn giữ lề lối gia đình nền nếp, nho nhã, ăn ở kính trên nhường dưới. “Tuy có những lúc xáo trộn, kinh tế khó khăn, nhưng trong ngôi nhà này các con không ai cãi nhau với ai, luôn có sự đồng nhất, đồng thuận, đó là nhờ có mẹ tôi - cụ Tề, đứng ra dung hòa các mối quan hệ. Sống từ tấm bé bên mẹ, đến nay con trai con gái ai cũng đã đầu bạc vẫn được sống cạnh cụ, ai cũng nghe lời mẹ và không dám cãi lại cụ một lời” - con trai trưởng của cụ Tề, ông Phạm Ngọc Giao nói.
- Ảnh bên : Cụ Phạm Thị Tề chăm sóc cây bên hiên nhà (Ảnh: H.N.N)
Hoàng Nhật
- Dân số và đô thị
- Hàng ngàn tỉ đồng treo trên mỗi dòng sông
- Cuộc sống giữa những công trình kiến trúc
- Phủ kín quy hoạch và làm quy hoạch
- Tiến cho kịp miền xuôi (!)
- Giữ của cho người Ê Đê
- Tái định cư trên miệng vực
- TPHCM: không gian xanh đang hẹp dần
- Đại lộ Đông - Tây: Thiết kế đô thị vẫn chạy sau
- Lộn xộn chung cư tư nhân