Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Tương tác Góc nhìn Vì sao phải bảo tồn Bệnh viện Nhi Đồng 2?

Vì sao phải bảo tồn Bệnh viện Nhi Đồng 2?

Viết email In

Quyết định xây lại hay bảo tồn quần thể kiến trúc của Bệnh viện Nhi Đồng 2 sẽ là một bằng chứng cho quan điểm phát triển đô thị của TPHCM trong thời gian tới.

Dự án xây lại Bệnh viện Nhi Đồng 2 do Tổng công ty cổ phần Đền bù giải tỏa đề xuất đang được Chính quyền TPHCM xem xét. Nếu chấp nhận dự án, TPHCM sẽ có một bệnh viện nhi hiện đại theo chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, cái giá phải trả cho dự án này có thể đắt hơn nhiều so với số tiền 3.200 tỉ đồng đầu tư.

Ai được lợi nhất?

Bệnh viện Nhi Đồng 2 được người Pháp xây dựng từ hơn 130 năm trước trong ô phố rộng hơn 8,6 héc ta giữa bốn mặt tiền đường Lý Tự Trọng, Hai Bà Trưng, Nguyễn Du và Chu Mạnh Trinh (quận 1). Đây là một quần thể kiến trúc rất độc đáo, đã được đưa vào chương trình nghiên cứu bảo tồn di sản hơn 11 năm trước. 

  • Ảnh bên : Bệnh viện Nhi Đồng 2 hiện nay (Ảnh: Lê Toàn)

Thế nhưng, bây giờ, lấy lý do bệnh viện “quá tải”, “xuống cấp”, “công năng khu đất sử dụng chưa hiệu quả”... nhà đầu tư đề xuất đập bỏ những công trình có giá trị về nghệ thuật kiến trúc và lịch sử để xây bệnh viện cao tầng. Đề xuất này đang được một số sở ngành của thành phố ủng hộ - chấp nhận đánh đổi một di tích về kiến trúc để có một bệnh viện được cho là hiện đại.

Vậy thì dự án được thiết kế cho mục đích nào và phục vụ ai? Để so sách đánh giá một cách khách quan và toàn diện, theo KTS. Ngô Viết Nam Sơn, có thể sử dụng một hệ quy chiếu với các tiêu chí theo công thức: Y = (X1 x X2 x X3 x X4)/T. Trong đó, Y là hiệu quả chiến lược phát triển; X1 là lợi ích cho quốc gia; X2 là lợi ích cho địa phương; X3 là lợi ích cho nhà đầu tư; X4 là lợi ích cho nhân dân; và T là kế hoạch đầu tư theo thời gian.

Như vậy, có thể thấy dự án xây lại Bệnh viện Nhi Đồng 2 có lợi quốc gia, địa phương, nhà đầu tư và cả người dân (dù quy mô số giường bệnh không thay đổi so với hiện nay - 1.000 giường). Tuy nhiên, để có được bệnh viện này, ở phương diện quốc gia, địa phương và người dân đều phải trả giá (quốc gia và địa phương phải chi ra 3.200 tỉ đồng cộng lãi suất và người dân sẽ chịu thiệt suốt thời gian xây mới bệnh viện); chỉ riêng có nhà đầu tư là không chịu thiệt gì cả - thu lợi trên suất đầu tư 3.200 tỉ đồng!

Thế nhưng cái mất lớn nhất đối với quốc gia, địa phương và người dân không phải bằng tiền mà là vĩnh viễn mất đi một quần thể kiến trúc độc đáo thuộc trào lưu kiến trúc Đông Dương rất có giá trị và ý nghĩa đối với lịch sử phát triển đô thị Sài Gòn - TPHCM. Mất mát này không thể đong đo được!

Vì sao phải bảo tồn?

Ý tưởng xóa sổ Bệnh viện Nhi Đồng 2 sẽ ủi sạch dần dấu ấn của thành phố. Người dân TPHCM sẽ dần không còn gì để nhớ về thành phố của mình nữa.

Thay vào đó, nơi trước kia từng là bệnh viện kết hợp công viên, với công trình cổ trầm tư giờ sẽ là một cao ốc bóng lộn. Liệu TPHCM có muốn đánh đổi những báu vật của người xưa để lấy “cuộc sống hàng hiệu” đó không? 

Thực tế không thể chối cãi là quần thể kiến trúc của Bệnh viện Nhi Đồng 2 là một di sản của đô thị TPHCM. Như KTS. Nguyễn Trường Lưu nhận định, về mặt kỹ thuật, quần thể kiến trúc của Bệnh viện Nhi Đồng 2 rất tiêu biểu cho cả một thời kỳ phát triển khoa học kỹ thuật xây dựng. Vì thế, việc bảo tồn công trình kiến trúc này là cần thiết.

Việc phá hủy các công trình văn hóa, lịch sử để thay vào đó một loại kiến trúc hiện đại trong trường hợp này liệu có làm cho thành phố tốt hơn? Ông Nguyễn Hồng Ngọc, Học viện Cao học ngành quy hoạch đô thị Đại học Kansas (Mỹ), cho rằng chính những công trình kiến trúc có giá trị văn hóa cao như Bệnh viện Nhi Đồng 2 mới tạo nên cá tính cho nơi chốn, hay nói cách khác là cái hồn của thành phố.

Các công trình có giá trị về kiến trúc như Bệnh viện Nhi Đồng 2 chính là những biểu tượng của thành phố. Nhờ chúng mà người ta phân biệt thành phố này với thành phố khác. Chúng chính là đặc trưng của một thành phố. Đặc trưng ấy cũng giống như đặc trưng của một con người. Nó phải là cái riêng, cái không lẫn vào đâu được, nó phải là cái khẳng định cái “tôi” của thành phố.

  • Ảnh bên : Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM nguyên trước đây là bệnh viện Grall (Đồn Đất) thuộc trào lưu kiến trúc Đông Dương thời Pháp thuộc.

Ý tưởng xóa sổ Bệnh viện Nhi Đồng 2 sẽ ủi sạch dần dấu ấn của thành phố. Người dân TPHCM sẽ dần không còn gì để nhớ về thành phố của mình nữa. Thay vào đó, nơi trước kia từng là bệnh viện kết hợp công viên, với công trình cổ trầm tư giờ sẽ là một cao ốc bóng lộn. Liệu TPHCM có muốn đánh đổi những báu vật của người xưa để lấy “cuộc sống hàng hiệu” đó không?

KTS. Kathrin Moore, nguyên Chủ tịch Hội KTS Hoa Kỳ, từng tham gia quy hoạch đô thị Phú Mỹ Hưng, nói rằng hơn 10 năm trước, khi đến TPHCM, nhìn trụ sở UBND thành phố thấy rất hài hòa với không gian xung quanh; nhưng nay quay lại, nhiều nhà cao tầng trên đường Nguyễn Huệ, Lê Thánh Tôn khiến sự hài hòa dường như không còn nữa.

Thật vậy, thời gian qua, đô thị TPHCM phát triển nhưng thiếu quan tâm đến việc bảo tồn các công trình kiến trúc có giá trị lịch sử. Đại lộ Đông - Tây đã xóa sổ dãy nhà kiến trúc Pháp - Tàu trên đường Trần Văn Kiểu (quận 6) - đồng nghĩa với việc xóa luôn nét văn hóa trên bến dưới thuyền (đặc trưng của vùng Chợ Lớn) tại đây. Hay như việc nhiều biệt thự đặc trưng thời Pháp thuộc ở quận 1, quận 3 đã và đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ...

Theo KTS. Nguyễn Hữu Thái, bảo tồn là giữ lại cái hồn đô thị. Mà cái hồn đô thị chính là quá khứ - ký ức tập thể của một xã hội - lịch sử gắn kết dân cư một cộng đồng. Vì vậy, không nên ủng hộ khuynh hướng đập bỏ cái cũ để xây cao ốc hiện đại.

Có nhiều ý kiến cho rằng, việc đầu tư một bệnh viện nhi đạt tiêu chuẩn quốc tế không nhất thiết phải xây trên ô phố có nhiều công trình kiến trúc có giá trị như Bệnh viện Nhi Đồng 2. Theo KTS. Ngô Viết Nam Sơn, các bệnh viện cao tầng có thể xây dựng ở các cửa ngõ của thành phố, theo quy hoạch chung xây dựng thành phố đã được lập. Điều này không những giúp bảo tồn các di sản kiến trúc trong khu trung tâm hạt nhân của đô thị TPHCM mà còn giảm áp lực về hạ tầng giao thông đang quá tải của khu vực này.

KTS. Kathrin Moore nói rằng: “Nhà đầu tư thường không quan tâm đến vấn đề bảo tồn khi thực hiện các dự án bất động sản và thường chọn địa điểm thuận lợi để xây dựng, nhưng theo tôi, chính quyền cần phải biết mình nên bảo tồn những khu vực nào”.

Quang Chung

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo