Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Góc nhìn Cận cảnh nghèo đô thị

Cận cảnh nghèo đô thị

Viết email In

Mặc dù thống kê chính thức chỉ ra tỷ lệ hộ nghèo ở đô thị đã giảm xuống mức rất thấp nhưng nhiều chuyên gia cảnh báo các số liệu về chuẩn nghèo chưa phản ánh đúng tình trạng thực tế. Bài viết cung cấp cái nhìn cận cảnh về nhóm đối tượng có tính tổn thương cao này.

Sáu năm chưa trả hết khoản nợ 2,5 triệu đồng

Đã quá 12 giờ trưa, ông Đặng Văn Bình, một người chạy xe ôm, vẫn cố nán lại “bến đỗ” mong đón thêm một vị khách trước khi đi ăn cơm bụi. Khuôn mặt sạm đen vì gió bụi, ông quệt mồ hôi, thẫn thờ ngồi nhìn con đường thưa vắng khách. Hơn sáu năm nay ông sống với nghề hít bụi đường.

Ngày nào cũng vậy, ông xe ôm ngoại ngũ tuần này ngồi chờ khách từ sáng sớm đến khi thành phố lên đèn. Một tháng 30 ngày ông chạy xe đều đặn không có ngày nghỉ. Ông nói, còn sức thì cứ làm chứ lúc ốm đau chả biết trông cậy vào đâu. 

  • Ảnh bên : Cư dân của một khu dân cư nghèo ở quận 2, TPHCM (Ảnh: Lê Toàn)

Nhà ông có bốn người, vợ nghỉ việc từ năm 1983, giờ nhận trông ba đứa trẻ tại gia được chừng 2,5 triệu đồng/tháng nhưng không có bảo hiểm. Cậu con trai đầu làm cho công ty tư nhân, mỗi tháng đưa mẹ 500.000 đồng tiền ăn. Cô út mới rớt đại học, xin ba mẹ nuôi ăn học năm sau thi lại.

Ông là lao động chính trong nhà. Suốt ngày quần quật, dãi dầu mưa nắng, hít đủ thứ khói bụi độc hại mà cũng chỉ kiếm được 70.000-80.000 đồng, trừ các chi phí xăng nhớt, ăn uống còn lại 50.000 đồng. Vị chi thu nhập của ông dao động từ 1,5-2 triệu đồng/tháng, vừa đủ đóng tiền học ôn ba môn thi đại học cấp tốc trong một tháng cuối cho cô con gái trong kỳ thi vừa qua. Nếu tính khoản học phí trường dân lập năm học qua với mức 300.000 đồng/tháng và các khoản phí khác, thu nhập của ông cũng không đủ cho con đi học. Một gia đình bốn miệng ăn mà thu nhập chỉ có 4,5 triệu đồng/tháng thì phải chắt bóp giữa đất Thủ đô, thế nên hai vợ chồng ông không dám mua bất cứ loại bảo hiểm nào mặc dù biết là cần.

Ông Bình từng có thâm niên 11 năm làm thợ gò hàn ở nhà máy sửa chữa ô tô thuộc Cục Vận tải Ô tô (cũ) của Bộ Giao thông Vận tải từ năm 1973-1984. Năm 1984, ông đi xuất khẩu lao động ở Bungari rồi về nước tháng 12-1990 và thuộc diện lao động dôi dư phải nghỉ theo Nghị định 176 của Chính phủ. Sau đó ông nộp hồ sơ yêu cầu giải quyết các chế độ nhưng mãi đến năm 1995 mới được bồi thường... 2,5 triệu đồng.

Suốt thời gian đó ông Bình vác đơn xin việc khắp nơi, nhưng chỗ nào người ta cũng lắc đầu dù ông là thợ “cứng”. Bí quá ông đành xin một chân bảo vệ ở công ty nhà nước. Số tiền 2,5 triệu đồng “giải quyết chế độ” cho thời gian 17 năm công tác nhà nước của ông được dùng để sắm một chiếc ti vi Samsung 14 inch đến nay vẫn gắn bó với gia đình ông.

Tưởng yên phận với nghề bảo vệ, nào ngờ tháng 6-2003 công ty ông sáp nhập với một công ty khác nên phải tinh giản biên chế. Vận may một lần nữa ngoảnh mặt với người đàn ông này. Buộc phải nghỉ hưu lần thứ hai trong đời theo Nghị định 41 của Chính phủ, ông mất hết niềm tin. Sảy nhà ra thất nghiệp, ở phía bên kia con dốc cuộc đời, ông Bình mua chiếc xe máy hơn 5 triệu đồng làm cần câu cơm. Một nửa số tiền mua xe là vay của ông anh vợ. “Hơn sáu năm trời chạy xe mà tôi chưa trả hết nợ. Ông ấy chắc cũng chả nỡ đòi bởi có đòi tôi cũng chẳng biết lấy gì trả”.

Làm nghề lái xe ôm, ông Bình nếm đủ mùi cực nhọc và thấm thía cái giá làm người lương thiện sao quá đắt. Trăm thứ lo nặng trĩu hai vai: khói xe, bụi đường, tiếng ồn, rồi lo sợ tai nạn, trộm cướp. Nhưng, ông sợ nhất là đến năm 60 tuổi hết sức lao động mà không có tấm thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội giắt lưng phòng tuổi già đau ốm bất chợt.

Hơn 26 năm làm việc trong các cơ quan nhà nước và đi xuất khẩu lao động tôi đều đóng đầy đủ các khoản bảo hiểm, tuy bị ngắt quãng nhưng cũng có 26 năm tham gia. Thế mà hai lần “nghỉ một cục” tôi chỉ nhận được tổng cộng gần 20 triệu đồng theo chế độ. Giờ ra đường kiếm sống có vô số rủi ro mà lại không có chế độ gì, chả khác nào gặp sóng to mà không có phao”, ông Bình chua chát.

Nhận diện và điều chỉnh

Chân dung cận cảnh của ông Đặng Văn Bình chỉ là một trong số rất nhiều câu chuyện về đời sống và gia cảnh của không hiếm thị dân giữa Hà Nội ngày nay. Chúng góp phần vẽ nên bức tranh tả thực về tình trạng nghèo đô thị, mà theo nhận xét của một số chuyên gia, vẫn chưa mô tả hết hiện tượng nghèo đô thị do chưa tính đến những dòng người nhập cư ồ ạt lên các đô thị.

Không thể không nói đến chuẩn nghèo đô thị được sử dụng cho năm 2008 không còn phù hợp với tốc độ tăng phi mã của giá cả trong vòng hai năm qua, đặc biệt trong năm 2008. Theo tính toán của các tổ chức Oxfam Anh và ActionAid Việt Nam, nếu tăng chuẩn nghèo lên 50% và áp dụng chuẩn này tại một số thành phố cho cuộc khảo sát nghèo năm 2009 của hai tổ chức trên, thì ước tính số hộ nghèo có thể tăng gấp hai hoặc thậm chí ba lần.

Từ năm 2007, năm Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Oxfam Anh, Oxfam Hồng Kông và ActionAid Việt Nam - các tổ chức đang hỗ trợ những nhóm người nghèo và thiệt thòi nhất ở Việt Nam - đã cùng với các đối tác địa phương triển khai sáng kiến “Theo dõi nghèo theo phương pháp cùng tham gia”. Các hoạt động trong sáng kiến bao gồm theo dõi các kết quả giảm nghèo hàng năm, gắn với các biến đổi về sinh kế cũng như khả năng tiếp cận thị trường của người nghèo tại một số khu vực điển hình.

  • Ảnh bên : Người nghèo vẫn chịu thiệt trong việc thụ hưởng các dịch vụ công như y tế, giáo dục... (Ảnh: Lê Toàn)

Trong báo cáo “Theo dõi nghèo đô thị theo phương pháp cùng tham gia” năm 2008 (công bố tháng 4-2009), các tổ chức thực hiện khảo sát cho rằng nhiều hộ dân nhập cư trong diện nghèo và cận nghèo còn chưa được nhận diện bởi không có số liệu thống kê chính thức về các đối tượng nghèo đô thị này. Lý giải điều này, một chuyên gia cho rằng các cuộc điều tra nghèo chính thức thường không xét đến những người nhập cư không có hộ khẩu ở nơi đến, kể cả khi họ đã cư trú ổn định nhiều năm tại nơi ở mới.

Chia sẻ với quan điểm trên, TS. Giang Thanh Long, giảng viên Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội và là thành viên nhóm soạn thảo Chiến lược An sinh Xã hội giai đoạn 2011-2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nói rằng đã đến lúc các chính quyền địa phương cần thay đổi cách quản lý người nhập cư. Ông kiến nghị không nên quản lý theo hộ khẩu, bởi lẽ những người nhập cư thường di chuyển liên tục giữa nơi họ đăng ký hộ khẩu thường trú với nơi họ đi làm ăn.

Chẳng hạn, một nhóm phụ nữ bán hoa quả quê Hưng Yên sáng lên Hà Nội bán hàng trong chợ, chiều về quê thì không thể đòi hỏi họ có hộ khẩu Hà Nội được. Thuật ngữ xã hội học gọi đây là hiện tượng di cư con lắc và vì thế phải xem họ như những người nghèo đô thị bởi nơi họ lao động chủ yếu là Hà Nội chứ không phải Hưng Yên.

Theo kiến nghị của Oxfam và ActionAid Việt Nam, giảm nghèo đô thị không thể thực hiện hiệu quả nếu không nhận diện đúng quy mô và vai trò của dòng người nhập cư trong bức tranh tổng thể về nghèo. Cần thực hiện bổ sung, cập nhật thêm các số liệu và đánh giá về nhóm nhập cư tại các vùng đô thị và tình trạng nghèo trong nhóm này sẽ giúp cơ quan chức năng quản lý các tiện ích cơ sở hạ tầng (điện, nước); cung cấp dịch vụ xã hội (giáo dục, y tế) và dịch vụ bảo trợ xã hội (giải quyết việc làm, hỗ trợ người nghèo và các nhóm xã hội đặc thù). Điều này sẽ giúp cung cấp đủ dữ liệu để hoạch định các kế hoạch ngân sách và đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu của người nghèo bản xứ và nhập cư.

Một vấn đề quan trọng trong giảm nghèo đô thị là cần điều chỉnh chuẩn nghèo đô thị nhằm phản ánh đúng chi phí cho các nhu cầu thiết yếu về lương thực - thực phẩm trong tình hình chỉ số giá tiêu dùng tăng nhanh trong hai năm trở lại đây. Tuy nhiên, nâng chuẩn nghèo đòi hỏi có thêm nguồn ngân sách để hỗ trợ nhóm cận nghèo.

Theo đánh giá của ActionAid và Oxfam, cách làm của Hà Nội (sau khi mở rộng) là áp dụng chuẩn nghèo mới từ đầu năm 2009 là thu nhập dưới 500.000 đồng/người/tháng tại khu vực thành thị và dưới 330.000 đồng/người/tháng tại nông thôn đã cho thấy hướng tiếp cận trên. Tuy nhiên, báo cáo cũng cho biết tại nhiều đô thị khác, ví dụ Hải Phòng, còn giữ chuẩn nghèo ở mức thấp theo mức chung của cả nước (tức là thu nhập dưới 260.000 đồng/người/tháng ở thành thị và 200.000 đồng/người/tháng tại nông thôn), do khó khăn về cân đối ngân sách hỗ trợ các gia đình nghèo.

Ngoài việc nâng chuẩn nghèo, điều then chốt là Nhà nước cần xây dựng một cơ chế điều chỉnh thường xuyên các chính sách hỗ trợ hộ nghèo và yếu thế cũng như chính sách bảo trợ xã hội cho phù hợp với mức lạm phát hàng năm.

Cũng liên quan đến việc tính toán chuẩn nghèo, ông Phùng Đức Tùng, một chuyên gia về vấn đề nghèo đói thuộc Công ty Nghiên cứu và Tư vấn Đông Dương (IRC), cho biết đường nghèo đói (biểu đồ) phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau, trong đó rổ hàng hóa đóng vai trò rất quan trọng trong việc xác định đường nghèo đói.

Việc tính toán đường nghèo trong những năm tới cần dựa trên một rổ hàng hóa sao cho phản ánh được đúng thói quen tiêu dùng tại thời điểm tính toán”, ông Tùng kiến nghị trong báo cáo “Xác định một chuẩn nghèo thống nhất cho Việt Nam” mà TBKTSG tiếp cận được.

Thành Trung

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo