Trao cho Huế “Chính sách đặc thù” là phù hợp, đúng thời điểm để hệ giá trị quý giá ấy được phát tiết trở thành “đô thị di sản”.
Cách đây chừng 10 năm, khi người láng giềng Đà Nẵng bứt tốc trở thành đô thị công nghiệp phát triển hàng đầu thì Huế vẫn lặng lẽ. Họ dường như hài lòng với những gì mình có - di sản hoàng thành, sông Hương núi Ngự, tiếng chuông trầm mặc và thanh âm vang vọng từ quá khứ hoàng kim.
Di tích thành nội Huế vẫn còn nguyên hiện trạng
Nhiều nhân sĩ trí thức cảm thấy “chật chội” vì Huế khó nảy nở, kém chúng thua bạn, họ chọn cách ra đi; hàng vạn sinh viên đến đất cố đô học tập, lĩnh hội thành tài rồi xuôi về phương Nam lập nghiệp.
Làn sóng công nghiệp quét qua, nhiều địa phương cấp tốc xây khu công nghiệp, trải thảm đỏ thu hút đầu tư bằng mọi giá, kể cả những dự án cam kết rất yếu về bảo vệ môi trường, cảnh quan. Bao nhiêu năm đó, Huế không vội vàng!
Sức công phá của công nghiệp và đô thị hóa rất ghê gớm, bên cạnh vẻ hào nhoáng thịnh vượng, nó có thể làm thay đổi tận tâm can con người, bẻ gãy kết cấu xã hội, rạn rứt các giá trị văn hóa. Thực trạng này đã diễn ra không ít ở nước ta. Bao nhiêu năm này Huế vẫn kiên định!
Tản bộ dọc những con đường bao quanh thành nội Huế bây giờ, dễ cảm nhận nét cổ kính rêu phong hầu như còn nguyên vẹn qua năm tháng; sông Hương vẫn thơ mộng như thuở hồng hoang, rất trong xanh mượt mà, không lở cũng chẳng bồi, là dòng sông hiếm hoi còn sót lại trong trận “bão cát tặc” hoành hành cả nước.
Trao chính sách đặc thù cho Thừa Thiên Huế là hợp lý
Núi Ngự - tấm bình phong phong thủy của cố đô chẳng hề sứt mẻ, đồi thông mỗi lúc một già, chúng vẫn sống sót sau trào lưu “đào” và “bán”, khuân núi bỏ biển từ Bắc chí Nam.
Có những đô thị bây giờ chẳng biết làm sao để quy hoạch, cũng chẳng còn cơ hội làm lại từ đầu, già thì chưa tới, trẻ đã mất rồi. Huế may mắn còn “trinh nguyên” đợi chờ một đấng “phu quân” cho xứng lứa vừa đôi.
Chậm mà chắc, trầm mặc nhưng không ù lì, đó là Huế, những gì cha ông để lại vẫn nguyên vẹn - hệ giá trị này bây giờ là của hiếm. Đô thị di sản không chỉ là khái niệm mà còn là khuôn mẫu lý tưởng để Huế bắt đầu giãn nở ra.
Giải nút thắt cơ chế, trao cho Huế “Chính sách đặc thù” là phù hợp, đúng thời điểm để hệ giá trị quý giá ấy được phát tiết trở thành “đô thị di sản” - một khác biệt trong điệp trùng khói bụi, tắc đường, ngập úng.
Trương Khắc Trà
(Diễn đàn Doanh nghiệp)
- Hội An ngày phố "hòa quyện" cùng sông
- Hội An - "đặc khu kinh tế", nơi giao lưu văn hóa Việt-Nhật từ hàng trăm năm trước
- Nợ môi trường – những vực xoáy trong tâm trí
- Công nghiệp, đô thị hóa và vấn đề sau dịch bệnh
- Đô thị ứng phó với thiên tai và dịch bệnh
- Nghĩ về chuyện đi xe đạp
- Sống ở Hà Nội rẻ hơn bao nhiêu so với TP.HCM, Bangkok, Phnom Penh, Singapore...?
- Biến nhà máy cũ thành công trình văn hóa: Đường còn xa
- Làm thế nào để công nghiệp xây dựng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn?
- Nản lòng với dự án tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông