Ashui.com

Wednesday
Nov 27th
Home Tương tác Góc nhìn Nợ môi trường – những vực xoáy trong tâm trí

Nợ môi trường – những vực xoáy trong tâm trí

Viết email In

Nước biển dâng, sinh vật biển bị hủy diệt, những xoáy rác đang hình thành trên Thái Bình Dương, những tộc người bản địa héo mòn vì bị bứng khỏi giới tự nhiên… Một viễn cảnh buồn xám về môi trường được nhà văn Đài Loan Wu Ming-Yi (Ngô Minh Ích) đưa vào cuốn tiểu thuyết The Man with the Compound Eyes (Người mắt kép) đầy ấn tượng.

Người mắt kép được xuất bản năm 2011, ý tưởng cuốn sách khởi đi từ những thông tin về vùng xoáy rác hình thành trên biển Bắc Thái Bình Dương. Tác giả tiết lộ trên một tờ báo rằng, những tin tức về xoáy rác hình thành trên biển đã khiến ông bị ám ảnh trong thời gian dài. Từ Hualien (Hoa Liên) nhìn ra bờ Thái Bình Dương, nhiều ngày trời ông đã tưởng tượng sẽ có lúc con người thành phố này sẽ phải nhận về những gì mà mình đã phế bỏ bừa bãi xuống biển. Và trong cuốn Người mắt kép, ông gọi đó là những “giấy báo nợ lẫn lời lãi” được gửi đến đại dương.


Cả hai tiểu thuyết của Wu Ming-Yi: Người mắt kép (Nguyễn Phúc An dịch), Chiếc xe đạp mất cắp (Nguyễn Tú Uyên dịch) do Phanbook & NXB Hội Nhà văn ấn hành, 2020, 2021.

“Giấy báo nợ lẫn lời lãi”

Khung cảnh thành phố Hualien ở Đài Loan có thể xem là nguyên mẫu của không gian tiểu thuyết: một hòn đảo bình yên, nơi nhân vật Alice – một tiến sĩ văn học và Jakobsen chồng cô – một người đàn ông Thụy Điển nuôi mộng trở thành nhà leo núi chuyên nghiệp – gầy dựng tổ ấm. Nhưng thay vì được nhìn ngắm những buổi thủy triều tuyệt đẹp trên biển Thái Bình Dương, họ lại băn khoăn về những đợt sóng lớn mang theo rác, sự chộn rộn của một vùng biển đang biến đổi bởi du lịch. Rồi thêm một biến cố ập đến: trong một chuyến leo núi, Jakobsen và đứa con trai đã vĩnh viễn không về.

Căn nhà của Alice cùng với các homestay, lữ quán du lịch hàng ngày chứng kiến sự xáo trộn về sinh thái ngày một gia tăng. Mối đe dọa về những tai ương từ các xoáy rác hình thành sẽ dạt vào bờ, khiến đảo du lịch trở thành vùng đất tàn tạ.

Một tuyến truyện khác song hành với câu chuyện bi thương của Alice, đó chính là hành trình ra biển của chàng thiếu niên Atile’i, cư dân của đảo Wayo Wayo. Nếu ở tuyến truyện xoay quanh nhân vật Alice ngập tràn không khí thế giới đương đại, thì bầu sinh quyển thuộc về Atile’i lại đậm tính huyền ảo. Chuyến ra đi của Atile’i trên con thuyền talawaka như một minh chứng trưởng thành trong giới tự nhiên, một sự thâm nhập hoàn toàn vào biển cả và tìm thấy căn nguyên của mình.

Hai thế giới người không cùng tư duy ngôn ngữ, không cùng cảm nhận về tự nhiên đã tìm cách đối thoại và gắn kết. Alice đã nói với vị khách bị xoáy rác đánh dạt vào bờ biển du lịch, lơ ngơ trước thế giới hiện đại đầy tổn thương: “Ngày cậu dạt lên đảo, đúng vào lúc xảy ra động đất, và xuất hiện những con sóng lớn hiếm thấy. Hòn đảo của cậu có động đất không? Động đất? Chắc chắn là có phải không? Nhất định là có. Động đất là chuyện xảy ra thường xuyên ở đây, không bao lâu nữa sẽ có mưa bão. Nếu có thì sẽ phiền lắm, bão đến thì cái vực xoáy rác đã mang cậu đến đây e là sẽ bao bọc cả hòn đảo mất” (trang 209).

Họ cùng nhau ra đi tìm sự sống và lẽ sống để nhìn thấy thế giới trong trẻo. Ở đây, thế giới trong văn chương Wu Ming-Yi hiện lên đa tầng và đan bện vào nhau trong một tương quan sâu sắc. Nhà văn cũng đồng thời như một nhà sinh vật học, hải dương học và dân tộc học đang làm liền mạch những đoạn tắc nghẽn phân ly giữa vạn vật.

Người mắt kép xuất hiện, nhìn xuyên qua cõi nhân sinh; một lần nữa, khai vấn và truy vấn con người về sự sống, quyền sống, ký ức của muôn loài: “Loài người tưởng rằng mình có thể sống không cần dựa dẫm vào sinh mệnh nào khác, tưởng rằng hoa nở muôn màu là vì đôi mắt của các ngươi, tưởng rằng heo rừng tồn tại là để cung cấp thịt, tưởng rằng con cá cắn câu là vì con người, tưởng rằng chỉ có mình mới có thể đau buồn, tưởng rằng một hòn đá rơi xuống thung lũng thì chẳng có ý nghĩa gì, tưởng rằng một chú nai cúi đầu uống nước không nói lên điều gì… Trên thực tế, bất cứ động tác nhỏ nhặt nào của bất cứ loài sinh vật nào, cũng đều gây ra một biến động trong hệ sinh thái” (trang 330).


Wu Ming-Yi (Ngô Minh Ích) là một hiện tượng mới của văn chương Đài Loan; được giới xuất bản và phê bình phương Tây chú ý. Ông sinh năm 1971, là nhà thiết kế, nhiếp ảnh gia, giáo sư văn chương, nhà sưu tập bướm và hoạt động môi trường.

Xu hướng văn chương sinh thái

Nếu trong Người mắt kép, với thủ pháp hiện thực huyền ảo dẫn dắt một câu chuyện đa tuyến, phức tạp, công phu, phi thường, Wu Ming-Yi cho thấy một thông điệp rõ ràng và đôi chỗ hơi “lộ thiên”, thì trong cuốn tiểu thuyết Chiếc xe đạp mất cắp (2015), ông chạm đến vấn đề môi trường tinh tế hơn.

Câu chuyện người cha một ngày đạp xe đến bến cảng, chuyện trò với một người bạn, rồi biến mất. Hai mươi năm sau, đứa con trai của ông ta làm một cuộc tìm kiếm chiếc xe đạp cũ, và từ đó, câu chuyện gia đình, xã hội, những khoảnh khắc của lịch sử Đài Loan hiện đại được tái hiện. Cũng với mối quan tâm sâu sắc về môi trường, trong cuốn sách này, Wu Ming-Yi dùng thủ pháp cắt dán để đưa vào các tiểu luận về loài bướm, những khảo cứu và ghi chép về số phận loài voi rừng nhiệt đới thời chiến dịch Đại Đông Á mà người Nhật gây ra (vào nửa đầu thập niên 1940) và cả chuyện những vườn thú bị “thủ tiêu” trong chiến tranh… một cách nhuần nhuyễn, tự nhiên và đa thanh.

Là một nhà thiết kế, nhà hoạt động môi trường, Wu Ming-Yi để lại những ấn tượng kinh ngạc về sức tưởng tượng trong một thứ văn chương giàu có tư liệu và tưởng tượng. Nơi đó, người đọc có khi đi ngược về lịch sử một quốc gia với một bộ sưu tập xe đạp đồ sộ của các thời kỳ, có lúc đi xuyên qua một vùng biển từ một hầm thông bên dưới một studio hiện đại…

Văn chương sinh thái trở thành một xu hướng tạo được mối quan tâm lớn. Trong tiểu thuyết Wu Ming-Yi, sinh thái không chỉ là đề tài có tính thời thượng và thuần hình thức, mà là một cuộc mổ xẻ, do thám tinh thần thế giới, cuộc sinh tồn của con người trong kỷ nguyên chúng ta đang sống. Ở đó, người đọc cần được lắng nghe lại những phản hồi từ các sự sống khác, từ tự nhiên và nối kết lại sự tương thông với con người tự nhiên hiền hòa bên trong mình.

Nguyễn An Nam

(KTSG Online)

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...