Thương hiệu “đô thị di sản” mang lại danh dự, uy tín và cả cơ hội phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy gần đây một số thành phố ở Việt Nam có quỹ di sản giàu có đã bày tỏ nguyện vọng được công nhận danh hiệu này. Tuy nhiên, do chưa có quan niệm thống nhất, cũng như chưa có các tiêu chí đánh giá cụ thể nên các thành phố tỏ ra lúng túng và mâu thuẫn trong cách ứng xử với chính di sản của mình.
Thế giới chưa có định nghĩa nào thật sự rõ ràng về đô thị di sản. Có lẽ thuật ngữ gần nhất theo cách hiểu của chúng ta về đô thị di sản trong tiếng Anh là “heritage city” hoặc “heritage - city”. Tuy nhiên hiện nay thuật ngữ này chủ yếu được sử dụng cho các thành phố sở hữu di sản đô thị đã được công nhận.
Chẳng hạn, Tổ chức Các thành phố Di sản thế giới OWHC (Organization of World Heritage Cities) là tổ chức phi chính phủ được thành lập năm 1993, gồm 250 thành viên (tự nguyện) là các thành phố có địa điểm trong danh sách di sản thế giới của UNESCO, trong đó có Huế và Hội An.
Nạn “chảy máu phố cổ” đang là nguy cơ ở Hội An.
Thế nào là đô thị di sản?
Cũng rất gần với khái niệm đô thị di sản là thuật ngữ “đô thị lịch sử” (historic city) hay “khu định cư lịch sử” (historical settlement) - là những khu định cư con người hiện hữu chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi cấu trúc vật chất có nguồn gốc từ quá khứ và được công nhận là đại diện cho sự tiến hóa của con người, trong đó bên cạnh các yếu tố nhân tạo như công trình kiến trúc, không gian đường phố, quảng trường… còn bao gồm cảnh quan thiên nhiên và con người với phong tục, tập quán… của họ.
Ở Việt Nam, thuật ngữ “đô thị di sản” hay “đô thị lịch sử” chưa có trong các văn bản pháp lý, do vậy cách hiểu về đô thị di sản chưa rõ ràng và thống nhất. Có lẽ GS. Hoàng Đạo Kính là người đầu tiên đưa ra khái niệm hoàn chỉnh: “đô thị di sản là một chỉnh thể lịch sử đặc trưng, một sản phẩm của nền văn minh đô thị, kết hợp hữu cơ các thành tố vật chất và tinh thần, kiến trúc và văn hóa, trong sự hòa quyện với thiên nhiên, là xuất phát điểm chi phối tất thảy”(1).
Theo định nghĩa này, đô thị di sản khác hoàn toàn với đô thị có/sở hữu di sản bởi nó nhấn mạnh tính chỉnh thể của đô thị, trong đó yếu tố vật thể và phi vật thể nằm trong mối quan hệ không thể tách rời. Có thể thấy sự tương đồng giữa quan niệm về đô thị di sản của GS. Hoàng Đạo Kính và quan niệm về đô thị lịch sử trên thế giới.
Các tiêu chí của đô thị di sản
Do chưa có chuẩn mực quốc tế nên các tiêu chí đánh giá hay công nhận đô thị lịch sử, đô thị di sản rất khác nhau tùy mục đích mà người ta hướng đến. Ngay trong cùng một quốc gia, các tiêu chí cũng thay đổi. Chẳng hạn tại CHLB Nga, trước đây đô thị lịch sử được chia thành 4 nhóm với số lượng thành phố được công nhận từ 115 thành phố năm 1970 lên 478 thành phố vào năm 2002. Nhưng vào năm 2010, người ta đã xây dựng bộ tiêu chí đô thị di sản khắt khe hơn(2).
Tại Trung Quốc, khái niệm “thành phố lịch sử và văn hóa” để chỉ các đô thị có giá trị đặc biệt về di sản. Từ năm 2008, việc phê duyệt và công nhận “thành phố lịch sử và văn hóa” được tiêu chuẩn hóa với 5 nhóm tiêu chí đánh giá: mức độ phong phú của di sản; mật độ của các công trình kiến trúc lịch sử; công tác quản lý bảo tồn; giữ được diện mạo lịch sử và bố cục truyền thống; giá trị và nét đặc sắc văn hóa lịch sử của thành phố. Cho đến tháng 5/2018 đã có 135 thành phố được công nhận(3).
Từ kinh nghiệm thế giới và đặc thù đô thị Việt Nam, xin đề xuất các tiêu chí về đô thị di sản như sau:
- Có cấu trúc đô thị được bảo tồn toàn vẹn và tiếp nối hữu cơ qua các giai đoạn phát triển.
- Có hệ thống di sản kiến trúc và đô thị phong phú, độc đáo tạo nên diện mạo đặc trưng của đô thị.
- Có cảnh quan nhân tạo được tổ chức trong mối quan hệ hài hòa với cảnh quan thiên nhiên.
- Có giá trị lịch sử và văn hóa đô thị đặc sắc được bảo lưu và phát triển tiếp nối.
Các tiêu chí này nhấn mạnh vào tính toàn vẹn, liên lục, phong phú và độc đáo của di sản kiến trúc và đô thị trong mối quan hệ hữu cơ với văn hóa, con người và cảnh quan thiên nhiên.
Đô thị nào có thể trở thành đô thị di sản?
Gần đây, một số thành phố ở Việt Nam mong muốn được công nhận là đô thị di sản. Tuy nhiên, đối chiếu với các tiêu chí trên đây, có thể thấy ngay cả các đô thị có nhiều tiềm năng nhất ở Việt Nam như Huế, Hội An hay Đà Lạt cũng còn khá nhiều việc phải làm.
Phố cổ Bao Vinh (Huế) ngày càng ít cổ.
Với Huế, việc quá tập trung vào khu vực được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới là kinh thành, kiến trúc cung đình và lăng tẩm mà bỏ quên những thành tố bình dân cộng sinh với nó như khu phố cổ Bao Vinh và Gia Hội, khu nhà vườn truyền thống hay các khu vực đô thị phát triển về sau, như khu phố Pháp ở bờ nam sông Hương… Điều này làm mất đi tính toàn vẹn và liên tục của thành phố trong quá trình phát triển, trong khi phố thị và nhà vườn lại là nơi lưu giữ được những nét tinh túy, đặc sắc nhất của con người và văn hóa xứ Huế.
Với Đà Lạt, một thành phố có lợi thế về di sản và cảnh quan, được xây dựng bài bản ngay từ lúc khởi dựng thì đang phải đối mặt với nguy cơ bị phá vỡ cấu trúc ở khu trung tâm và mất đi những công trình di sản giá trị, đồng thời đẩy cảnh quan thiên nhiên và cảnh quan nhân tạo vào thế đối lập.
Trong khi đó Hội An - một đô thị với quần thể di sản kiến trúc được bảo tồn khá bài bản thì nguy cơ lại là nạn “chảy máu phố cổ” khi lớp cư dân gốc dần bị thay thế bởi lớp cư dân mới, chủ yếu đến từ những địa phương khác và không sẵn sàng chia sẻ văn hóa truyền thống của cư dân bản địa, dẫn đến sự mai một của phong tục, tập quán, lối sống đặc trưng đã từng làm nên hồn phố.
Vậy là mỗi đô thị lại có vấn đề riêng trên con đường trở thành đô thị di sản. Nếu các đô thị không biết cách đối mặt với những vấn đề của mình để từng bước giải quyết thấu đáo, và các nhà quản lý chưa xây dựng được bộ tiêu chí đô thị di sản thống nhất, đầy đủ thì còn lâu chúng ta mới có đô thị di sản đích thực.
Bộ tiêu chí đô thị lịch sử của CHLB Nga1. Đô thị hoặc một phần của nó là minh chứng đặc biệt và duy nhất của lịch sử xây dựng đô thị, cũng như truyền thống văn hóa. 2. Đô thị hoặc một phần của nó đóng vai trò quan trọng trong lịch sử quốc gia. 3. Đô thị hoặc một phần của nó có tuổi đời ít nhất 100 năm. 4. Đô thị hoặc một phần của nó có bản sắc và tiềm năng phát triển về lịch sử văn hóa. 5. Các phần của đô thị hình thành trong lịch sử mang tính bản địa rõ nét và vẫn lưu giữ được tính toàn vẹn của nó. 6. Bảo tồn được ở mức cao cấu trúc quy hoạch đô thị, các không gian công cộng có giá trị trong mối liên hệ chặt chẽ với cảnh quan và địa hình tự nhiên. 7. Lưu giữ được số lượng đáng kể các công trình, tòa nhà lịch sử có giá trị, tạo nên cấu trúc quy hoạch không gian lịch sử, diện mạo kiến trúc đô thị. 8. Lưu giữ được di sản phi vật thể có giá trị liên quan đến lịch sử phát triển đô thị, bao gồm các hội chợ, các nghề thủ công, nghệ thuật dân gian truyền thống. |
Bài, ảnh: PGS.TS.KTS Khuất Tân Hưng
_______________
(1) Hoàng Đạo Kính, 2011. Huế - đô thị di sản, phát triển trong sự tiếp nối. Tạp chí Quy hoạch Đô thị số 5-2011
(2) Hồ Hải Nam, Trần Trúc Ly, 2020. Đô thị di sản: Kinh nghiệm một số nước trên thế giới và gợi mở cho công tác bảo tồn di sản ở Việt Nam. Tạp chí Kiến trúc số 11-2020
(3) https://www.ovpm.org
(Người Đô Thị)
- Cần nguồn tài chính "khổng lồ" để hiện thực hoá tham vọng phát thải ròng bằng “0”
- Cõi hoang dại của thành phố
- Lát cắt về diện mạo của Huế sau khi mở rộng
- Diện mạo Thủ Đức sau một năm lên thành phố
- Màu ngoại ô cao nguyên
- Phía sau cuộc đua đấu giá đất lên đỉnh ở Thủ Thiêm
- Xe đạp, không chỉ là xe đạp!
- Hội An ngày phố "hòa quyện" cùng sông
- Hội An - "đặc khu kinh tế", nơi giao lưu văn hóa Việt-Nhật từ hàng trăm năm trước
- Nợ môi trường – những vực xoáy trong tâm trí