Ashui.com

Wednesday
Nov 27th
Home Tương tác Góc nhìn Đô thị di sản và xây dựng thương hiệu

Đô thị di sản và xây dựng thương hiệu

Viết email In

Đô thị - di sản kết tụ những di sản trong sự chuyển hóa hữu hình và vô hình, không gian và thời gian, cộng sinh và cân bằng, kiện toàn về phương diện hình thái học, mà đặc điểm cũng như giá trị nổi trội là sự bất đối kháng giữa thành tố này với thành tố khác, dù chúng có ra đời muộn hơn, dù chúng có khác biệt avề tính chất sử dụng. Việc xây dựng thương hiệu đô thị trở thành một phần của chiến lược phát triển thành phố đồng thời bổ sung cho quy hoạch. Những biệt danh rất ấn tượng như Đô thị di sản, Thành phố xanh, Thủ đô văn hóa... do các nhà quản lý chọn lọc từ những đặc trưng đô thị có tác dụng rất lớn khi thu hút sự chú ý của khách du lịch khi lựa chọn điểm đến cho những kỳ nghỉ trong năm.


Thành Nội, Huế

Về Đô thị di sản

Như vậy là Thành nhà Hồ đã trở thành di sản văn hóa thế giới thứ 5 của Việt Nam được công nhận sau Quần thể di tích cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn và Hoàng thành Thăng Long. Nếu kể thêm các di sản thiên nhiên và phi vật thể được UNESCO đưa vào danh sách thì chúng ta có kha khá các viên ngọc quý được gán nhãn đẳng cấp thế giới để cất giữ bảo quản, để tự hào trưng bày và cũng để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế. Đơn cử như Hội An, kể từ khi chính thức được nhận danh hiệu, Hội An phát triển đều đều bằng việc kết hợp thương mại, bảo tồn di sản và du lịch. Thậm chí khu phố cổ này còn được bầu chọn là điểm đến hấp dẫn nhất thế giới theo điều tra độc giả của Wanderlust, một tạp chí du lịch uy tín của Anh. Địa phương này phát triển theo hình mẫu của một đô thị di sản trong sự so đo và tị nạnh của những nơi không có và “chưa” có di sản.

Thuật ngữ đô thị di sản là sự gán ghép giữa hai khái niệm khác biệt, giữa “đô thị” và “di sản”. Nếu như đô thị tương đối dễ xác định thì khái niệm di sản lại linh hoạt hơn và nhiều khi cần sự đánh giá thống nhất của các chuyên gia. Điều 4 Luật di sản quy định phân ra 7,8 loại di tích, di sản khác nhau để thuận tiện quản lý (như di sản vật thể, phi vật thể, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử …). Để đơn giản có thể hiểu di sản là những tài sản được thừa kế của thế hệ đi trước và nó phải có sự độc đáo, có giá trị, có nguồn gốc xác thực và được cho rằng xứng đáng để bảo tồn.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực đô thị và bảo tồn di sản thì Đô thị – di sản được mô tả bằng một chuỗi các mối quan hệ giữa các đối tượng khá phức tạp và khó nắm bắt. Đô thị – di sản có thể được hiểu là một chỉnh thể lịch sử đặc trưng, một sản phẩm của nền văn minh đô thị, kết hợp hữu cơ các thành tố vật chất và tinh thần, kiến trúc và văn hóa, trong sự hòa quyện với thiên nhiên, là xuất phát điểm chi phối mọi mặt hoạt động và phát triển của bản thân đô thị. Đô thị – di sản kết tụ những di sản trong sự chuyển hóa hữu hình và vô hình, không gian và thời gian, cộng sinh và cân bằng, kiện toàn về phương diện hình thái học, mà đặc điểm cũng như giá trị nổi trội là sự bất đối kháng giữa thành tố này với thành tố khác, dù chúng có ra đời muộn hơn, dù chúng có khác biệt về tính chất sử dụng.


Hội An

Tuy nhiên để dễ hiểu hơn, lấy trường hợp của thành phố Huế là đô thị -di sản, đó là một đô thị được cấu tạo bởi các thành phần “di sản đô thị” là “(những) bộ phận, (những) cấu trúc đô thị đã hình thành ở một hoặc nhiều thời kỳ của lịch sử thành phố, có giá trị về lịch sử, văn hóa – nhân văn, kiến trúc, thẩm mỹ, cảnh quan, giá trị vật chất và các giá trị khác”. Huế là đô thị- di sản vì Huế là một “chỉnh thể” không gian nếu nhìn nhận và đánh giá từ bất kỳ góc độ nào cũng “nhìn thấy rõ” di sản như di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, cảnh quan và nhân văn.

Cái danh “đô thị di sản” được gắn liền với Huế quả là xứng đáng, phần lớn thì các đô thị chỉ “có các di sản” chứ không phải là một “chỉnh thể” như vậy. Lý do có lẽ là vì các đô thị Việt Nam thường không có đặc trưng riêng và thay đổi rất nhanh do quá trình đô thị hóa mạnh mẽ. Nguồn gốc các đô thị Việt Nam hầu hết thành lập là từ cấu trúc cai trị phong kiến, không có yếu tố khác thêm vào, nên khi chuyển vai trò trung tâm vùng địa phương đi chỗ khác thì đô thị nơi đó cũng lụi tàn. Chỉ có trung tâm hành chính- quyền lực như các kinh đô cũ mới có những khác biệt và có nhiều giá trị di sản bền vững qua năm tháng. Nhìn lại các địa điểm được UNESCO xếp loại hầu hết là vị trí các kinh đô xưa, với cốt liệu chính của danh hiệu được phong tặng là các di tích cung điện, hoàng thành. Còn các đô thị nhỏ hơn thì sao? Tại những nơi này trước đây cũng chứa đựng những công trình, những di tích hay những không gian thực thể của quá khứ, có giá trị và cá tính đặc sắc, tuy nhiên trước cơn bão chiến tranh, đô thị hóa, đổi mới và phát triển đương đại thì vấn đề “xứng đáng” được bảo tồn hay không còn phải xem xét. Mặc dù đánh giá về ý nghĩa và giá trị di sản thường do các chuyên gia, nhưng người thực tế quyết định trả lời cho câu hỏi “có xứng đáng được bảo tồn” này lại do chính quyền và người dân địa phương, đặc biệt các chủ sở hữu hay những cá nhân có thể tác động vào di sản. Kết quả là đô thị biến đổi hàng ngày và các di sản bị xóa bỏ hoặc xé lẻ và lọt thỏm bên trong như những nốt lặng giữa bản tấu lộn nhộn của đô thị.


Thành phố Hồ Chí Minh

Ngay đô thị lớn cũng không tránh khỏi hiện tượng đó, thành phố lớn có nhiều di sản hơn, tuy chính quyền có nhiều ảnh hưởng nhưng sức ép phát triển cũng lớn hơn. Ví dụ như câu chuyện Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay. Trước kia thành phố được đánh giá là đẹp và rất có giá trị về di sản kiến trúc. Cấu trúc đô thị có đầy đủ các giá trị di sản đặc trưng như: các khu phố, công trình, không gian đầy cá tính khác nhau xứng đáng được khoanh vùng và bảo tồn. Nhưng đến tận bây giờ các chuyên gia và chính quyền vẫn đang khó khăn trong việc lập bản đồ di sản vì không biết phải đưa ra công cụ quy hoạch bảo tồn thế nào để đảm bảo giữ được di sản trước thảm họa xâm hại và phá bỏ để xây mới.

Khó khăn, nhưng vẫn phải làm, vì di sản có một vai trò quan trọng đóng góp vào nền kinh tế địa phương, nếu được khai thác hợp lý. Những năm gần đây, gần như dân tình bội thực với những tin tức về các di sản được “nâng cấp danh hiệu” lên đời từ cấp địa phương lên cấp tỉnh, cấp quốc gia, rồi ra cả quốc tế. Mặc dù chất lượng của các di sản thì còn nhiều điều phải bàn, tuy nhiên dù sao thì việc chứng nhận di sản cũng là một tiền đề tốt để phát triển du lịch văn hóa.

Thương hiệu đô thị và phát triển văn hóa

Không chỉ ở Việt Nam, xu hướng xin chứng nhận di sản này diễn ra mạnh mẽ trên thế giới trong vòng 30 năm nay. Kể từ khi UNESCO đưa ra công ước năm 1972 về di sản thế giới để thúc đẩy các hành động bảo tồn di sản trước sự xâm hại của hiện đại hóa, danh sách Di sản của UNESCO đã trở thành một thương hiệu quốc tế chứng nhận tầm quan trọng của di sản. Các địa điểm dựa vào thương hiệu này để quảng bá cho hình ảnh của mình và thu hút khách du lịch. Thời gian này cũng là thời kỳ cuộc cạnh tranh giữa các đô thị trở nên khốc liệt trong việc thu hút các nguồn lực như vốn đầu tư, các doanh nghiệp lớn, nhân công trình độ cao và khách du lịch. Quá trình toàn cầu hóa đã tạo ra một không gian du lịch toàn cầu, tạo ra một ngành công nghiệp không khói có giá trị cao. Đứng trước nguồn lợi đó, các nhà quản lý đô thị nhanh chóng áp dụng những quy tắc Marketing vào nơi mình điều hành với mục đích xây dựng một “thương hiệu đô thị” mạnh, tăng khả năng cạnh tranh trong thu hút du khách, đồng thời cũng tuyên truyền một mục tiêu chung, một hình ảnh đẹp trong suy nghĩ và hành vi người dân của mình. Và việc xây dựng thương hiệu đô thị trở thành một phần của chiến lược phát triển thành phố đồng thời bổ sung cho quy hoạch. Những biệt danh rất ấn tượng như Đô thị di sản, Thành phố xanh, Thủ đô văn hóa .v.v. do các nhà quản lý chọn lọc từ những đặc trưng đô thị có tác dụng rất lớn khi thu hút sự chú ý của khách du lịch khi lựa chọn điểm đến cho những kỳ nghỉ trong năm.

 
Shakespeare Country

"Có bột mới gột nên hồ" 

Nếu như coi Marketing là công cụ mới của các đô thị trong thời đại ngày nay thì sản phẩm mà các đô thị đưa ra là các hoạt động văn hóa và giải trí. Hay nói cách khác, văn hóa và giải trí đều được các thành phố hiện đại quan tâm xây dựng và trở thành trọng tâm của chiến lược phát triển trong tương lai. Các nhà nghiên cứu đã thống kê rằng có 4 chiến lược các đô thị thường sử dụng để phát triển văn hóa giải trí là Xây dựng các biểu tượng (chọn lọc hình ảnh hoặc xây dựng các kiến trúc mới độc đáo), Tổ chức những sự kiện lớn (Olympic, Festival), Gán cho đô thị các chủ đề (như New York -thủ đô văn hóa thế giới, Sheffield – thành phố thể thao, hay Shakespeare Country – một khu vực ở miền trung nước Anh, quê hương của Shakespeare) và cuối cùng là Khai thác di sản.(*) Các đô thị đã ý thức được văn hóa là nguồn tài nguyên chính trong nền kinh tế hậu công nghiệp, và sử dụng chính văn hóa như một công cụ để phát triển kinh tế xã hội đồng thời bảo tồn bản sắc văn hóa địa phương.

Các đô thị Việt Nam mặc dù mới đang ở giai đoạn vật lộn với đô thị hóa và bức tranh kinh tế xã hội vẫn chưa chuyển sang tông màu hậu công nghiệp, tuy nhiên cũng đã học hỏi những kinh nghiệm phát triển văn hóa để phục vụ cho du lịch, trong đó trọng tâm là di sản và các lễ hội. Tuy nhiên nếu chỉ chạy theo du lịch và tăng trưởng thì các hoạt động văn hóa tại các nơi sẽ ngày càng na ná nhau, và trở thành sản phẩm dập khuôn sao y bản chính từ phiên bản thành công đầu tiên, điều này đặc biệt đúng đối với các lễ hội dân gian hay một số festival của chúng ta. Ngay cả đô thị lớn quốc tế cũng đang mắc phải tình trạng này, khi những thành công của thành phố nọ lại được học hỏi dường như ngay lập tức tại đô thị khác, thậm chí thành một ngành công nghiệp khi một số kỹ thuật trình diễn được các nhóm ê kíp nghệ sỹ thực hiện mang đi khắp nơi chào hàng và biểu diễn. Điều này khiến các nhà quản lý bắt buộc một mặt vẫn tiếp tục đa dạng hóa các hoạt động văn hóa giải trí, một mặt quay lại các giá trị bản sắc của đô  thị mình để tạo điểm nhấn khác biệt, chẳng hạn như quay lại với cảnh quan hay các loại hình nghệ thuật độc đáo ở địa phương.

Như vậy quá trình toàn cầu hóa mang lại một xu thế mới mà các đô thị Việt Nam không thể đứng ngoài trong việc xây dựng thương hiệu cho mình, đặc biệt là các đô thị có nhiều di sản. Tuy nhiên vì các điều kiện kinh tế xã hội, Việt Nam vẫn đang trên con đường công nghiệp hóa, đô thị hóa nên sức ép phát triển kinh tế đang tàn phá những di sản cũ. Vì vậy mối quan hệ giữa di sản và đô thị ở Việt nam phải đối mặt đồng thời cả 3 thách thức: (1) Thách thức cân nhắc giữa bảo tồn và phát triển, (2) Thách thức trong khai thác di sản để phát triển kinh tế, và (3) Thách thức phục hồi và phát huy những bản sắc riêng từng địa phương.

  • Chú thích: (*) Tiểu luận Developing Creativity in Tourist Experiences: a Solution to the Serial reproduction of Culture? – Richards và Wikson

Trần Quang


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...