Ashui.com

Thursday
Nov 28th
Home Tương tác Góc nhìn Đã qua thời chờ... “cứu trợ”

Đã qua thời chờ... “cứu trợ”

Viết email In

Gần đây, cứ đề cập đến thị trường bất động sản là người ta nhớ ngay đến các từ khóa: “giải cứu”, “gói 30.000 tỷ đồng”, “gói 100.000 tỷ đồng”, “băng giá”, “hấp hối”… Mới đây nhất, trong phiên họp thường kỳ cuối tuần qua của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng - người vốn nổi tiếng với những phát ngôn mạnh - tiếp tục làm nóng công luận khi nhận định thẳng thừng: “Chủ đầu tư bất động sản toàn đại gia, toàn đi xe Phantom thì giải cứu cái gì? Bất động sản phải giảm giá, thì chắc chắn sẽ tiêu thụ được”.

Thậm chí, có lẽ do tình trạng thực sự u ám của thị trường so với thời kỳ đỉnh cao nên người ta sẵn lòng tin vào những câu chuyện kiểu “được biết…”. Điển hình là thông tin về gói tín dụng ưu đãi 100.000 tỷ đồng. Chánh văn phòng Bộ Xây dựng vừa phải đăng đàn “nói lại cho rõ” chuyện này. Theo ông, cơ quan này không đề xuất và cũng không chủ trì nghiên cứu đề án nào với gói tín dụng 100.000 tỷ đồng hỗ trợ thị trường bất động sản. Hóa ra đây chỉ là đề xuất của một ngân hàng và 100.000 tỷ đồng là con số tối đa theo đề xuất đó.

Đề xuất này chưa chắc được Chính phủ chấp nhận, bởi lẽ gói 30.000 tỷ đồng đến nay (ngày 17/2/2014), mới ký hợp đồng cho vay đối với 17 doanh nghiệp với số tiền 1.466,5 tỷ đồng, trong đó các ngân hàng đã giải ngân cho 11 doanh nghiệp với số tiền là 536,5 tỷ đồng. Với khách hàng là hộ gia đình, cá nhân, đã có 5 ngân hàng cam kết cho vay 2.275 khách hàng cá nhân với số tiền là 821,3 tỷ đồng; trong đó, đã giải ngân cho 2.261 khách hàng với dư nợ 550,5 tỷ đồng. Như thế, tổng số tiền cho vay chưa tới 1.100 tỷ đồng thực sự ra khỏi két ngân hàng. Chính sự mơ hồ về các biện pháp hỗ trợ thị trường đã khiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải lên tiếng yêu cầu tiếp tục làm rõ mục đích, ý nghĩa cũng như quy trình giải ngân của gói 30.000 tỷ đồng, bởi theo Thủ tướng, ngay cả các chuyên gia cũng không hiểu được gói này, “cứ cho là cứu bất động sản”.

Phản hồi trước những động thái mới nhất của Chính phủ về vấn đề này, các ý kiến tiếp tục sôi nổi. Có quan điểm đồng tình với Bộ trưởng Đinh La Thăng, cho rằng tình trạng bong bóng bất động sản ở Việt Nam trong những năm trước đã đẩy giá nhà đất lên hàng cao nhất thế giới. Cách giải quyết bền vững nhất là làm xẹp bong bóng này một cách tự nhiên, nghĩa là cứ cho giá xuống, xuống đến mức người mua chấp nhận thì băng sẽ tan, thị trường sẽ hồi sinh trở lại. Nhưng để tự nhiên như thế thì cái giá phải trả sẽ không nhỏ, thậm chí phải chấp nhận hy sinh tăng trưởng. Giới chủ sở hữu các tài sản địa ốc chịu thiệt hại nhiều nhất, sau đó là các ngân hàng lỡ “ôm” tài sản thế chấp là bất động sản. Sau nữa, công nghiệp xây dựng ngưng trệ, đời sống của một bộ phận không nhỏ người lao động trong ngành (và người thân của họ) cũng lao đao, khốn khó theo.

Nói gì thì nói, thị trường bất động sản vẫn là một trong những thị trường quan trọng không thể thiếu của nền kinh tế. Thị trường này “ốm”, kéo theo nhiều thị trường khác cùng ốm yếu. Mặt khác, ngay ở thời điểm hiện tại, thị trường bất động sản Việt Nam cũng không phải là không có cơ hội tăng trưởng tốt. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực này vẫn ổn định ở vị trí thứ 2, chỉ sau công nghiệp chế biến, chế tạo. Ngay tại cuộc họp Chính phủ mà Bộ trưởng Đinh La Thăng đưa ra nhận định nêu trên, tư lệnh ngành xây dựng - Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, trong 2 tháng đầu năm nay, thị trường bất động sản tiếp tục có dấu hiệu khởi sắc. “Giá bất động sản hiện nay, sau một thời gian giảm mạnh đã chững lại, một số dự án tăng nhẹ từ 1% - 2%. Giao dịch cũng tiếp tục tăng tại 2 thành phố lớn, trong đó tại Hà Nội có 1.294 giao dịch thành công, gấp hai lần 2013”, ông Trịnh Đình Dũng nói. Bộ trưởng Bộ Xây dựng thừa nhận, việc giải ngân gói 30.000 tỷ đồng để hỗ trợ nhà ở cho người khó khăn, người thu nhập thấp, qua đó có tác động nhất định đến thị trường bất động sản nói chung chứ không phải trực tiếp đem tiền đi “giải cứu bất động sản”. Mà cung nhà ở thì vẫn còn xa mới đáp ứng đủ nhu cầu. Ước tính, nếu như mỗi hộ dân vay khoảng 500 triệu đồng để mua nhà thì để giải ngân 70% gói này tương đương khoảng 20.000 tỷ đồng, cần phải có khoảng 40.000 căn hộ, trong khi nguồn cung mới vào khoảng 2.000 căn…

Không khó để thấy “bệnh” của thị trường bất động sản đúng là không thể chữa trị dứt điểm thông qua việc “bơm” vào thị trường các gói hỗ trợ tín dụng để kích cầu. Thị trường bất động sản cần nhiều hơn thế. Giờ đây, thông tin không xác thực, nói đúng hơn là dễ gây hiểu nhầm về gói 100.000 tỷ đồng thế là đã rõ. Không có chỗ bấu víu cho ai đó - nhất là các chủ sở hữu, chủ đầu tư bất động sản - mơ hồ trông chờ được “cứu trợ”. Nhưng những giải pháp để hỗ trợ thị trường bất động sản một cách toàn diện: nhanh chóng tăng nguồn cung tốt; đồng thời làm cho thị trường minh bạch hơn, thuyết phục được người dân mở hầu bao… cũng không phải là chưa được chỉ ra. Nói như TS Trần Du Lịch: “Các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản gắn với thực hiện chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đặc biệt là nhà ở xã hội đã có, được thể hiện khá đầy đủ trong Nghị quyết số 02/2013 của Chính phủ rồi, vấn đề là triển khai như thế nào; ai làm việc nấy; phối hợp với nhau ra sao mà thôi”.

Anh Thư


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...