Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Góc nhìn Xóa bỏ khái niệm "nhà tái định cư"?

Xóa bỏ khái niệm "nhà tái định cư"?

Viết email In

Bộ Xây dựng đang có chủ trương cho người được bồi thường hỗ trợ nhà tái định cư có thể tự chọn căn hộ ở các dự án trong danh sách của cơ quan chức năng, thậm chí có thể được bồi thường bằng tiền.

Nỗi ám ảnh mang tên “nhà tái định cư”

Một thực tế tồn tại nhiều năm nay là các khu nhà tái định cư đều xây dựng theo cơ chế bao cấp và ấn định người vào ở, chủ đầu tư chỉ xây dựng công trình, sau đó bàn giao cho Công ty Quản lý và Phát triển nhà quản lý, vận hành. Khi chủ đầu tư xây nhà không cần phải bán, không cần có trách nhiệm trong việc bảo đảm chất lượng công trình suốt quá trình sử dụng, thì các dự án nhà tái định cư nhanh chóng xuống cấp, thiếu thốn cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hậu quả là người dân tái định cư phải gánh chịu.

  • Ảnh bên: Khu tái định cư Đồng Tàu (Thịnh Liệt - Hoàng Mai) hiện nay đang bị xuống cấp nghiêm trọng

Mới đây nhất, cuối tháng 2/2014, UBND TP Hà Nội đã phải ấn định thời hạn khắc phục hư hỏng, bảo đảm ổn định cuộc sống của người dân tại Khu tái định cư Đồng Tầu (phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai), do mới được đưa vào sử dụng từ năm 2007 đến 2011, nhưng đã xuống cấp nghiêm trọng. Như chung cư N7, N9, vỉa hè, nền nhà lún sụt, hở hàm ếch làm gãy, vỡ các ống kỹ thuật, thoát nước, nền xung quanh các khu nhà N2, N5, N6, N7, N9, N10 cũng bị lún, nứt. Tại các khu tái định cư Đền Lừ, Định Công, Nam Trung Yên... tình trạng xuống cấp cũng thấy rõ.

"Với cơ chế hiện nay, nhà tái định cư như nhà bao cấp, xây dựng bằng vốn nhà nước, được phân phối để người dân vào ở. Muốn khắc phục triệt để tình trạng này, chỉ có cách bỏ khái niệm nhà tái định cư”.
 
Ông Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam

Nhằm khắc phục tận gốc tình trạng này, mới đây Bộ Xây dựng đã đề xuất bỏ khái niệm “nhà tái định cư”, và không cấp phép xây dựng cho dự án nhà tái định cư mới. Thay vào đó, sẽ là những dự án nhà ở xã hội có phục vụ tái định cư, trong đó dành tỷ lệ nhất định căn hộ cho mục đích này. Khi dự án được xây dựng với mục đích là nhà ở xã hội, chủ đầu tư phải chú trọng đến chất lượng công trình, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật của dự án cũng đảm bảo hơn, đồng thời chủ đầu tư có trách nhiệm quản lý, giữ gìn tòa nhà của mình. Ngoài ra, Chính phủ cũng có thể đứng ra mua lại các dự án nhà ở thương mại để sử dụng cho việc hỗ trợ, đền bù, bồi thường nhà, đất, bởi các dự án nhà ở thương mại do chủ đầu tư xây với mục đích để bán, nên chất lượng sẽ ổn hơn.

Người dân sẽ được chọn nhà tái định cư

Một trong những vấn đề bức xúc của người được bồi thường, hỗ trợ nhà tái định cư hiện nay là họ bị “ấn định” phải ở một khu tái định cư nhất định, xa lạ với nơi ở cũ, tách xa địa bàn mưu sinh, dẫn đến cuộc sống bấp bênh... Do đó, Bộ Xây dựng đang đề xuất quy định người được bồi thường, hỗ trợ bằng nhà đất sẽ được giao cho một “suất” nhà ở và họ có quyền chọn lựa căn hộ ở các dự án trong danh sách cho phép của cơ quan chức năng. Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam phân tích, việc giao “suất” này sẽ giúp cho người dân được tự chọn căn nhà phù hợp nhất với họ, từ đó tránh hiện tượng tiêu cực mua bán suất nhà tái định cư hiện nay; đồng thời làm tăng tính cạnh tranh của loại hình nhà ở phục vụ mục đích này, vì khi người dân có sự lựa chọn, họ sẽ chọn những dự án có chất lương, cơ sở hạ tầng kỹ thuật tốt hơn.

Đưa ra ý tưởng linh hoạt hơn cho người mua nhà, ông Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam đề xuất, có thể bồi thường bằng tiền để người dân tự mua nhà. Và để tránh hiện tượng người dân tiêu hết tiền mà không mua nhà, có thể áp dụng giải pháp đưa tiền chi trả bồi thường vào kho bạc, quy đổi ra “tín phiếu” giao cho người dân và người dân chỉ việc chọn nhà, kho bạc sẽ thu tín phiếu và chi trả trực tiếp cho chủ đầu tư. Như vậy, không chỉ được chọn nhà, người dân còn có thể chọn dự án trung tâm, cao cấp hơn và chấp nhận trả thêm tiền.
 
Hải Quỳnh


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo