Ashui.com

Saturday
Apr 20th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Xây dựng quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc đô thị di sản đặc thù TP Huế

Xây dựng quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc đô thị di sản đặc thù TP Huế

Viết email In

Những năm vừa qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể về phát triển kinh tế - xã hội, đất nước đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm các nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Đây là mốc giới tác động nhiều đến tốc độ tăng trưởng và chất lượng đô thị. Tuy nhiên, quá trình xem xét, nâng cấp đô thị vừa qua cũng đã bộc lộ một số tồn tại, đó là điều kiện cần và đủ để được xem xét nâng loại, mối quan hệ giữa nâng loại đô thị với định hướng xác định trong quy hoạch chung các đô thị mở rộng địa giới và nhất là nâng loại với các đô thị có tính chất đặc thù như đô thị di sản, đô thị đặc trưng vùng miền. Trường hợp Huế là kinh đô nước Việt đã hơn 120 năm, từ 1993 cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới là đặc thù cần quan tâm.  


Kiến trúc cửa Chánh Bắc - Hoàng thành Huế 

Cùng với đẩy mạnh công nghiệp hoá - hiện đại hoá, Việt Nam là nước có tốc độ đô thị hoá cao so với khu vực và thế giới. Đến nay cả nước đã có khoảng 770 đô thị, trong đó có 02 đô thị đặc biệt, 03 đô thị là Thành phố loại I trực thuộc Trung ương, gần 130 đô thị từ loại I đến loại IV và khoảng hơn 630 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hoá đạt hơn 33%. Cùng với tăng về số lượng, điều đáng quan tâm là đã chú trọng đến nâng cấp đô thị. Chỉ trong 5 năm qua từ khi thực hiện Nghị định 42/2009/NĐ-CP của Chính phủ về phân loại đô thị đã có gần 60 đô thị các loại được xem xét, thẩm định, công nhận nâng cấp đô thị. Quá trình xem xét, nâng cấp đô thị vừa qua cũng đã bộc lộ một số tồn tại, đó là điều kiện cần và đủ để được xem xét nâng loại, mối quan hệ giữa nâng loại đô thị với định hướng xác định trong qui hoạch chung các đô thị mở rộng địa giới và nhất là nâng loại với các đô thị có tính chất đặc thù như đô thị di sản, đô thị đặc trưng vùng miền. Trường hợp Huế là kinh đô nước Việt đã hơn 120 năm, từ 1993 cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới là đặc thù cần quan tâm. Cùng với nhu cầu thực tiễn phát triển đô thị, các quy hoạch chung cư, quy hoạch phân khu chi tiết đã từng bước được xây dựng và điều chỉnh, song đến nay trong quá trình tổ chức thực hiện còn những tồn tại cần xem xét mà trước hết là cơ chế, chính sách đặc thù là cơ chế quản lý để có lộ trình thích hợp thể hiện ở quy chế quản lý QHKT. 

Gần đây, Bộ Xây dựng đã có đề cập đến nghiên cứu, tham vấn để sửa đổi Nghị định 42/2009/NĐ-CP, trong đó có xác định rõ các tiêu chí, tiêu chuẩn để phân loại, nâng cấp đô thị tránh hiện tượng nâng loại để đạt danh hiệu trong khi còn nợ tiêu chuẩn. Từ bài học kinh nghiệm của nước ngoài, từ Luật Quy hoạch Đô thị và gần đây là Hiến pháp 2013 cho thấy khi xem xét đến tiêu chí là quản lý đô thị không chỉ căn cứ vào qui hoạch, quy định quản lý, bảo tồn di sản, quản lý đất và phát triển đô thị mà còn cần đến “Quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc cảnh quan của đô thị”. Đây cũng là vấn đề Thừa Thiên - Huế rất cần quan tâm để xây dựng và thực hiện quản lý có hiệu quả. Từ bài học kinh nghiệm của Hà Nội, từ cơ sở pháp lý hiện hành, trong giai đoạn hiện nay cần quan tâm tập trung đến một số yêu cầu về xây dựng, thực hiện quy chế với Thừa thiên - Huế. 

Yêu cầu chung với Quy chế quản lý quy hoạch-kiến trúc cảnh quan 

Các yêu cầu chung của quy chế đã được thể chế hoá trong nhiều văn bản pháp lý hiện hành Nghị định 38/2010/NĐ-CP của Chính phủ, và Thông tư 19/2010/TT-BXD của Bộ Xây dựng, song để quy chế có chất lượng và tính thực tiễn với Huế cũng còn một số vấn đề cần trao đổi.

- Cần nhận thức Quy chế là cơ sở pháp lý để quản lý không gian tổng thể đô thị, quản lý đầu tư xây dựng, cấp phép xây dựng mới hoặc cải tạo các công trình kiến trúc, thiết kế cảnh quan do chính quyền đô thị xác định theo yêu cầu quản lý.

Mỗi nội dung quy định cần xác định rõ yêu cầu nội dung quản lý. Các trường hợp được phép, không được phép, hoặc được phép có điều kiện.

- Quy chế có 2 cấp độ bao gồm: chung cho toàn đô thị và cho khu vực cụ thể trong đô thị. Trong quy chế chung phải xác định rõ khu vực cụ thể nào cần quy chế đồng thời nêu những định hướng quản lý cho khu vực đặc thù để cụ thể hoá sau này. Thực trạng hiện nay cho thấy xây dựng quy chế được căn cứ vào đồ án quy hoạch đô thị, quy định quản lý theo quy hoạch nhưng chính quyền đô thị cần căn cứ vào thực trạng phát triển kinh tế - xã hội, năng lực tổ chức thực hiện quy hoạch, những ưu tiên trong từng thời kỳ, các khu vực đặc trưng cần quan tâm để xây dựng quy chế với xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm trong quản lý. Quy chế thể hiện rõ ý chí, mục tiêu quản lý của chính quyền đô thị, song để có tính thực tiễn thì quá trình nghiên cứu, thẩm định không thể thiếu ý kiến tham vấn của cộng đồng, của các tổ chức xã hội nghề nghiệp.

Quy chế quản lý có 2 cấp độ nhưng không nhất thiết phải đúng tầng bậc, nghĩa là không phải chờ khi nào có quy chế chung mới xây dựng quy chế cho khu đặc thù trong đô thị. Bài học từ Hà Nội cho thấy trong khi quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc cảnh quan chung Hà Nội đang hoàn thiện, chưa phê duyệt song do yêu cầu thực tiễn Thành phố đã phê duyệt và ban hành quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc khu phố cổ Hà Nội. Cách làm này được cộng đồng và nhiều chuyên gia ủng hộ, với đặc thù di sản Huế cũng nên tham khảo, xem xét và phải chăng cần xây dựng sớm quy chế cho khu vực di sản Huế.

- Nội dung xử lý vi phạm trong quy chế. Đây là yêu cầu rất cần thiết để thể hiện quyền hạn, trách nhiệm của các đối tượng áp dụng quy chế. Xử lý vi phạm không chỉ quy định đối với đối tượng thực hiện hoạt động liên quan đến quy chế mà còn cả với các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền quản lý. Trong đó xác định thời gian xử lý chuyển tiếp rất cần được nêu rõ và nên phân biệt với thời gian có hiệu lực thực hiện quy chế. 


Không gian đại nội Huế 

Đặc thù trong Quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc cảnh quan Thừa Thiên-Huế và Thành phố Huế 

Từ tiềm năng và lợi thế về quỹ di sản cảnh quan, vị thế địa lý, xu thế phát triển đô thị thì định hướng để Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là có căn cứ song cần lựa chọn mô hình cấu trúc đô thị hợp lý với lộ trình thích hợp và phải tìm lời giải từ đẩy mạnh phát triển đô thị đồng thời với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp đô thị. Qua nghiên cứu mô hình, tiêu chí phân loại đô thị của nước ngoài cho thấy cần chú trọng đến quy mô dân số, mật độ dân số, điều kiện cơ sở hạ tầng và tỷ lệ lao động phi nông nghiệp (với khái niệm mới về nông nghiệp đô thị). Một số thành phố trực thuộc Trung ương của Việt Nam hiện nay đã được phê duyệt với mô hình cấu trúc chùm đô thị, trong đó khái niệm trung tâm đô thị được mở rộng hơn, đô thị vệ tinh có tính độc lập nhất định, trong cấu trúc trùm đô thị có gắn với mô hình tuyến đô thị quy mô nhỏ và mối quan hệ với các đô thị khác trong vùng. Nhận biết được đầy đủ khái niệm trên để thể hiện trong quy chế sẽ xác định được tổ chức hợp lý về không gian toàn đô thị để có cơ sở trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. 

Trong định hình và quản lý xây dựng nông thôn mới: Thừa Thiên - Huế với quy mô đất đá tự nhiên 5.062km2 là thuận lợi về tiềm năng đất đai và cảnh quan với cấu trúc chùm đô thị thì rất cần xác định làm rõ hệ thống điểm dân cư nông nghiệp, xây dựng mô hình nông nghiệp đô thị. Nên hình thành ngay trong giai đoạn đầu mô hình sinh thái du lịch và làng nghề để có sự hài hoà giữa đô thị trung tâm và nông thôn mới là xu thế phát triển đô thị được chấp nhận là hợp lý hiện nay. Do vậy trong quy chế quản lý cần được nghiên cứu để quy định đặc thù với nông thôn (mô hình làng, xã) và khu vực công nghiệp của Thừa Thiên - Huế. 

Nhận diện quỹ di sản và cảnh quan, đến nay không chỉ trong nước và nước ngoài đều xác nhận di sản Thừa Thiên - Huế nói chung và TP. Huế nói riêng là phong phú, đặc sắc với một số di sản được xem là duy nhất của Việt Nam và thế giới. Quỹ di sản này không chỉ thể hiện ở trong kinh thành Huế, trong kiến trúc cung đình, nhà cửa, dinh thự của tầng lớp trên trong xã hội phong kiến mà còn thể hiện rõ trong cấu trúc các điểm dân cư với hình thức phố thị, làng nghề, nhà vườn đang hiện diện là sự chuyển hoá chọn lọc đang hòa quyện với cảnh quan từ thời phong kiến, Pháp thuộc và cả thời gian gần đây. Trong quy chế quản lý không chỉ là nhận diện, liệt kê mà còn cần có các quy định để kế thừa bảo tồn và phát triển đặc trưng quỹ di sản này. Bảo tồn gắn với phát huy giá trị là xu thế các đô thị đang hướng tới để xác lập yêu cầu quản lý. Nhận diện quỹ di sản của Thừa Thiên - Huế và nhất là TP. Huế đã có nhiều công trình nghiên cứu được trân trọng, song ở quy chế rất cần được cập nhật đầy đủ, xác định phân khu, ranh giới trách nhiệm bảo tồn, quy định quản lý cụ thể với từng loại công trình kiến trúc thành lũy cung đình, kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng, nhà vườn truyền thống... khu vực cảnh quan, cây xanh, mặt nước sông hồ. 

Để Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thì công tác quy hoạch, quản lý phát triển rất cần được xem là công tác thường xuyên, quan trọng và phải đi trước một bước. Trong đó quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc cảnh quan chung và từng khu đặc trưng cần được xem là cơ sở pháp lý quan trọng. Một vài ý kiến nêu trên chỉ là bước đầu mong được xem xét, quan tâm trong quá trình nghiên cứu xây dựng quy chế. 

Quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc có 2 cấp độ bao gồm: chung cho toàn đô thị và cho khu vực cụ thể trong đô thị. Trong quy chế chung phải xác định rõ khu vực cụ thể nào cần quy chế đồng thời nêu những định hướng quản lý cho khu vực đặc thù để cụ thể hoá sau này. Quy chế quản lý có 2 cấp độ nhưng không nhất thiết phải đúng tầng bậc, nghĩa là không phải chờ khi nào có quy chế chung mới xây dựng quy chế cho khu đặc thù trong đô thị. Bài học từ Hà Nội cho thấy trong khi quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc cảnh quan chung Hà Nội đang hoàn thiện, chưa phê duyệt song do yêu cầu thực tiễn Thành phố đã phê duyệt và ban hành quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc khu phố cổ Hà Nội. Cách làm này được cộng đồng và nhiều chuyên gia ủng hộ, với đặc thù di sản Huế cũng nên tham khảo, xem xét và phải chăng cần xây dựng sớm quy chế cho khu vực di sản Huế. 

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội  

Nguồn ảnh: Internet
(Theo Tạp chí Kiến trúc Việt Nam số 7+8/2014)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo